Ngày 8.12.2013 – Gia đình Cây Đoàn chào đời
6 giờ sáng ngày 8.12.2013, tứ chúng Làng Mai vân tập về thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng để yểm trợ năng lượng cho lễ xuất gia của 27 em trong gia đình Cây Đoàn (cây Linden) - trong đó 8 em được xuất gia tại Làng Mai và 19 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan. Toàn bộ buổi lễ được truyền trực tuyến đến Thiền đường Trời Phương Ngoại, Thái Lan qua mạng Internet.
Lễ xuất gia tại Thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai
Buổi sớm mai hôm ấy, trong lòng ai cũng cảm thấy háo hức, chờ đợi được chứng kiến giờ phút chào đời của 27 vị xuất sĩ mới trong gia đình Áo Nâu. Thiền đường lúc đó trở nên sáng rực bởi màu y vàng của quý thầy, quý sư cô. Tất cả cùng hòa điệu niệm Bụt và tụng Bát Nhã Tâm Kinh, tạo thành một nguồn năng lượng tâm linh hùng hậu, yểm trợ cho giới tử trong giờ phút xuống tóc và tiếp nhận giới pháp.
Ánh mắt sáng ngời, nét mặt rạng rỡ, đó là hình ảnh của 27 giới tử đến từ các quốc gia khác nhau (Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam). Không hẹn mà gặp, những người trẻ cùng chung lý tưởng này đã tìm về dưới mái nhà tâm linh, quyết tâm buông bỏ mọi ràng buộc để cùng đi trên con đường hiểu biết và thương yêu. Năng lượng của Tâm Bồ Đề dũng mãnh và tinh khôi đã lan tỏa và làm xúc động tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ xuất gia hôm ấy.
Lễ xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan
Giây phút Sư Ông Làng Mai đặt tay lên đầu các em để xuống tóc là 7 giờ sáng, tính theo giờ của Pháp. Đó cũng là lúc mặt trời hồng tỉnh thức bên ngoài đã nhô lên khỏi sườn núi, rừng cây, tỏa ánh sáng xuống mặt đất còn đang phủ một lớp mỏng của băng đá đêm qua, tạo nên sự phản chiếu lung linh như pha lê. Một thứ ánh sáng huyền diệu. Đất và trời đang cùng hòa quyện và hiến tặng cho các vị xuất sĩ mới một không gian đẹp nhất, sáng nhất, mát dịu nhất. Tịnh Độ là bây giờ và ở đây.
Sư em Trăng Ưu Bát đang được Thầy xuống tócĐại chúng cùng nhất tâm xướng bài Đầu cành dương liễu và niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm để hộ niệm cho các giới tử trong giờ phút xuống tóc. Rất nhiều thiền sinh Tây phương lần đầu được chứng kiến một buổi lễ xuất gia theo truyền thống đạo Bụt đã không kiềm được cảm xúc ấn tượng. Hai bàn tay họ chấp trước ngực rất lâu như để công nhận và hiến tặng đóa sen lòng thành kính dâng lên những con người đã, đang và sẽ giữ gìn đời sống tâm linh cho dòng chảy cuộc sống. Người thân của các giới tử cũng đều ứa ra những giọt lệ dâng trào trong giờ phút quý báu của con mình.
“Sáng nay cạo sạch mái tóc
Mở thêm rộng lớn con đường
Phiền não vô biên nguyện đoạn
Một tâm mà động mười phương...”
Ba mươi năm rồi, vườn cây Tăng thân đã được Thầy trồng đủ loại hoa trái. Giờ đây Thầy còn cho chúng tôi thêm 27 cây Đoàn tỏa hương thơm ngát. Mỗi cây được Thầy đặt cho một cái tên rất dễ thương, mang bao tình thương và sự gửi gắm của Bụt, của Thầy và Tăng thân:
Trăng Diệu Viên, Trăng Diệu Âm, Trời Nguyện Lực, Trời Hy Mã, Trăng Ưu Bát, Trăng Tịnh Độ, Trời Linh Quang, Trời Đạt Nguyện, Trăng Uyên Nguyên, Trăng Phương Khê, Trời Nhất Tâm, Trăng Tào Khê, Trời Hướng Thượng, Trăng Hoa Lâm, Trời Liễu Ngộ, Trời Định Lực, Trời Niệm Lực, Trăng Thiên Trúc, Trời Kỳ Diệu, Trời Ngộ Đạt, Trời Tuệ Giác, Trời Tuệ Minh, Trăng Mãn Khai, Trời Định Hướng, Trời Bằng Hữu, Trăng Nến Ngọc, và Trăng Hàm Tiếu.
