Làm sao để giữ được tính thiện trong môi trường kinh doanh khốc liệt?

19/11/2016 12:40
Hỏi: Thưa thầy, sự cạnh tranh gay gắt trong giới kinh doanh khiến người ta ví thương trường như chiến trường. Vậy doanh nhân phải làm gì để có thể giữ được tính thiện và sống đúng theo Năm Giới trong một môi trường kinh doanh đầy khốc liệt này?

Đáp: Tờ báo Fortune ở Mỹ mỗi năm đều nêu ra danh sách một trăm doanh nghiệp đứng hàng đầu mà mình có thể đầu tư vào. Khi nghiên cứu thì người ta thấy rõ ràng rằng điểm chung của tất cả một trăm doanh nghiệp đó là biết lo lắng, biết chăm sóc cho những người trong doanh nghiệp như là trong một gia đình. Như vậy thì yếu tố tình thương có mặt, yếu tố trách nhiệm có mặt, yếu tố tình huynh đệ có mặt ở trong đó. Niềm hạnh phúc được đem lại cho doanh nghiệp không phải chỉ là lợi tức mà là sự an vui của tình thương. Không phải tại vì có tình thương mà doanh nghiệp của mình sụt xuống hàng thứ ba, thứ tư, hay thứ năm. Chính vì có tình thương mà doanh nghiệp mình lên hàng đầu trong số một trăm doanh nghiệp được chọn lựa, phải nhớ như vậy.

Khi mình có tình thương rồi thì mình có khả năng sống đúng theo năm giới của đạo Bụt, trong đó có giới bảo vệ sự sống. Nếu mình chỉ nghĩ đến lợi tức mà khai thác thiên nhiên đến mức làm cho hư hoại môi trường sinh sống của mọi loài thì tức là mình không có tình thương. Mình ý thức được là mình gây ra sự giết chóc, hủy hoại môi trường. Cái đó trở thành ra một nút thắt nằm trong đáy lòng mình, khiến cho tâm mình không an. Tuy có thêm lợi tức nhưng mình biết trong thâm tâm rằng mình đang phá hoại môi trường, phá hoại sinh mạng của những người khác. Vì vậy trong những giấc mơ và khi mình già lớn tuổi thì mình sẽ ăn năn, sẽ hối hận và không có hạnh phúc.

Có tình thương trong doanh nghiệp thì thế nào mình cũng tránh được hành động hủy hoại môi trường và hủy hoại sinh mạng của những loài khác. Khi mình nhận thức rằng tuy đang có lợi tức nhưng mình đang sát sanh quá nhiều, thì tâm mình không an. Nếu tiếp tục như vậy thì cái không an của tâm mình càng ngày càng lớn lên và một ngày nào đó, mình sẽ đánh mất hạnh phúc hoàn toàn. Vì vậy mình nên có can đảm thay đổi doanh nghiệp. Thay vì phải sát sanh nhiều thì mình đi tìm một loại doanh nghiệp nào có thể bảo hộ được sinh mạng, bảo hộ được môi trường của sự sống. Sự thực tập đó trong đạo Phật gọi là chánh mạng.

Chánh mạng (right livelihood) tức là một nghề nghiệp sinh sống chân chánh, không tàn hại môi trường, không tàn hại sinh mạng của những loài khác. Sinh sống một cách chân chính là một trong tám con đường của Bát Chánh Đạo. Thế nên khi mình nhận thức được doanh nghiệp của mình tuy đang làm ra tiền nhưng đang hủy hoại sinh môi, làm hao tổn sinh mạng của những loài khác thì mình hãy lập tức nói với mình rằng, doanh nghiệp này không có đủ tình thương trong đó! Mình không muốn tiếp tục như vậy. Mình sẽ tìm cách thay đổi doanh nghiệp đó trở thành một doanh nghiệp mà trong đó mình có cơ hội bảo hộ được môi trường và bảo hộ được sinh mạng.

Có những doanh nghiệp như vậy. Trong một trăm doanh nghiệp được báo Fortune nêu danh mỗi năm thì tất cả đều có xu hướng bảo vệ môi trường, bảo hộ sự sống, giúp đỡ cho những người hiểu biết và giúp đỡ những người trong doanh nghiệp. Làm doanh nghiệp đúng theo tinh thần của tình thương thì mình thành công nhiều hơn. Không những thế mình còn không có mặc cảm tội lỗi và sau này mình sẽ không trả một giá rất đắt cho nó. Trong thương trường có sự tranh đấu hình như là không nương tay, không có tình thương. Nhưng mục đích của mình là gì? Mục đích của mình là hạnh phúc chứ không phải chỉ thành công về hình thức. Mình có thể có rất nhiều tiền, có rất nhiều quyền hành, nhưng mà mình có thể đau khổ cực kỳ. Cho nên mình phải xét lại điều này. Rất là quan trọng. Mục đích của mình là có hạnh phúc, hạnh phúc cho bản thân, hạnh phúc cho những người thương và mình biết rằng tình thương là yếu tố căn bản của hạnh phúc đó. Khi mình có hạnh phúc và tình thương rồi thì mình không nỡ nào làm tàn hoại và hủy hoại môi trường sinh sống của các loài khác.

Kinh Kim Cương có nói phải xét lại ý niệm của mình về người. Ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, là bốn ý niệm: ý niệm về ngã, ý niệm về nhân, ý niệm về chúng sanh, ý niệm về thọ giả. Nhân ở đây có nghĩa là con người. Theo đạo Phật con người được làm bằng những yếu tố không phải người. Con người xuất hiện trên trái đất này rất trễ so với các loài sinh vật khác. Nếu không có các loài khoáng vật, thực vật và động vật thì con người không thể nào sống được. Bảo hộ cho các loài khoáng vật, bảo hộ cho các loài thực vật và động vật tức là bảo vệ con người. Bảo vệ những yếu tố không phải người tức là bảo vệ yếu tố người. Đó là văn kiện về bảo hộ sinh môi sớm nhất trong lịch sử văn học của nhân loại. Theo Kinh Kim Cương, muốn bảo hộ con người phải bảo hộ những yếu tố làm ra con người, đó là: đất đá, thực vật, các loài sinh vật khác.

Cho nên tình thương có thể đi đôi một cách toàn hảo với sự thành công của một nhà doanh nghiệp. Nó có thể làm cho nhà doanh thương thành công hơn những nhà doanh thương không có tình thương ở trong doanh nghiệp của mình. Vì vậy thực tập tình thương thì mình thực tập được sự bảo hộ sinh mạng, bảo hộ môi trường. Khi mình thấy những nhà doanh thương khác không để ý đến điều đó, mình cũng có lòng thương đối với họ. Mình tội nghiệp họ chỉ biết chạy theo tiền tài và uy quyền. Họ là những người không có hạnh phúc. Mình sẽ tìm mọi cách để có thể giúp được những người đó. Cách hay nhất là cho họ thấy qua sự sống của chính mình. Họ thấy mình thương người như vậy mà mình vẫn thành công, mình thành công nhiều hơn họ nữa, từ đó họ sẽ thay đổi. Đừng thấy họ tranh đua một cách không nể nang và không tôn trọng một cái gì hết mà mình cũng phải đi theo cách đó. Mình đi theo cách khác, cách của tình thương. Tại vì mình đã được học bài học rồi. Chỉ có tình thương mới tạo nên sự liên hệ tốt giữa người với người, giữa người với những chủng loại khác trong đó có các loài thảo mộc, các loài cầm thú và các loài khoáng vật.


Theo Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top