Cái nhìn đúng về tục đốt vàng mã

17/04/2013 12:33
Trong đạo Phật không có kinh điển nào dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên cũng như rải vàng bạc khi đưa tiễn người mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng từ lâu việc đốt vàng mã trong Phật tử nói riêng và những người có tín ngưỡng nói chung càng ngày càng có chiều hướng phát triển. Tại sao việc làm phi chánh pháp này cứ tồn tại, đặc biệt trong dịp Lễ hội đầu năm, rồi rằm tháng Bảy - ngày lễ trọng thể của Phật giáo, Phật tử lại đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên? Có nên làm điều này?Làm thế nào cho hợp lẽ? Đó là sự phân vân của không ít người….

Từ khởi nguồn truyền miệng…

Tỳ kheo Thích Thông Chơn kể rằng: “Nguyên nhân việc đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy khởi nguồn từ thời vua Đạt Tôn nhà Đường (762) bên Trung Hoa. Nhằm lúc Phật giáo cực thịnh, một vị sư tên là Đạo Tăng muốn cho dân chúng theo về Phật giáo nên dụng tục đốt vàng mã của người dân, vào tâu với nhà vua rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày của Diêm vương ở âm phủ xét tội phúc thăng trầm, nhà vua nên thông sức cho thiên hạ, trong lễ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng Bảy nên đốt nhiều vàng mã để cúng những thân nhân đã mất”.

Vua Đạt Tôn đang muốn được lòng dân nên rất hợp ý với lời tâu của Đạo Tăng, liền hạ chiếu cho thiên hạ. Thế là nhân dân Trung Hoa lại được dịp thi nhau đốt vàng mã vào ngày rằm tháng Bảy để cúng cho người thân. Nhưng chẳng bao lâu lại bị giới Tăng sĩ Phật giáo công kích bài trừ, vì cho rằng việc đốt vàng mã vào ngày lễ trọng của Phật giáo đã làm mất đi ý nghĩa. Cho nên dân chúng Trung Hoa thời kỳ đó đã nhận thức bỏ tục đốt vàng mã, làm cho các nhà sản xuất, buôn bán vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là người Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ, đã bịa đặt chế ra đồ vàng mã.

Vì thế,Vương Luân mới bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề hàng mã. Một người giả cách ốm mấy hôm, rồi tin chết được loan ra, còn cái xác giả chết kia lập tức được khâm liệm vào quan tài, đã có lỗ hổng và sẵn sàng thức ăn, nước uống. Đương khi xóm làng đến thăm viếng đông đúc, Vương Luân với gia nhân và họ hàng của ông, đem cả hàng ngàn thứ đồ mã trong đó có cả hình nhân thế mệnh ra cúng người chết. Họ bày đàn cúng các quan thiên phủ, địa phủ và nhân phủ, khi mọi người khấn vái, bỗng trăm nghìn mắt như một, trông thấy hai năm rõ mười, cỗ quan tài rung động lên.

 Trở thành hủ tục của Việt Nam

Chàng giả cách chết kia vờ lò dò ngồi dậy, điệu bộ lù đù như người chết đi sống lại, tuyên bố rằng nhờ cúng hình nhân thế mệnh nên mới được tha cho về nhân thế. Công chúng lúc đó ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mệnh được và thánh thần trong tam, tứ phủ cùng ăn lễ đồ mã, tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ. Từ đó về sau nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng. Chuyện này được ghi lại trong Trực ngôn cảnh giáo”.

Tỳ kheo Thích Thông Chơn cho rằng: “Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nô dịch trong hơn 1.000 năm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, đương nhiên phong tục, tập quán cũng rập theo đúng khuôn khổ như vậy, bất luận hay, dở, phải, trái, chính, tà. Thực tế đó đã trở thành bóng đen quá khứ của lịch sử”.

Quan niệm “Trần sao âm vậy” ngày càng ăn sâu vào đời sống người dân Việt. Dần dần, việc đốt vàng mã không chỉ có riêng ở ngày rằm tháng Bảy nữa, nó lan truyền và xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống người dân: tết, lễ hội, ngày mùng một, ngày rằm…. Không còn ở trong phạm vi cúng giỗ gia đình, đền chùa mà còn lan sang các cơ quan, doanh nghiệp. Và rồi trở thành hủ tục, trở thành quốc nạn trong văn hóa tâm linh người Việt, đặc biệt là vào mỗi dịp đầu năm, khi lễ hội ở khắp cả nước liên tục diễn ra.

Mỗi năm chúng ta có hàng chục ngàn lễ hội. Bên cạnh những lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống, có ý nghĩa lành mạnh, cũng rất nhiều lễ hội mang đậm màu sắc mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh… Việc cúng, đốt vàng mã trong đền, ngoài miếu diễn ra tràn lan. Không những gây ô nhiễm ngột ngạt cho những người đến dự lễ hội mà còn gây lãng phí, mất trật tự, lộn xộn nơi công cộng.

Theo số liệu thống kê, trung bình một năm có khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng và riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Nếu như trước đây, đốt vàng mã chỉ được xem như hành động tượng trưng thì tới thời điểm hiện tại mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000 tới 50.000 đồng / lễ. Với gia đình khấm khá thì sắm lễ từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, thậm chí là hơn thế nữa.

Thượng tạo Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) khẳng định trong kinh Phật không dạy đốt vàng mã cho Thánh thần, cho người quá cố. Ông cho rằng nên dùng tiền mua vàng mã đốt để làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều. Bởi “Cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ”.

“Hãy đặt một phép tính, nếu mỗi người chỉ đốt khoảng 20 ngàn đồng tiền vàng mã mỗi lần, với lượng đốt liên tục như tại nhiều ngôi chùa, đền, các điểm thờ tự... trong mùa lễ hội đầu xuân thì thử hỏi, số tiền thật bỏ ra mua tiền giả để đốt sẽ là bao nhiêu? Nếu số tiền đó được dùng để làm từ thiện thì sẽ có được biết bao nhiêu việc làm ý nghĩa!”- Thượng tọa Thích Duy Trấn (chùa Liên Hoa – Thành phố Hồ Chí Minh) trầm ngâm. Đi chùa cầu nguyện chỉ cần tấm lòng thành, nếu không thành tâm thì làm gì cũng vô ích.

Quan niệm “Trần sao âm vậy” khiến nhiều người đốt vàng mã như hối lộ Thánh thần, hối lộ cõi âm chứ không còn là chăm lo đến việc thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng.

Tỳ kheo Thích Thông Chơn khẳng định: “Trong giai đoạn đất nước phát triển, hội nhập với trào lưu văn minh của nhân loại, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chúng ta cần phải nhận rõ hủ tục đốt, rải vàng mã hoàn toàn không phù hợp với đời sống xã hội hiện đại, qua đó thể hiện thái độ rõ ràng và đúng đắn đối với việc làm phi chánh pháp này. Điều đó cũng đồng nghĩa với những lợi ích thiết thực mà Phật giáo mang lại cho đời sống con người”.

 

Dương Phan (VTC)

Các tin tức khác

Back to top