Sau hành trình trên quốc lộ 1, dừng ở Chợ Bạc Liêu, xe gắn máy đèo chừng 5 cây số cắt nội ô thành phố trẻ, băng qua ngõ cầu Tôn Đức Thắng rẽ vào đường về địa danh Sóc Đồn - nơi đặt văn phòng cơ quan hành chính xã Hưng Hội – huyện Vĩnh Lợi.
Chùa Đầu (Ghositaram) chính là nơi dừng đầu tiên! Một khối công trình cao vượt qua tường rào xám rêu phong, vút qua tầm thốt nốt tháp thoáng các tháp – mái cong, phù điêu đặc trứng kiến trúc chùa Nam tông Khmer nhưng trãi trong một diện tích khá rộng, từng cụm công trình thành phần gián cách nhau và ngự trên các nền cao, giữa các tiểu công trình lô nhô cây nhỏ xao xác lá khô bên dưới.
Nắng chang chang, vậy mà bồ câu chấp chới tung cánh từng đàn rồi rợp trên mái ngói cũ kỹ hay nghỉ ngơi nơi các phù điêu nữ thần trên cao cao, bồ câu dạn dĩ trong nắng cận tết cứ như truyền đi thông điệp hòa bình từ ái sống động.
Quý Sư trẻ đang lao tác ngoài, phá dỡ các khối bê tông, dằn nền chuẩn bị xây dựng một công trình mới trên đất cũ, không xa đàn bồ câu chấp chới trên mái ngói cong cong…
Chùa rộng, nhẹ chân một vòng qua vườn cây nhỏ, đến chính điện – nơi từng được một số tờ báo ghi nhận rằng có nền cao nhất trong các chính điện chùa Khmer ở Việt Nam. Công trình kiên cố, cao, nhưng vẫn theo đúng mô típ chuẩn mực các chính điện chùa Khmer tôi từng viếng: Poti Sôm rôm (Cần Thơ), Chùa Âng (Trà Vinh).. Khác biệt ở đây chính lầu cao thiết kế tinh xảo có nét gần với lối kiến trúc chính điện các thánh thất Cao Đài, đòi hỏi nhiều công phu. Người viết chưa từng thấy một chính điện chùa Khmer nào có lầu như thế và đẹp đến thế, từ bên trên dễ dàng quan sát bến dứoi, nơi hành lễ. Chưa hết, tam bảo, như mọi chùa Khmer, theo hệ phái Nam Tông, tượng Phật Thích Ca nghiêm cẩn, từ ái, với phong cách riêng.
Ở Chùa Đầu, tường chính điện vẫn câu chuyện sinh động bằng hình về cuộc đời Đức Phật, nhưng không đơn giản vẽ lên tường, các khuôn hình được đắp nổi! Trước tam bảo, một khung kính trong suốt song ngữ Việt- Khmer: bàn chân Đức Phật. Khẽ chân nhẹ bước vòng ngoài chính diện chính bao lơn ở lớp hành lang đặc sắc ôm ấp chính điện bên trong, với các cột cỡ lớn, họa tiết, và có hể từ hành lang ấy quan sát xung quanh đất chùa, lớp hành lang “bổ túc” thêm chính khác biệt ở các công trình chính điện Phật giáo Khmer, và cũng từng thấy nét tương đồng ở các chính điện Cao Đài.
Chùa Đầu được bao bọc bởi tường rào cao và một màu xám đen không phủ nhũ đồng như một số nơi, càng tôn nét cũ của toàn bộ khối kiến trúc bên trong. Bên ngoài tường rào, ven hương lộ, có một lớp tường thấp rêu phong đổ nát, dấu vết công trình cũ; ấn tượng bởi hàng thốt nốt cao lớn hình thành tường rào tự nhiên rất đẹp, cây cỡ tay ôm, thân vút trong nắng cháy…
Chùa Đầu có từ 1860 - hai năm sau khi Pháp tấn công Việt Nam ở Đà Nẵng (1858), hiện do Hòa Thượng Hữu Hinh, bậc tôn túc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì.
Chùa Giữa trẻ nhất trong ba ngôi chùa
Từ Chùa Đầu ở ấp Cù Lao, theo một lối rẽ qua cổng ấp Cái Giá cùng xã, chừng 1 cây số đường làng, qua các cánh đồng xanh tươi trong nắng chiều hơi nhạt, thôn ấp thanh bình, lại thêm một lối rẽ, hai hàng cờ Phật giáo trang nghiêm chào đón, đến chùa.
Chùa Giữa (Soryaram) có từ 1937, thời Pháp thuộc. Một tấm bia trang trọng ở gần cổng có thông tin khai sơn tạo tự và hình ảnh nhị vị hòa thượng sáng lập chùa. Nét no0ong thôn hiện rõ nơi đây qua ao sen xanh tốt trước Tượng Phật lộ thiên và ngay bên ngoài các tàng cây thả cành nghiêng thân, mấy chú bé người dân tộc Khmer leo trèo tít tắp hái me! Một ngôi chùa nhỏ dung dị ở đồng quê…
Chùa Chót - Không ít bí ẩn về lịch sử
Thêm một cây số đường làng, qua những cánh đồng và rẫy, cảnh nông phu chăm tưới cần lao, trẻ thơ tan trường ấm êm thông điệp cuộc sống thái bình. Từ xa xa đã nhận ra Chùa Chót (Buppharam) bởi Tượng Phật tọa thiền chuyển pháp luân, tượng trên đài cao, một màu trắng như tuyết trong nắng nhẹ, ấn tượng.