19 em trong Gia đình Cây Đoàn tại Thái Lan
Hôm đó cũng là ngày quán niệm nên ngay sau buổi lễ xuất gia, các sư em trong gia đình cây Đoàn được ra trình diện đại chúng trước giờ pháp thoại. Vừa mới được cạo sạch mái tóc với chút ngại ngùng còn vương, mặc vào chiếc áo nâu giản dị, trông các sư em sao mà đẹp, mà lành! Khuôn mặt ai cũng sáng rạng rỡ, tươi mới như ánh ban mai.
Ai nói rằng cạo tóc đi tu là "hủy hình", là làm cho hình tướng của mình xấu đi? Phải chăng là ngược lại mới đúng: Đi tu là làm cho tướng mạo và tâm hồn của mình ngày càng đẹp hơn?
Các sư chú Trời Bằng Hữu, Trời Nguyện Lực, Trời Linh Quang và Trời Hy Mã
Hòa làm một với dòng sông Tăng thân
Trong bài pháp thoại sáng hôm ấy, ngọn lửa của lý tưởng, của bồ đề tâm lại một lần nữa được khơi dậy và thắp sáng trong lòng mỗi chúng tôi khi Thầy chia sẻ về ý nghĩa và sứ mạng của một người xuất gia:
“…Khi mình xuất gia - từ xuất gia tiếng Anh là going forth - tức là mình rời bỏ một gia đình nhỏ để tham dự vào một gia đình mới. Gia đình mới này có một sứ mạng. Đây là gia đình tâm linh do Bụt Sakya tạo dựng nên, có sứ mạng đem giáo pháp để giúp cho xã hội, cho con người chuyển hóa, chế tác thêm niềm vui và chuyển hóa bớt những khổ đau. Vì vậy cho nên xuất gia là có một sứ mạng. Và muốn làm tròn sứ mạng đó thì mình phải sống một cuộc sống đơn giản, không cần nhiều tiện nghi vật chất và sống độc thân, như vậy mới có thì giờ và có năng lượng để giúp đời.
Khi đã xuất gia, mình có một đời sống hoàn toàn mới. Trong thời của Bụt đã có định nghĩa xuất gia như thế này: Ví dụ có nhiều con sông với những cái tên khác nhau, như là sông Yamuna, sông Aciravati, sông Gomati, sông Saraya, hay sông Niranjara...Những dòng sông này khi chảy vào sông Hằng (Ganga) thì không còn giữ cái tên riêng của mình nữa. Chúng bỏ cái tên cũ. Không những bỏ cái tên mà thôi, chúng còn bỏ luôn những cái khác nữa, ví dụ như dòng giống, hay giai cấp, màu da, chủng tộc. Ví dụ như mình là một vị Thái tử, một vị Bộ trưởng, khi đi xuất gia thì mình bỏ hết những cái đó. Mình trở thành một với Tăng thân. Nếu xuất gia rồi mà còn cứ nói: Tôi ngày xưa là Bộ trưởng, tôi ngày xưa là con vua thì không được. Đi xuất gia là phải bỏ hết những cái đó để trờ thành một với dòng sông. Là Thái tử con vua, khi đi xuất gia anh cũng trở thành một thành phần của Tăng đoàn xuất gia. Là một người đi gánh phân trong xã hội, khi xuất gia anh cũng trở thành một thành phần của Tăng đoàn xuất gia.
Hôm trước, khi đưa các em đi thiền hành, tôi có dạy: khi mình xuất gia, mình phải buông bỏ hết. Mình tham dự vào Tăng đoàn và không còn nghĩ tới một tương lai riêng của mình nữa. Tương lai của mình là tương lai của Tăng đoàn. Sự nghiệp của mình là sự nghiệp của Tăng đoàn. Những khó khăn của mình trở thành những khó khăn của Tăng đoàn. Những thành đạt của mình trở thành những thành đạt của Tăng đoàn. Và ngược lại, những khó khăn của Tăng đoàn trở thành những khó khăn của mình, và những thành đạt của Tăng đoàn cũng trở thành những thành đạt của mình. Mình không có một cái ta riêng nữa, không có một tương lai riêng nữa. Mình có một tương lai chung.
