Đôi nét về tỷ phú Lý Gia Thành
Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những người giàu nhất Hồng Kông năm 2019 và nhân vật tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu không ai khác chính là tỷ phú Lý Gia Thành với khối tài sản trị giá 33,4 tỷ USD.
Lý Gia Thành là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất tại châu Á. Tháng 5 năm ngoái, ông đã rời vị trí Chủ tịch của CK Hutchison và CK Asset Holdings để nhường lại đế chế kinh doanh cho con trai cả là Victor Li. Mặc dù vậy, ông vẫn đảm nhiệm vai trò cố vấn cao cấp của tập đoàn. Câu chuyện làm giàu từ hai bàn tay trắng của ông đã trở nên nổi tiếng khắp châu lục và đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ doanh nhân.
Lý Gia Thành sinh ngày 29-07-1928 tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1939, ông cùng gia đình di cư sang Hồng Kông. Sau khi cha bị bệnh qua đời, ông phải bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình khi mới 14 tuổi. Năm 1948, ông được bổ nhiệm làm giám đốc một xưởng sản xuất hoa nhựa, nơi ông đã lao động chăm chỉ và có nhiều thành tích xuất sắc. Hai năm sau, khi vừa tròn 22 tuổi, bằng số tiền 7000 USD dành dụm được, ông thành lập một xưởng sản xuất nhựa của riêng mình. Cuối năm 1957, xưởng của ông chính thức đổi tên thành Công ty hữu hạn Trường Giang Thực Nghiệp. Từ đó đến nay, ông không ngừng mở rộng quy mô để Trường Giang Thực Nghiệp từng bước trở thành một trong 10 tập đoàn hùng mạnh nhất Hồng Kông và có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường chứng khoán thế giới.
Để đạt đến thành công của ngày hôm nay, ông đã phải dành rất nhiều tâm huyết để sáng tạo nên triết lý kinh doanh cho riêng mình, với bốn tư tưởng chính:
– Lấy tư tưởng của người theo đạo Nho để quản lý doanh nghiệp
– Lấy lòng từ thiện của người theo đạo Phật để đối xử với nhân tài
– Lấy trạng thái tâm lý ổn định để phát triển sự nghiệp
– Lấy tâm hồn gần gũi đối xử với đối thủ
Tỷ phú Lý Gia Thành cho rằng: “Chỉ khi nào bản thân nhận thức rõ việc kiếm tiền không phải là chuyện dễ, lúc đó chúng ta mới trở thành một người có trí tuệ, mới thực sự thành công trong lao động. Danh lợi không phải là điều quan trọng nhất; làm kinh tế không có chữ tín sẽ không thành; sống lương thiện mới là nguồn tài nguyên dồi dào; bền bỉ là pháp bảo của giàu sang…”
Tuy là một tỷ phú lẫy lừng nhưng Lý Gia Thành thích sử dụng tiền của mình để đầu tư hơn là mua sắm vật chất. Đồ dùng của ông rất bình thường: Ông từng đeo một chiếc đồng hồ hiệu Citizen có giá 50 USD trong nhiều năm trước khi chuyển sang chiếc Seiko trị giá 100 USD. Mãi đến những năm trở lại đây, ông mới đeo một chiếc Citizen Eco Watch giá 400 USD để nâng cấp độ bền của pin.
Thấm nhuần giáo lý nhà Phật từ mẹ
Trong con mắt mọi người, Lý Gia Thành là người giàu nhất châu Á, nhưng đối với ông, tài sản nội tâm mới là tài sản thực sự. Từ rất sớm, cùng với sự phát triển trong sự nghiệp, ông đã nhiệt tâm làm các việc công ích, rộng trồng ruộng phước ở Hồng Kông, Trung Quốc Đại Lục và toàn thế giới. Vào năm 1980, ông thành lập Quỹ Lý Gia Thành để tài trợ có hệ thống hơn cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và công ích. Ông thường bỏ ra các khoản tiền tới hàng trăm triệu đô Hồng Kông để làm các việc phước đức như tạo tượng Phật, tu sửa chùa, xây cầu đắp đường, chấn hưng giáo dục, viện trợ y tế, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hoằng dương văn hóa truyền thống, cứu tế người gặp tai nạn… Ông đã lập di chúc quyên góp hơn 90% tài sản của mình cho các cơ sở từ thiện.
Tỷ phý Lý Gia Thành là một trong những người góp phước nhiều nhất trong công trình tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất thế giới ở núi Đại Dữ, Hồng Kông. Ngày 16-03-2015, ông cũng vừa khánh thành chùa Từ Sơn ở quận Đại Bộ, Hồng Kông, nơi mà ông đã bỏ ra số tiền lên tới 290 triệu USD (hơn 6.200 tỉ đồng Việt Nam) để đầu tư xây dựng…Và mới đây giữa năm 2019, tỷ phú Lý Gia Thành đã mở bảo tàng nghệ thuật phật giáo tại Thiền viện Tsz Shan, Hong Kong (Trung Quốc). Theo Quỹ Lý Gia Thành, chi phí xây dựng bảo tàng vào khoảng 382 triệu USD (gần 9 nghìn tỷ đồng). Bảo tàng nằm ở dưới chân bức tượng Phật quan âm khổng lồ bằng đồng, cũng do chính nhà tỷ phú góp tiền thực hiện.
