5/07/2020 7:59
Tính đến thời điểm hiện tại, đất nước Phật giáo 16 triệu dân này xếp thứ 9 trong số các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á về số lượng người nhiễm bệnh do Covid-19, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Chính vì vậy, Campuchia được liệt kê vào danh sách các quốc gia kiểm soát dịch bệnh thành công trên toàn thế giới, kể từ khi nước này phát hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào đầu tháng 3 qua.
Đến nay, tuy Chính phủ và người dân nước này không còn quá quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh, nhiều di sản Phật giáo nổi tiếng của Campuchia trong đó có quần thể kiến trúc đền Angkor (Siem Reap) nổi tiếng, vẫn vắng bóng du khách dù nơi đây là một trong những điểm du lịch quốc tế hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á.
Quần thể đền Angkor, biểu tượng của đất nước Campuchia được công nhận Di sản thế giới từ năm 1992 - Ảnh: Ko Hon Chiu Vincent, UNESCO
Tại trung tâm tỉnh Kampong Speu, một vị tu nữ 91 tuổi chia sẻ luôn khuyến khích du khách đeo khẩu trang và nghiêm túc tuân thủ khoảng cách tiếp xúc xã hội khi đến tham quan các ngôi chùa trên núi. Vị tu nữ này cũng cho biết bản thân mình “thường xuyên cầu nguyện và tin tưởng rằng người dân Campuchia được sự gia hộ của chư Phật” trong đại dịch kinh hoàng gây chết người hàng loạt trên thế giới này.
“Dịch bệnh xuất hiện và hoành hành dữ dội là do con người đã mất đi sự kết nối gần gũi với tự nhiên, đã đánh mất những giá trị thúc đẩy cuộc sống hài hòa giữa con người và tự nhiên trên Quả đất”, một Phật tử địa phương chia sẻ quan điểm cá nhân về nguyên nhân của đại dịch Covid-19.
“Cơ hội tận hưởng sự tĩnh lặng...”
Nói về sự vắng bóng của du khách so với thời điểm trước khi dịch bệnh tấn công, nhiều người dân tại khu vực đền Angkor cho biết họ đang có “cơ hội tận hưởng sự tĩnh lặng khi lượng du khách đến tham quan di sản này tạm lắng xuống trong thời gian qua”. Theo thống kê của Chính phủ Campuchia, trong năm 2019, hơn 2,2 triệu du khách chi trả gần 100 triệu USD tham quan quần thể di tích đền Angkor - danh thắng Phật giáo có từ thế kỷ thứ XII với diện tích hơn 200ha.
“Tôi cảm thấy thú vị bởi không có cảnh người người đông đúc. Đến thăm Angkor trong mùa du lịch hoặc hầu hết các thời điểm khác trong năm, chúng tôi cảm giác mình không khác gì những người du khách, như thể mình không phải người dân nơi này. Tuy nhiên, như hiện giờ thì rất tốt...” - chia sẻ của Sreynath Sarum, người làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn đến từ Phnom Penh - theo VOA News.
Cũng trong cảm xúc trên, Nick Ray - tác giả kiêm nhà sản xuất bộ phim Lonely Planet bộc bạch: Sẽ có nhiều thiệt hại kinh tế đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống khách sạn, nhà hàng và quán xá nơi đây. Thị trấn vắng vẻ như không người. Nhưng với người dân Campuchia, chúng tôi như được sở hữu trở lại và cảm thấy gần gũi hơn với di sản đền Angkor, biểu tượng tâm linh lâu đời của nước nhà.
Angkor là một trong những địa điểm khảo cổ học quan trọng của khu vực Đông Nam Á với diện tích khoảng 400km2, trong đó Công viên Khảo cổ Angkor chứa đựng nhiều di sản của Vương triều Khmer cổ xưa (từ thế kỷ IX đến XV), nổi tiếng với quần thể đền Angkor - nơi ẩn tàng vô số tác phẩm kiến trúc và điêu khắc độc đáo, được Tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và có chính sách bảo tồn từ năm 1992.
Nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Phật giáo Campuchia
Sau khi ca dương tính với Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 7-3, Bộ Y tế và Chính phủ Campuchia đã ban hành quy định cấm tập trung tổ chức sinh hoạt tôn giáo đông người từ đầu tháng 4 nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Khóa lễ tụng kinh của chư Tăng tại một ngôi chùa ở Phnom Penh trong thời gian diễn ra dịch bệnh - Ảnh: AP
Điều đáng nói là, trong dịp Tết cổ truyền năm nay (ngày 13-4 theo lịch Campuchia), Thủ tướng Hun Sen yêu cầu chư Tăng thủ đô Phnom Penh và các tỉnh thành trên khắp đất nước không tụ họp, tổ chức các trò chơi dân gian mừng năm mới tại chùa theo truyền thống. Và chương trình lễ hội đón năm mới thu hút đông đảo du khách nội địa và quốc tế, tổ chức thường niên tại quần thể đền Angkor cũng bị hủy bỏ.
Chung tay trong công tác phòng chống dịch bệnh với Chính phủ, các vị lãnh đạo Phật giáo Campuchia khuyến khích, hướng dẫn Phật tử và người dân thực hiện các nghi thức đón năm mới tại nhà với số lượng người hạn chế (chuẩn bị vật phẩm dâng cúng ông bà, tổ tiên; cầu nguyện bình an) và giữ khoảng cách an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của chính phủ nước này.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, sinh hoạt tại các tự viện ở Campuchia cũng được điều chỉnh đáng kể. Theo đó, chư Tăng tuân thủ giãn cách xã hội bằng cách ở trong khuôn viên chùa, hạn chế đi khất thực mỗi buổi sáng, tạm hoãn các hoạt động cầu an, cầu siêu và chúc phúc bên ngoài. Đồng thời, Phật tử được yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m khi đến chùa lễ Phật và thực hiện việc cúng dường đến chư Tăng một cách nhanh chóng - theo The Star.
Để kiểm soát sự phát tán bệnh từ bên ngoài, kể từ giữa tháng 6, tất cả công dân ngoại quốc khi nhập cảnh Campuchia phải trả 3.000USD cho chi phí xét nghiệm và lưu trú cách ly Covid-19. Chính sách này được công bố và áp dụng sau cuộc họp về Giải pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 của Bộ Y tế nước này, với sự tham dự của nhiều học giả, chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Pasteur Campuchia.
Đăng Minh
(theo The Buddhist Door, Phnom Penh Post)
Các tin tức khác
- TP.HCM: Ban Trị sự họp mở rộng ngày 4-7-2020 ( 4/07/2020 8:33)
- Chùa Bút Tháp với những nét kiến trúc độc đáo ( 3/07/2020 8:27)
- Ban Thường trực BTS Phật giáo TP.HCM tiếp tục thăm trường hạ ( 2/07/2020 7:50)
- Tp. HCM: Nét đẹp tại hạ trường Từ Nghiêm Q.10 ( 2/07/2020 7:46)
- TP.HCM: Khóa tu “Một ngày an lạc” tại Học viện (30/06/2020 7:41)
- Về thăm chùa Bộc, nơi thờ "Hoàng đế" Quang Trung (29/06/2020 6:11)
- Phước Duyên cổ tự – điểm tâm linh nơi cố đô (27/06/2020 8:06)
- 4 thánh tích nổi tiếng của Phật giáo (25/06/2020 7:42)
- Cổ tự 2.000 năm tuổi: Trung tâm Phật giáo cổ nhất Việt Nam (25/06/2020 6:21)
- Chùa Phra Mahathat – ngôi chùa lớn nhất miền Nam Thái Lan (24/06/2020 6:20)