Khi một người con gái đi lấy chồng thì phải lấy tương lai của chồng làm tương lai của mình. Nếu hai vợ chồng muốn tát biển Đông thì phải tát chung với nhau. Vì vậy cho nên trong Tăng thân, mình không đi tìm một tương lai riêng. Mình có chung một tương lai. Và sự nghiệp của Tăng thân là sự nghiệp của mình. Đó là sự nghiệp độ sinh và làm tiếp nối dòng sinh mạng của đạo pháp. Vì vậy cho nên mình có bổn phận phải chăm sóc tất cả những thành phần khác của Tăng thân. Đó là những sư anh, sư chị và sư em của mình.
Đại chúng ngồi chơi với các sư em trong Gia đình Cây Đoàn
Cũng như năm ngón tay của một bàn tay: những khổ đau của một ngón cũng là khổ đau của cả năm ngón và sự thoải mái của một ngón cũng là sự thoải mái của cả năm ngón. Không còn cái ta riêng biệt nữa. Thành ra xuất gia rất khác với đời sống tại gia. Mình tu học để xóa bỏ cái ngã, để trở thành một sự sống mới. Và mình trở thành sự tiếp nối của Tăng đoàn nguyên thủy, trở thành sự tiếp nối của Bụt. Tiếp nối dở hay tiếp nối hay cũng là tiếp nối. Mình tiếp nối hay thì Bụt nhờ, mà mình tiếp nối dở thì Bụt cũng chịu, tại vì mình là con của Bụt, mình là đệ tử của Bụt. Mình là sự tiếp nối của Bụt, đó là chuyện dĩ nhiên không ai chối cãi.
Trong một buổi giảng tại Hoa Kỳ năm nay, tôi có nói: ở Làng Mai, chúng tôi đào tạo các vị xuất sĩ, và chúng tôi cũng đào tạo các vị cư sĩ, tại vì nhu yếu tu học càng ngày càng lớn. Và vì vậy cho nên các vị giáo thọ xuất sĩ không đủ để làm thỏa mãn nhu cầu tu học của xã hội bên ngoài. Cho nên chúng tôi phải đào tạo luôn các giáo thọ cư sĩ. Chúng tôi đã đào tạo cả ngàn vị như vậy, nhưng mà không thấm thía vào đâu. Các vị cư sĩ còn phải bận lo cho gia đình của họ, thành ra mức độ đóng góp của họ cũng có chừng mực thôi. Và muốn đóng góp nhiều, đóng góp hết sức mình thì một người xuất gia có nhiều thì giờ hơn.
Ở châu Âu, nước nào cũng “đòi” có một khóa tu mỗi năm. Đòi hỏi như vậy không phải là quá đáng. Vậy mà chúng tôi vẫn chưa có thể thỏa mãn được. Ở châu Âu chỉ có 3 nước là có khóa tu hằng năm thôi, đó là Pháp (có khóa tu tiếng Pháp mỗi năm), rồi đến Đức và Hà Lan. Còn những nước khác, chẳng hạn như Italia thì hai năm mới có một khóa tu. Có những nước 3-4 năm mới có một khóa tu, thật là tội nghiệp. Mà nhu yếu tu học càng ngày càng đông. Đó là chưa kể những nước ở Bắc Mỹ và châu Á. Ấn Độ muốn mỗi năm một khóa tu mà cũng không thể có được. Thái Lan thì may mắn nhờ có Làng Mai Thái Lan, thành ra mình có nhiều khóa tu hơn. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, v.v. đều cần có một khóa tu mỗi năm.
Tại Làng Mai, tuy rằng trong mấy chục năm qua, mình đã làm lễ xuất gia cho cả ngàn người rồi, nhưng số lượng các vị xuất sĩ vẫn không thấm thía gì. Những người xuất gia mang pháp hiệu là Pháp và Nghiêm, hay Trời và Trăng là cả ngàn người. Riêng các em có pháp hiệu bắt đầu bằng Trăng và Trời là đã 180 em.
