Bạn và thiền

20/05/2013 10:08
Thiền có hai loại, căn bản là thiền chỉ và thiền quán hay thiền định và thiền tuệ. Thiền chỉ giúp hành giả được an tịnh. Thiền quán phát triển tuệ giác về vô thường, khổ và vô ngã. Bằng cách hành thiền, an vui sẽ thay chỗ cho khổ đau và hiểu biết sẽ thế chỗ cho mê lầm.

Tôi xin chia sẻ đôi điều với bạn về thiền. Để hưởng được vị ngọt ngào của thiền mang lại, bạn nên tiến hành từng bước như sau:

Chuẩn bị tâm. Trong cuộc sống, khi muốn làm bất cứ điều gì, muốn thành công bạn phải có sự chuẩn bị. Như người dân có hạt giống thôi chưa đủ, phải dọn đất thật kỹ trước khi gieo trồng. Nếu không, những hạt giống này khi nảy mầm lên cây sẽ trở nên yếu ớt, thiếu sức sống, thậm chí bị chết. Vì không bám được rễ nên nó không có điều kiện để phát triển. Một con người muốn vun trồng mảnh đất tâm linh cũng vậy. Điều cần làm là nhận ra cỏ dại mọc đầy trong tâm. Đó là những thói hư, tật xấu phải nhổ bỏ, phải bứng gốc, phải phát hoang, phải tận diệt những phiền não. Bản chất của con người là thiện, trong tâm ai cũng đều có Phật tánh, có những hạt giống tốt đẹp của lòng yêu thương, lòng từ bi và sự hi sinh… Nhưng khó cho những hạt giống này phát triển, vì con người luôn hưởng dục lạc thế gian, thậm chí có đôi khi còn muốn từ bỏ những hạt giống ấy.

Hãy nhìn kỹ vào mỗi chúng ta, chúng ta không còn trẻ nữa. Ta đã làm nhiều điều cho cuộc sống, đã vắt kiệt sức lực theo năm tháng của thời gian. Khi trẻ lấy sức khỏe để đổi lấy tiền bạc. Khi già lấy tiền bạc để mưu cầu, tìm kiếm sức khỏe. Thật đầy mâu thuẫn phải không bạn? Có điều gì trong thế gian này hoàn hảo đâu? Vì vậy mà chúng ta luôn mong mỏi tìm kiếm một cái gì khác hoàn hảo hơn. Quan trọng là bạn có sẵn sàng nhận nó hay không? Bạn đã sẵn sàng hành thiền chưa?

Hãy hành thiền bằng cả trái tim của bạn. Vì khi làm một việc mình yêu thích thì mình không bao giờ mặc cả, thiền bao lâu sẽ đắc định? Bao lâu được thần thông? Đừng mặc cả, đừng muốn ít mà nhận được nhiều, đấy không phải là thái độ chân chánh trong hành thiền và trong đời sống cũng thế, mình sẽ nhận được nhiều khi mình thật sự biết cho đi. Chỉ có hạnh phúc và sự hoan hỷ khi hành thiền sẽ giúp bạn có nhiều động lực, vượt qua những cơn đau của thân, những bướng bỉnh của tâm. Hành thiền là nhìn sâu vào tâm, phải biết ta cần gì và muốn gì? Vì khi hành thiền ta phải hi sinh một vài thứ gì đó trong cuộc sống. Trước là cảm thấy mất tự do phải khép mình vào nội quy của thiền đường. Bạn đã sẵn sàng chưa?

Hãy quán chiếu. Bản chất của cuộc đời là vô thường, khổ và vô ngã. Có quan niệm thế nào về cuộc sống này, chúng ta cũng không nên tìm cách thay đổi chúng theo chiều hướng mình ưa thích. Hãy nhìn chúng diễn biến một cách tự nhiên, nơi nào có đau khổ, nơi đó cũng có con đường thoát khỏi khổ đau. Thấy rằng cái gì có sinh, cái đó có diệt, có khổ đau.

