Môi trường xanh ở Thiền viện Thường Chiếu

19/09/2020 5:55
Thiền viện Thường Chiếu là một trong những trung tâm thiền học lớn thuộc dòng Thiền Trúc Lâm. Đến với thiền viện, quý Phật tử sẽ cảm nhận được không khí thoáng mát, ở đây có rất nhiều cây xanh, gần gũi với thiên nhiên, con người.

Thiền viện Thường Chiếu tọa lạc tại số 001, tổ 23, ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Thiền viện mang tên một danh sư Việt Nam đời nhà Lý, môn phong của sư được các thế hệ sau phát triển rực rỡ và chuyển tiếp thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, danh sư vì thế đã trở thành danh xưng của thiền viện Thường Chiếu non một thế kỷ sau.

Thiền viện Thường Chiếu toạ lạc giữa cây số 76 – 77 Quốc lộ 51, thuộc thành phố Vũng Tàu và cách thành phố Biên Hoà khoảng 44 km, và cách trung tâm thị trấn Long Thành 14 km.

Thiền viện không ở non xanh núi thẳm heo hút có rừng nguyên sinh hay một chốn nông thôn hẻo lánh nào đấy, xã Phước Thái trải dọc quốc lộ 51 mật độ lưu lượng giao thông rất cao, kết nối Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu của vùng Đông Nam Bộ, nơi phát triển công nghiệp trọng điểm, xe tải nặng vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu ngày đêm nườm nượm khiến âm thanh, độ rung... từ mặt quốc lộ, âm thanh, khói bụi… đe dọa môi trường.

Nhưng, cứ như sự “đối trị” thú vị, rời quốc lộ 51, bước vào cổng thiền viện, bạn đã bước vào một không gian thiền thanh tịnh trang nghiêm ngang dọc các lối sỏi nên thơ, rợp bóng sao dầu đang độ phát triển, các công trình của thiền viện tĩnh mặc như trong một khu rừng... Nơi ấy, thiền viện, lao tác cần cù của rất đông chư tăng giữ môi trường thiền viện như tranh vẽ ở chốn lẽ ra đầy khói bụi, tiếng ồn hay rác thải…

Khẽ khàng từng bước chân, nhẹ nhàng từng giọng nói, một cõi sống tĩnh lặng đặc biệt đáng trải nghiệm ở Phước Thái, Long Thành - Đồng Nai, chưa nói đến tâm linh, niềm tin và sự tu học Phật pháp.

87761381_1230937113775967_657418777004081152_o

Thiền viện trải trong một khu vực tập trung cơ sở Phật giáo liên kết thành một vùng đặc thù của Phật giáo, tập trung rất đông đảo tăng ni, nên không gian - môi trường thiền trải dài rộng, thuận lợi cho việc hợp sức lao động bảo vệ gìn giữ môi trường. Bước khỏi thiền viện qua các ngõ bất kỳ, bạn ngay lập tức lạc vào các lối đi nhẹ nhõm, các chiếc chiếc cầu cong cong thoai thoải, từng cổng tịnh thất, ni viện, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi của Phật giáo san sát dưới các tán cây, chìm trong hoa kiểng xinh tươi bốn mùa do chăm tưới.

Ngược dòng thời gian, đọc lại các bài viết của Sư Ông Thích Thanh Từ, buổi đầu khai hoang lập thiền viện vô vàn gian lao, đầy thử thách trên khu đất tràn ngập lồ ô, gai góc, cằn cỗi…Từng khoảnh đất, từng chồi non thi gan với sự khắc nghiệt, nẩy lộc đâm chồi sự sống mới. Đọc “Y báo & chánh báo” của Sư Ông, ngẫm ra đạo lý dùng thử thách ý chí trong lao tác để hành trì, dùng sức mạnh công hạnh tu tập để chuyển hóa môi trường sống, sự xuất hiện một thảm xanh tuyệt mỹ ở Phước Thái tích tụ từ vô số mồ hôi lao tác của chư tăng và Phật tử qua những năm tháng dài kiến tạo thiền viện, chứng minh đạo lý: chính báo chuyển thì y báo chuyển cách thực tế, sống động.

87765519_1230937833775895_101201159049445376_o

Người viết đã có một ngày một đêm sống nơi thiền viện, rảo khắp các lối sỏi, ghi từng khuôn hình nên thơ, bước ra khỏi thiền viện tắm mình trong không gian Phật giáo đặc biệt, và cả chuyện thử bộ hành thực tế trên quốc  lộ 51 hướng về Biên Hòa, ngắm dòng xe cộ và các cơ sở công nghiệp..

Đêm ở thiền viện chìm trong tiếng lá và chuông ngân của các thời khóa, thoát trần, tinh sương, chè Bắc trong xanh nghi ngút chào ban mai.

Các tin tức khác

Back to top