Thực hành hàng ngày

3/11/2015 3:16
Với cuộc sống bận rộn trong thế giới phức tạp và xáo trộn ngày nay, đâu là những bước tu tập chúng ta có thể thực hành?

Trước tiên chúng ta cần lên chương trình về thời gian tham thiền thường xuyên mỗi ngày. Điều này đòi hỏi kỹ luật. Để ra một khoảng thời gian mỗi ngày cho tham thiền không phải là việc dễ thực hiện; quá nhiều việc khác réo gọi chúng ta. Nhưng cũng như bất cứ sự rèn luyện nào, nếu chúng ta thực tập thường xuyên, chúng ta sẽ hưởng được kết quả. Dĩ nhiên không phải lúc nào ngồi là có thể tập trung. Đôi khi chúng ta cảm thấy buồn chán hoặc không yên. Đó là những trạng thái lên xuống không tránh khỏi khi tu tập. Chính sự kiên trì và thường xuyên là điều quan trọng.

Sự rèn luyện trong tham thiền chỉ có thể xảy ra qua cố gắng cá nhân. Không người nào khác có thể làm điều đó cho chúng ta. Có nhiều kỹ thuật và truyền thống, và chúng ta có thể chọn một con đường thích hợp nhất cho mình. Nhưng sự thực hành thường xuyên vẫn là điều thiết yếu đưa đến chuyển hóa. Nếu chúng ta thực hành, sự chuyển hóa sẽ xảy đến; nếu không thực hành, chúng ta sẽ tiếp tục sống trong tình trạng bị điều khiển.

Bước tiếp theo là tập duy trì chánh niệm và thức giác về thân trong mọi lúc. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường đánh mất mình trong những niệm tưởng về quá khứ hay vị lai. Tâm của chúng ta chạy trước chúng ta, hướng vào nơi chúng ta muốn đến thay vì dừng lại ở thân là chỗ chúng ta đang hiện diện.

Đức Phật đã trình bày rõ ràng và nhấn mạnh về sự tu tập này: “Chánh niệm về thân đưa đến Niết bàn”. Đây không phải là việc tu tập cạn cợt. Chánh niệm về thân giúp chúng ta hiện diện, và từ đó chúng ta biết điều gì xảy ra. Sự tu tập khó nhớ nhưng không khó thực hành. Đây là toàn bộ sự tu tập: ngồi đều đặn thường xuyên và giữ chánh niệm về thân trong mọi lúc.

Để phát triển định tâm và chánh niệm, để hiện diện nhiều hơn nơi thân, và để có sự tiếp cận thiện xảo với tưởng niệm và cảm xúc, chúng ta không những thực hành mỗi ngày, mà còn cần những khóa tịnh tu. Thỉnh thoảng thoát ra ngoài sự bận rộn của đời sống để tham dự những khóa tu tập nghiêm mật sẽ giúp rất nhiều cho chúng ta. Thời gian tịnh tu không phải là một sự xa xỉ. Nếu chúng ta dấn thân một cách chân thật và sâu xa cho sự giác ngộ giải thoát, tịnh tu là một phần thiết yếu trên con đường.

Chúng ta cần tạo một sự nhịp nhàng cho đời sống của chúng ta, thiết lập sự quân bình giữa thời gian lăn mình trong công việc thế gian và thời gian quay vào bên trong. Rumi, một thi sĩ thuộc giáo phái Sufi Hồi giáo, nói: “Một khoảng thời gian ngắn sống một mình sẽ có giá trị hơn bất cứ điều gì khác mà bạn được ban cho.

 

Joseph Goldstein

Theo: The Best Buddhist Writing 2008, edited by Melvin McLeod and the Editors of the Shambhala Sun)

Chuyển ngữ: Thị Giới

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 91

Các tin tức khác

Back to top