Cuộc sống này thật ngắn ngủi. So với đời sống của trái đất, nó chỉ là tích tắc, để thấy thời gian là quý báu để đừng lãng phí. Thời gian là mạng sống của mình, một giờ trôi qua, thời gian sống mình ngắn lại. Có nghĩa gì đâu tiền tài, danh vọng, địa vị khi ta chết đi. Nhưng bạn sẽ làm gì khi bạn sống lâu? Bạn không trả lời được sống lâu để làm gì? Chỉ biết ai cũng muốn sống lâu. Điều này làm ta dính chấp vào cuộc sống nhưng không biết làm gì cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hãy sống trong chánh niệm, vì trong chánh niệm thì một năm ta sẽ làm được nhiều việc có lợi ích, mang lại thành công như thời gian của năm năm. Như vậy, 70 năm ta sẽ có cuộc sống ý nghĩa hơn 300 năm.

Biết đời sống ngắn ngủi, bạn hãy tinh tấn hành thiền bất cứ ở đâu. Hãy hành thiền khi có thời gian.

Quán tưởng về ân đức Phật. Hạnh phúc hay bất hạnh khởi lên trong tâm là khi ta nhớ, nghĩ về đối tượng. Nên khi nhớ về Phật, bậc Giác Ngộ có đầy đủ từ bi, trí tuệ lòng ta dấy lên tình yêu mến, giúp ta phát triển tâm từ, trong ta xuất hiện lòng cảm phục và ước ao thành tựu như thế. Bạn sẽ muốn giải thoát, muốn thành Phật. Nếu bạn không thành Phật, nó cũng sẽ giúp bạn phát triển từng bước, từng phần chứng Phật, giúp bạn giác ngộ. Khi bạn nhận đức Phật là thầy, bạn sẽ biết mình đi về đâu? Điều nào có ý nghĩa trong cuộc đời?

Học pháp và hành thiền là điều cần thiết.

Tuy nhiên, khi các thiền sinh rời thiền đường, trở về cuộc sống đời thường, những gánh nặng, những lo toan trong cuộc sống, sẽ làm giảm dần thời gian, thời lượng hành thiền, đưa đến không tiến bộ, không có kết quả. Để vượt qua vấn nạn này, bạn hãy duy trì, nuôi dưỡng lòng yêu thích hành thiền. Hãy hành thiền bằng tất cả trái tim của bạn. Một điều kiện thành công trong mọi công việc là lòng yêu thích của bạn dành cho công việc đó. Nếu không dù có cố bao nhiêu cũng sẽ không đi đến đâu, nhất là khi không tiến bộ bạn sẽ không làm nữa.

Một điều nữa là hãy giữ giới, thu thúc lục căn. Lúc đầu bạn cảm thấy mình bị bó buộc mất tự do, nhưng tự do không phải là làm bất cứ điều gì ta muốn. Nó sẽ không đúng với nghĩa tự do. Tự do là bất cứ điều nào tốt, điều nào xấu và chọn lựa tự giác giữ giới. Điều gì sẽ xảy ra khi không giữ giới? Một người không giữ giới trước tiên là họ đánh mất lòng tự trọng, đánh mất sự tự kính trọng mình trong tâm, điều này thật tai hại. Trong quá trình hại người khác cũng chính là hại mình, vì hại người lòng sẽ bất an.

Hãy để quá khứ trôi qua. Bạn phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn. Đừng đổ lỗi cho kẻ khác về nỗi bất hạnh, hãy cố thấy lỗi mình, dù điều đó rất khó, hãy cố gắng nhận ra và nghĩ nhiều về điều thiện, càng nhiều càng tốt.

Để phát triển thiền tập hãy sống một đời sống đơn giản. Hãy dọn cỏ tâm của bạn mỗi ngày. Theo cách này, bạn sẽ hưởng được chân hạnh phúc. Chúc bạn thành công.       


Viên Đạo (ĐPKS)

Các tin tức khác

Back to top