Cổng chùa bề thế, kiên cố, không khác cổng thành trong các phim cổ trang. Tôi choáng ngợp bởi không gian vật chất và tâm linh ở cuối hành trình và khi chiều đang buông nhanh. Duyên may được đảnh lễ quý Thượng tọa trú trì Tăng Sa Vông, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu đặc trách Nam Tông Khmer. Ngài ân cần tiếp CTV Phatgiao.org.vn ở trường kỷ phòng khách, ân cần chia sẻ về lịch sử ngôi chùa thiêng, người ngờ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và nhận ra bàn phím, máy tính cùng google không tường tận mọi nhẽ!
Chùa Chót, ở cuối một cung đường quê và ý tứ “chót” có lẽ chỉ có vậy. Theo Thượng tọa trụ trì, đây là cổ tự ở Bạc Liêu chỉ sau chùa Cũ Hòa Bình, có từ nữa đầu thế kỷ XVI. Chùa đã qua ba lần dịch chuyển vị trí trong cùng vùng đất này, với khoảng cách thời gian thay đổi địa điểm không xa.
Như vậy, mốc 1860 khai sơn tạo tự chùa Đầu có khoảng cách rất xa rất mới so vói thời điểm hình thành chùa Chót. Thượng tọa cho biết ngài ở vị trí thứ 42 trong cương vị trụ trì, chưa kể giai đoạn dài thiếu thứ liệu xác tín, những bậc trụ trì không được biết vì quá xa xưa. Ngài giới thiệu hai tượng đá và gỗ, trong đấy tượng Phật bằng đá được cho có niên đại gần giai đoạn hình thành chùa, tức cổ vật. Ngài cũng giới thiệu và hai chiếc thuyền xưa, một ghe ngo hải quân và một phương tiện hậu cần trên mặt nước hiện do chùa coi sóc.
Chùa đang xây dựng, công nhân và ô tô vật tư ầm ì vào ra… Ngôi giảng đường bằng gỗ màu thời gian đen bóng nổi bật, khá đẹp, tương tự ngôi giảng đường từng thấy ở chùa Đìa Chuối cũng ở Bạc Liêu.
Chính mốc thời gian khai sơn tạo tự của chùa Chót tạo nên cảm xúc mạnh mẽ bất ngờ khiến đường về đầy suy tư…
Từ một chuyến hành hương
Về công tác bảo tồn bảo tàng ở các nhà chùa, và riêng chùa thuộc hệ phái Nam Tông Khmer, trong thực tế, tôi có chút lo lắng. Thông tin về mở rộng lộ giới sẽ đe dọa tường rào cũ của chùa Đầu cùng hàng thốt nốt vô giá (có lẽ là những cội thốt nốt lớn và đẹp nhất vùng Bạc Liêu?) khiến quý sư và bà con (cùng người viết) bức bối, cân đo sao lợi hại được mất và cẩn trọng như thế nào khi chạm đến các công trình cũ xưa, các đối tượng cần bảo tồn bảo tàng, ở các cơ sở Phật giáo.
Cảm xúc lo khi nhìn ghe ngo cổ vật mục nát ở Chùa Pô Thi Sôm Rôm quay lại khi quan sát các cội thốt nốt bên đường, cùng tường rào cũ có khả năng bị tháo dỡ bỏ khi đường cới nới. Cũng lo khi nghe Thượng tọa Tăng Sa Vông thuyết minh về hai pho tượng cổ, về nhiều lẽ…
Đường về trong đêm, quốc lộ vắng, ô tô chạy nhanh. Bao nhiêu phẩm vật thôn quê trong ba lô, cây trái, bánh quê, và cảm xúc trong lòng về ba ngôi chùa cùng xã, hình thành ở các thời điểm rất khác nhau, câu chuyện về các ngôi chùa ấy cũng khác nốt tương tự phong cách kiến trúc riêng mỗi chốn.
Ở vùng Bạc Liêu có một ngôi chùa Khmer có từ nữa đàu thế kỷ XVI, bạn nhé!
Một số hình ảnh khác được tác giả ghi lại:
Các tin tức khác
- Phật giáo TP.HCM tổng kết công tác Phật sự năm 2019 ( 9/01/2020 5:48)
- Cảnh đẹp chùa Quan Âm ( 8/01/2020 8:11)
- Ngôi sao điện ảnh Richard Gere: 'Phật giáo làm tôi trở nên bình tĩnh' ( 7/01/2020 6:16)
- Tượng Phật cao 69m tại Bangkok sắp hoàn thành ( 6/01/2020 5:47)
- Tp. HCM: Phật giáo quận 10 tổng kết công tác Phật sự năm 2019 ( 6/01/2020 6:28)
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về tới chùa Từ Hiếu ( 4/01/2020 7:47)
- Diễn viên Angela Phương Trinh phát nguyện ăn chay trọn đời ( 3/01/2020 6:10)
- 'Có khoảng 50 triệu người Việt Nam yêu mến Đạo Phật' ( 3/01/2020 6:03)
- Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng: “Càng ăn chay, ca càng hay” (29/12/2019 8:10)
- Độc đáo kiến trúc những ngôi chùa có tuổi đời hàng trăm năm (28/12/2019 6:25)