Kỳ bí công viên tượng Phật bên bờ sông Mê Kông

6/09/2016 10:58
Đến Thủ đô Viêng Chăn - Lào và tỉnh Nong Khai - Thái Lan nằm bên bờ sông Mê Kong, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với những câu chuyện kỳ bí về công viên tượng Phật (Buhda Park).

Lào và Thái Lan là hai quốc gia mà Phật giáo là quốc đạo, có chung dòng sông Mê Kông, nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ, kiến trúc các công trình chùa chiền.

Trong đó, kỳ bí hơn cả là câu chuyện về công viên tượng Phật nằm ở hai bờ sông Mê Kông thuộc hai quốc gia với nhiều nét chung nhất. 

Buhda Park ở Viêng Chăn có tên là Wat Xiengkuane (Wat trong tiếng Khmer, Thái, Lào đều là chùa), cách Trung tâm Thủ đô khoảng 25 km. Buhda Park ở Nong Khai là Wat Khaek, thường gọi là Sala Keoku, cách cửa khẩu Nong Khai khoảng 10 km và chỉ cách Buhda Park ở Viêng Chăn khoảng một giờ đi ô tô.

Ngày nay, việc giao thương đi lại giữa hai quốc gia hết sức đơn giản, thuận lợi cho du khách trải nghiệm câu chuyện kỳ bí về công trình, về vị cư sĩ ẩn tu đã kiến thiết nên công trình độc đáo này.

Tượng Phật nằm ở Nong Khai

Ở Viên Chăn, chị Ni hướng dẫn viên du lịch phía bên Lào kể rằng, vị sư sĩ khởi công xây dựng công trình ở Viêng Chăn vào khoảng năm 1958, thời điểm đó cả khu vực Đông Dương đang rơi vào cuộc chiến tranh khốc liệt. Cư sĩ Bounlua Suliat (Bun Lửa), là một con người đặc biệt, cả hai lần xuất gia, khi mặc áo vàng - mắt của ông đều bị mù không nhìn thấy gì, ngộ được căn nguyên "không thể xuất gia", ông đã sống đời sống của một vị cư sĩ ẩn tu.

Bun Lửa là người thông minh, giỏi về kiến trúc, triết học Hindu, triết học Phật giáo, với tài năng của ông - tuy công trình chỉ thực hiện bằng các chất liệu đơn giản như xi măng và gạch, song ông đã để lại công trình độc đáo về kiến trúc và cả những cung bậc và sắc thái tâm linh. 

 

Sự bí ẩn của kiến trúc, cách sắp xếp và bài trí tượng luôn thách đố tài suy nghiệm của du khách, vì những ai đến đây mỗi người tùy theo căn cơ và nghiệp lực sẽ có những "phỏng đoán" riêng. Khó lòng để có thể giải mã hết được thông điệp mà Bun Lửa đã sống, đã làm và để lại.

Mỗi du khách sẽ có một sự trải nghiệm riêng

Có lẽ vì vậy, mà xung quanh câu chuyện kể về cư sĩ Bun Lửa luôn có một sức hấp lực mạnh mẽ cho du khách muốn tìm hiểu, chúng tôi cũng không ngoại lệ, nhưng qua câu chuyện kể với sự kính trọng dành cho Bun Lửa của chị Ni hướng dẫn bên Lào và chị Tok hướng dẫn viên phía Thái Lan bên cạnh những điểm chung vẫn có những thông tin khác nhau về vị cư sĩ - kiến trúc sư của công trình.

Trong khi đó, cũng có thông tin, vị cư sĩ này có mẹ là người Lào, gốc Việt, ông có duyên với Phật giáo từ nhỏ, suốt cuộc đời ông chỉ mặc áo màu trắng như các đạo sĩ Hindu. Ông sinh năm 1932, mất năm 1966. 

Chị Ni thì cho biết ông mất năm 1987, còn chị Tok lại nhớ ông mất năm 1978, chúng tôi chưa có dịp tìm hiểu một cách minh định về năm sinh và mất của cư sĩ Bun Lửa, nhưng khi đến thăm công viên tượng Phật ở Nong Khai không ai lại không nghe kể và được trực tiếp chứng kiến sự kỳ lạ về "nhục thân" của ông.

Biết trước ngày mất, ông đã không tiếp xúc với bất kỳ ai cả tháng trước đó, lúc mọi người vào thất thì ông đã viên tịch và để lại nhục thân bất hoại. 

Các đệ tử không hỏa táng ông như phong tục của người Thái, người Lào mà để lại nhục thân trong một chiếc lồng kính bình thường. Hiện nay, sau hàng chục năm "nhục thân" vẫn bất hoại, được để một cách tự nhiên và được an vị tại tầng ba của khu nhà trưng bày vườn tượng. 

Nhục thân của cư sĩ Bun Lửa ở trên tầng 3 của căn nhà này

Chị Ni cho biết, sau khi xây dựng công trình dang dở ở Viêng Chăn, bên cạnh thời cuộc biến loạn do chiến tranh, cư sĩ Bun Lửa còn để lại thông điệp về sự vô thường của mỗi công trình mà ông thực hiện. 

Ngay cả công trình ở Nong Khai cũng vậy, với ông mọi việc cứ để dở dang, không cần hoàn thiện, vì bản thân cuộc đời này, kiếp sống này cũng chỉ là sự "chưa hoàn thiện".

 

Công trình "chưa hoàn thiện" nhưng khi lạc vào công viên tượng Phật, du khách sẽ bị sức hút của các sắc thái cảm xúc để tha hồ mà suy nghiệm những cung bậc tâm linh của riêng mình.  

Giới Minh - Theo GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top