Chỉ cần xuất gia vài ba tháng là đã có thể bắt đầu giúp các sư anh, sư chị mình để tổ chức khóa tu rồi. Đó là một cách học. Mình không chỉ học lý thuyết mà thôi, mình yểm trợ các sư anh, sư chị tổ chức những khóa tu, những ngày quán niệm. Và mình học hỏi được rất nhiều trong sự thực tập đó. Tại vì cái học ở Làng Mai không phải chỉ là học lý thuyết như trong các Phật Học Viện.
Trong buổi giảng tại Hoa Kỳ đó, tôi có nói: Nếu quý vị không có chuyện gì thích thú để làm ở ngoài đời thì nên đi xuất gia đi, tại chúng tôi cần lắm. Chúng tôi cần thêm ít nhất là 1000 người xuất gia thì mới có thể tạm cung cấp cho nhu yếu tu học bây giờ.
Có nhiều người trẻ bây giờ không biết mình sống để làm gì, và họ có sự trống vắng ở trong lòng. Vì vậy cho nên các thầy, các sư cô giáo thọ Làng Mai đã bắt đầu tổ chức những khóa tu Wake Up cho người trẻ ở khắp nơi trên thế giới, ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,v.v. Sang năm, mình sẽ có một phái đoàn đi Hoa Kỳ, để giảng dạy cho các em người Việt sinh ra ở bên Mỹ. Các em đông lắm. Khi mình tiếp xúc với các em, mình có thể cho họ một lý tưởng. Là một người xuất gia mang lý tưởng cứu độ thế gian, mình có thể có rất nhiều hạnh phúc. Được sống trong một tăng đoàn, được tham dự vào sự sống của tăng đoàn, ngày nào mình cũng được thực tập, ngày nào mình cũng được phụng sự.
Cho nên những năm gần đây, Làng Mai có mở ra một cánh cửa mới, đó là chương trình xuất gia 5 năm – 5 năm xuất gia và phụng sự. Đó là một cánh cửa mới và đã có nhiều người trẻ Tây phương đi vào cánh cửa đó - xuất gia 5 năm (3 năm sa di và 2 năm thọ giới lớn). Nếu hạnh phúc nhiều thì sẽ tu luôn. Và nếu thấy còn nhu yếu thành lập gia đình thì có thể trở về đời để tiếp tục thực tập như một người cư sĩ và trở thành một vị giáo thọ cư sĩ sau đó mấy năm.
Tôi nhắc điều này để cho quý vị suy nghĩ. Nếu mình có một lý tưởng, có một con đường thì tâm mình trở nên bình an và mình sẽ có nhiều hạnh phúc”.
Đại chúng nhất tâm hộ niệm cho các giới tử
Sư Ông Làng Mai rưới nước cam lộ trước khi xuống tóc cho các giới tử
Cạo sạch mái tóc, nguyện cho mọi người, dứt hết phiền não, độ thoát cho đời
Đã thấy đời cơn huyễn mộng, chân tâm một quyết lên đường
Quý thầy, quý sư cô trao y và điệp hộ giới cho các giới tử
Đây là giây phút hạnh phúc!
Mái tóc vốn màu gỗ quý, nay dâng thành khói trầm hương
Con đã về, con đã tới!
Trong vòng tay thương yêu của gia đình tâm linh
- Xem thêm hình xuất gia của Gia đình Cây Đoàn tại Thái Lan
Các tin tức khác
- Trường tiểu học Phật pháp duy nhất ở châu Âu ( 6/12/2013 4:29)
- Thiền chánh niệm với biên tập viên truyền hình ( 3/12/2013 6:05)
- HVPGVN tại Tp HCM với chủ đề "Mênh Mông Tình Thầy" (21/11/2013 12:10)
- Lễ Đối thú khai mạc khóa an cư kiết đông 2013-2014 (19/11/2013 10:06)
- 15 quyển sách về thiền Phật giáo nên đọc (12/11/2013 4:54)
- Độc đáo ngôi chùa triệu chai - Wat Lan Kuad ( 7/11/2013 9:12)
- 16 ngôi chùa đẹp nhất Hàn Quốc (29/10/2013 5:10)
- Thái Lan long trọng để tang lãnh tụ Phật giáo (28/10/2013 10:06)
- Phật giáo và cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp (19/10/2013 6:12)
- Miền Trung tan hoang sau bão Nari (17/10/2013 6:05)