Khi con giận, làm sao để lấy cái giận của con ra?

24/12/2013 2:27
Khi con giận, làm sao để lấy cái giận của con ra?

Thầy: Có phải con nghĩ là cơn giận là từ bên ngoài đi vào trong con và bây giờ con muốn lấy nó ra? Con có chắc là cơn giận là một cái gì đó đến từ bên ngoài? Ở làng Mai, chúng ta học cách xử lý cơn giận và chăm sóc cơn giận của chúng ta. Có cơn giận trong người là một điều không dễ chịu lắm.

Nó giống như bùn, tuy nhiên, nếu không có bùn, chúng ta không thể trồng hoa sen được. Vì vậy, dù thế nào thì bùn cũng rất cần thiết và có ích. Và cơn giận của con cũng vậy, nó cũng có ích. Do đó mà có lẽ con không cần phải lấy cơn giận ra, con không nên tìm cách để vứt bỏ nó đi cho được. Nếu con biết làm sao để sử dụng cơn giận của mình một cách đúng đắn, con có thể trồng được nhiều hoa sen của bình an, của niềm vui và tha thứ.

Đây là một giáo pháp rất sâu sắc ở làng Mai mà chúng ta đã được học. Thực ra, giận không phải là một cái gì đến từ bên ngoài ta mà là ở bên trong ta. Đôi khi, bởi vì chúng ta không hiểu được hoàn cảnh đó nên chúng ta không thương được. Nếu nhìn và lắng nghe cho sâu sắc thì chúng ta sẽ có thể hiểu được và khi chúng ta hiểu thì sẽ có tình thương và khi tình thương có mặt thì cơn giận sẽ tự chuyển hóa.

Con không cần phải lấy cơn giận ra để quẳng nó đi. Cơn giận thực ra là một cái gì đó hữu dụng và nếu chúng ta ôm ấp cơn giận với hiểu biết, với lòng từ bi thì cơn giận sẽ trở thành tình thương. Chúng ta hãy thử lấy một ví dụ. Sáng nay, có một người nào đó đã nói một điều không dễ thương với mình. Người đó đã làm hay đã nói một điều gì đó không dễ thương với con và làm con nổi giận.

Thông thường, nếu không phải là một người thực tập giỏi, con muốn đấm cho người kia một cái. Đó là cơn giận trong chúng ta. Cơn giận đó là một loại bùn và nó làm vấy bẩn lên mọi thứ. Vì vậy mà chúng ta cần ý thức về loại bùn này do cơn giận gây ra. Chúng ta cần phải quán sát nó, không để vết bùn đó vấy bẩn lên mình và lên người kia.

Vì vậy cho nên chúng ta phải thở vào, thở ra một cách bình tĩnh, có chánh niệm và nhìn vào người kia cũng như những gì đang có trong người đó. Mình thấy trong người đó có sự bạo động, có sự giận dữ, có những nỗi khổ niềm đau. Nếu người đó có hạnh phúc thì người đó sẽ không nói, không làm những gì có tính chất bạo động như vậy.

Nhưng bởi vì người đó không có hạnh phúc, cho nên người đó đau khổ. Và khi một người đau khổ thì họ muốn tống cái khổ của mình đi bằng việc nói hay làm một cái gì đó không dễ thương với người khác và nghĩ rằng khi làm như vậy thì họ sẽ bớt khổ. Làm điều này là dại lắm.

Do đó khi con nhìn và con thấy người đó không có hạnh phúc, người đó có sự bạo động, giận dữ trong mình và người đó không biết cách ôm ấp, xử lý những bạo động và bất hạnh của mình. Người đó đang khổ. Và khi người đó khổ thì tự nhiên những người xung quanh người đó cũng khổ.

Khi con nhìn thấy cơn giận của người đó và con thông cảm được với cơn giận đó thì con không còn giận người đó nữa. Đứa con trai, đứa con gái tội nghiệp đó – mình không muốn trừng phạt nó để làm nó đau khổ thêm nữa. Mình muốn làm nó bớt khổ. Do đó mà con mỉm cười với người đó và nói : “Bạn ơi, mình biết là bạn đang khổ, mình không có giận bạn đâu, cho dù bạn đã nói, đã làm những điều như vậy với mình. Mình biết là bạn đang khổ nhiều lắm nên mình không trách bạn, mình không giận bạn. Mình đang thở và mình thông cảm với bạn, vì vậy mình không giận bạn và mình cũng không khổ.”

Làm được như vậy thì con sẽ là một người thực tập giỏi và người kia sẽ hết sức ngạc nhiên. Những người khác thường thường phản ứng khác, họ có thể đánh anh ta hay nói với anh ta những điều rất tồi tệ nhưng con thì không làm như vậy.  Con đang hành xử rất khác bằng sự lân mẫn nhẹ nhàng, tình thương và nụ cười.

Người đó sẽ rất kinh ngạc và một ngày nào đó có thể anh ta sẽ hỏi con làm thế nào mà con làm được như vậy. Có khi nào có một người nào đó nói một điều khiếm nhã, tồi tệ hay hành xử một cách thô lỗ với con mà con vẫn giữ được sự trầm tĩnh, bình an của mình không? bằng cách nào?

Khi đó con sẽ kể cho họ nghe là con đã đến làng Mai và học cách thở chánh niệm, cách nhận diện cơn giận, niềm đau trong mình và trong người đó. Vì vậy tại sao mà chúng ta lại ở đây, cùng học hỏi những điều này và thực tập, con có thể chia sẻ những điều này với những đứa bạn của mình khi con trở lại trường học.

 

Sư ông Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top