Lễ Vu lan tại một số quốc gia trên thế giới

31/08/2021 12:18
Vu lan là một trong những ngày lễ ý nghĩa trong truyền thống tâm linh không những của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Malaysia,…

Với ý nghĩa hướng đến sự tri ân, tưởng nhớ các bậc cha mẹ trong nhiều kiếp và tổ tiên quá vãng, mỗi quốc gia có những cách thức tổ chức khác nhau, tùy theo quan niệm dân gian, phong tục tập quán và truyền thống tâm linh của từng dân tộc. Dưới đây là những nét sơ lược về ngày lễ Vu lan của một vài nước trên thế giới.

Trung Quốc

Người dân Trung Quốc tổ chức ngày lễ Vu lan hay lễ hội Trung nguyên vào ngày 15-7 (âm lịch) hàng năm. Đây là ngày lễ truyền thống của Trung Quốc và có lịch sử lên đến hàng nghìn năm.

Lễ Vu lan tại một số quốc gia trên thế giới ảnh 1

Người dân Trung Quốc thả hoa đăng trong ngày lễ Vu lan

Vu lan ở đất nước này là một dịp lễ nhằm tưởng nhớ đến những người thân đã khuất, bắt nguồn từ phong tục cổ xưa của người Trung Quốc là cúng tế tổ tiên trong mùa thu hoạch nông sản. Vào mùa thu, trước khi sử dụng những thành quả lao động của mình, những người nông dân thường dâng những vật phẩm tốt nhất mà họ thu hoạch được cho những vị thần và tổ tiên của họ để cầu nguyện sự bình an, may mắn và mùa màng bội thu trong những năm tới.

Theo truyền thuyết của Đạo giáo tại Trung Quốc, vào ngày này, cánh cửa địa ngục sẽ mở và tất cả các vong linh được thả tự do trong một khoảng thời gian nhất định; những vong linh có người thân sẽ về nhà, những ai không có gia đình thì trở thành cô hồn vất vưởng, lang thang khắp trần gian. Do đó, lễ hội được tổ chức vào thời gian này để cúng tế các vong linh của tổ tiên và cô hồn vất vưởng chết vì thiên tai, dịch bệnh, không thể siêu thoát… Người ta thắp đèn hoa sen để soi đường cho các linh hồn trở về với gia đình. Ngoài ra, vào ban đêm, mọi người sẽ dọn thức ăn lên bàn và kê những chiếc ghế trống cho những người đã khuất, không ai được ngồi trên những chiếc ghế đó. Song song với việc cúng tế là lễ cầu nguyện trong khi đốt vàng mã cho những người đã khuất.

Về sau, cùng với tích truyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, lễ hội này bị ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo với tên gọi “lễ Ullambana”, trong đó các Phật tử tổ chức những nghi lễ Phật giáo để cầu siêu bạt độ cho các linh hồn vất vưởng. Vào thời nhà Đường, khi vua quan ủng hộ Đạo giáo, lễ hội này bắt đầu phát triển mạnh và được đặt tên là “ngày lễ cô hồn”.

Nhật Bản

Lễ Vu lan tại Nhật Bản còn được gọi là Obon (お 盆) hay Bon là một ngày lễ truyền thống của Phật giáo Nhật Bản. Nét đẹp tâm linh này nhằm mục đích tưởng nhớ tổ tiên đã khuất. Người Nhật tin rằng vào ngày này, vong linh của tổ tiên sẽ trở về thăm họ. Đồng thời, đây cũng là dịp sum họp của cả gia đình, mọi người sẽ cùng nhau trở về nơi ở của những người quá cố để lau dọn bàn thờ, thăm viếng phần mộ và dâng cúng thực phẩm cho những người thân đã khuất.