Mẹ của Lý Gia Thành – bà Trang Bích Cầm – là một Phật tử thuần thành, dưới sự dạy dỗ của bà, Lý Gia Thành ngay từ nhỏ đã “sùng Phật trọng Nho, thiện tâm vô lượng”. Giáo lý Phật giáo dạy người đời rằng thiện ác đều có báo ứng, có nhân ắt có quả, và khuyên người đời tu thiện tích đức, làm nhiều việc tốt. Bà Trang Bích Cầm xem giáo lý Phật giáo là tiêu chuẩn làm người, lấy đó làm tôn chỉ để giáo dục con cái. Bà rất yêu thương Lý Gia Thành nhưng hoàn toàn không cưng chiều, thiên vị ông, mà thường dạy ông giáo lý Phật giáo, dạy ông ấp ủ từ bi, đối người thành thật. Tối đến, bà đều bày ông đọc sách viết chữ, còn thường kể cho ông nghe chuyện của rất nhiều văn nhân mặc khách và anh hùng dân tộc đời trước, bao gồm cả Lâm Tắc Từ, vị anh hùng dân tộc một lòng hướng Phật. Vì vậy, Lý Gia Thành cho dù là làm người hay kinh doanh đều giữ sự “thành tín, lợi người, lương tri” và làm nhiều việc thiện.
Gia đình Lý Gia Thành là gia đình Phật giáo điển hình ở khu vực Hồng Kông và Đài Loan. Gia đình họ tin sâu nhân quả ba đời, tin sâu mối liên hệ nội tại mang tính tất nhiên giữa bố thí và giàu sang, tin sâu tinh thần và hành động từ bi hỷ xả là đặc trưng của Phật, Bồ-tát. Vợ của Lý Gia Thành là Trang Nguyệt Minh cũng là Phật tử thuần thành, lúc lâm chung bà dặn dò hậu sự phải theo nghi lễ nhà Phật, ông và người nhà làm theo y lời, trợ niệm cho bà vãng sanh và an táng bà ở nghĩa trang dành cho tín đồ Phật giáo Hồng Kông.
Tỷ phú Lý Gia Thành rất thành công về mặt dạy dỗ con cái. Hai người con trai của ông đều đã đạt được những thành tựu phi thường trong giới kinh doanh. Về việc giáo dục con cái, ông quan niệm rằng, dạy con nên thường dùng Phật học để phát khởi trí tuệ làm người của chúng; cho dù chúng đã lớn, cũng nên 2/3 là dạy chúng làm người thế nào, chỉ 1/3 là dạy chúng kiếm tiền thế nào; vì điều thực sự quan trọng là xử lý mối quan hệ giữa người với người chứ không phải tiền bạc. Lý Gia Thành nói, khi ông còn nhỏ, mẹ ông thường dạy ông phải học cho đi, phải học thành thật, phải học giữ chữ tín. Giờ đây, ông cũng dạy con mình phải chú ý uy tín trong sự nghiệp của bản thân, luôn giữ lời hứa, đồng thời yêu cầu con mình phải biết nghĩ cho người khác, không tham lợi nhỏ, cần cù chịu khó, thực sự dâng hiến.
Cách ngôn của Lý Gia Thành là: “Tôi cảm thấy rằng, con người ở đời, khi đủ năng lực, có thể cống hiến cho xã hội, đồng thời tìm kiếm và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người không ai giúp đỡ, là điều rất có ý nghĩa, và xem đó là sự nghiệp trọn đời của mình”. Ông thường nói với mọi người một cách thản nhiên rằng: “Tôi là người học Phật!”
“Vạn pháp đều không, nhân quả bất không”. Đối với Lý Gia Thành, tài sản là một “hạt giống thiện”. Lý Gia Thành là người Phật tử thực hành Bồ-tát hạnh, là điển hình đại bố thí, đại thành công, là tấm gương sáng cho những người con Phật chúng ta học tập và noi theo.
Các tin tức khác
- Giáo hội ban hành công văn về “chống rác thải nhựa” (10/09/2019 5:56)
- Ngôi chùa cổ ở miền Tây và chiếc giường độc của công tử Bạc Liêu ( 9/09/2019 6:06)
- Sở hữu 700 triệu USD, vợ chồng Châu Nhuận Phát sống giản dị ( 8/09/2019 6:10)
- Đến thăm 7 ngôi chùa nổi tiếng tại Ninh Thuận ( 7/09/2019 5:57)
- Vẻ đẹp khó tin trong chính điện mới của Việt Nam Quốc Tự ( 5/09/2019 8:12)
- “Tứ động tâm” ở vùng đất miền Tây (29/08/2019 8:38)
- Á hậu Trương Thị May được vinh danh là “Người con của Đức Phật” tại Thái Lan (26/08/2019 8:18)
- Hình ảnh những con thú chết cháy khi rừng Amazon ngập trong biển lửa (25/08/2019 6:15)
- Dáng chùa Việt uy nghiêm trên đỉnh Đông Dương (24/08/2019 6:04)
- Ngôi chùa hơn 150 tuổi mang nét kiến trúc Á - Âu ở Tiền Giang (20/08/2019 6:17)