Tối mùng 9 tháng Giêng, tại Yên Tử, Ban Trị sự tổ chức lễ cúng Phật, cúng Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhiễu bảo tháp Phật hoàng. Sáng mùng 10 tháng Giêng, tại cung Trúc Lâm - Yên Tử, Ban Trị sự tổ chức nghi thức tâm linh khai hội truyền thống nhưng không tập trung đông người.
Trước đó, lễ hội khai xuân Yên Tử 2021 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21-2 (mùng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu), tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí).
Đây là một trong những lễ hội xuân kéo dài nhất cả nước, trong 3 tháng. Phần lễ khai hội gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử... Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: biểu biễn nghệ thuật, múa lân sư rồng, võ thuật cổ truyền, các trò chơi dân gian,...
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Hải Dương).
Đây là những địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt. Đây cũng là nơi ra đời, hình thành và phát triển Trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1974, năm 2012 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và hiện đang trong lộ trình trở thành di sản thế giới.