Lễ Vu lan tại một số quốc gia trên thế giới ảnh 2

Người dân Nhật Bản mặc trang phục truyền thống trong lễ hoa đăng rực rỡ

Lễ hội này đã tồn tại ở Nhật Bản hơn 500 năm, và vì sự thay đổi trong việc sử dụng lịch mà thời điểm tổ chức lễ Vu lan cũng khác nhau, tùy vào đặc điểm của mỗi vùng miền. Có ba thời điểm chính:

“Shichigatsu Bon” (lễ Bon vào tháng 7) được tổ chức vào ngày 15-7 dương lịch ở miền Đông Nhật Bản.

“Hachigatsu Bon” (lễ Bon vào tháng 8) được tổ chức vào ngày 15-8 âm lịch, đây là thời gian phổ biến nhất của lễ Vu lan tại Nhật Bản. 

“Kyu Bon” (lễ Bon truyền thống) được tổ chức vào ngày 15-7 âm lịch ở các khu vực như phía Bắc của vùng Kantō, vùng Chūgoku, Shikoku và tỉnh Okinawa.

Lễ Vu lan ở Nhật Bản thường kéo dài trong 3 ngày. Hoạt động nổi bật trong thời gian này là điệu múa Bon Odori, một vũ điệu dân gian với ý nghĩa chào đón linh hồn người đã khuất; tùy vào mỗi vùng mà hình thức các điệu nhảy và âm nhạc khác nhau. Vũ điệu của mỗi vùng thể hiện lịch sử và đặc trưng của nơi đó.

Ngoài ra, vào dịp này, người dân Nhật Bản cũng treo đèn lồng Chochin trước cửa nhà với ý nghĩa đưa lối cho linh hồn của tổ tiên về với gia đình; đến cuối lễ, những chiếc đèn lồng lại được thả xuống dòng sông, hồ hoặc biển để dẫn đường cho những linh hồn trở về với thế giới của họ.

Obon là ngày lễ lớn nhất của Nhật Bản, không những mang ý nghĩa tinh thần đối với người Nhật mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch tham dự hàng năm.

Campuchia

Lễ hội Vu lan tại Campuchia có tên gọi theo tiếng Khmer là Pchum Ben. Đây là lễ hội lớn nhất của Campuchia, kéo dài 15 ngày, từ mùng 1 đến ngày 15 của tháng Mười, tính theo lịch của người Khmer và rơi vào cuối mùa an cư của chư Tăng nước này. 

Đây là thời điểm người dân Campuchia bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn của mình đến cha mẹ nhiều đời, bà con nhiều kiếp thông qua việc cúng dường Tam bảo và làm các việc phước thiện để hồi hướng phước đức siêu độ cho những người quá vãng.

Lễ Vu lan tại một số quốc gia trên thế giới ảnh 3

Cúng dường vật phẩm cho các nhà sư trong ngày lễ Pchum Ben tại Campuchia

14 ngày đầu tiên được gọi là “Kan Ben”. Trong những ngày này, các gia đình thay phiên nhau dâng cúng thức ăn cho chư Tăng tại một ngôi chùa ở địa phương để cầu nguyện cho vong linh của tổ tiên họ thoát khỏi các nghiệp xấu ác. Ngoài ra, họ dùng một nắm xôi có kèm theo vừng và dừa để cúng cho các vong linh vào lúc sáng sớm, vì họ tin rằng các vong linh mang tội lỗi nặng nề không thể nhận thức ăn vào ban ngày.

Ngày thứ 15 là lễ chính thức với tên gọi “Ben Thom”. Vào dịp này, mọi người đều mặc trang phục truyền thống và tập trung đến chùa để cúng dường bánh nếp, thức ăn, y áo và thuốc men cho các nhà sư. Đây cũng là ngày Tự tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư. Họ tin rằng với việc hồi hướng những phước đức cúng dường thù thắng này, các vong linh sẽ sớm được siêu thoát và tái sanh về các cõi lành.

Món ăn đặc trưng của ngày lễ này là món bánh “Bay Ben”, được làm từ bột gạo nếp nấu với nước cốt dừa. Ngoài ra, trong mùa lễ hội còn có các nghệ sĩ trình diễn những điệu nhạc truyền thống như yike và lakhon basac.

Các tin tức khác

Back to top