Đất nước Phật giáo nào hào phóng nhất thế giới?

16/11/2016 2:33
Nói về sự hào phóng và rộng lượng, ít có quốc gia nào trên thế giới sánh kịp đất nước Phật giáo Myanmar - nhận định của một bài viết được đăng hồi cuối tháng 10 trên tờ CNN, sau khi kết quả nghiên cứu được báo cáo.
Trong 3 năm liên tiếp, Myanmar là quốc gia dẫn đầu về Chỉ số cho đi trên toàn thế giới (World giving index - WGI) của Tổ chức Cứu trợ Từ thiện Thế giới, viết tắt là CAF (Charities Aid Foundation) năm 2016, xét trên mức bình quân mà người dân nước này tham gia đóng góp hiện kim, làm tình nguyện viên hay giúp đỡ cho một người xa lạ bất kỳ - số liệu thống kê được công bố ngày 25-10 qua.
 
anh myanmar 2.jpg
Kính Phật trọng Tăng, nếp sống thiện lành này được hun đúc ngay từ ấu thơ, 
khiến mỗi người dân Myanmar trở thành đại sứ của sự sẻ chia, giúp đỡ - Ảnh: CNN

Quốc gia Phật giáo khu vực Đông Nam Á này một lần nữa vượt qua Hoa Kỳ, nước đang đứng vị trí thứ 2, sau Myanmar trong bảng xếp hạng năm nay. Năm 2014, cả Hoa Kỳ và Myanmar cùng nhau chia sẻ ngôi quán quân này.

Theo số liệu từ nghiên cứu thống kê, trong năm qua có đến 91% người dân Myanmar đóng góp tiền bạc cho các hoạt động và tổ chức từ thiện, 62% người dân cho biết họ đã giúp đỡ cho người không quen biết, 55% người dân tham gia làm tình nguyện viên trong các cuộc vận động và chiến dịch cứu trợ, từ thiện.

“Điều quan trọng cần lưu ý là chỉ số này chỉ đo lường tỷ lệ dân số của các quốc gia tham gia vào việc cho đi chứ không phải dựa trên số tiền cho đi nhiều bao nhiêu”, chia sẻ của Giám đốc truyền thông CAF Simon Ward với thông tấn CNN. Dân số của Myanmar vào khoảng 56 triệu người, chưa đến 1/5 dân số Hoa Kỳ.

“Thảm họa tự nhiên và nghịch cảnh là tác nhân làm cho số lượng người cho đi tăng lên nhiều hơn”, Simon cho biết thêm. Myanmar là quốc gia bị thiệt hại nặng nề trong trận lụt kinh hoàng năm 2015.

Hành thiện trong tinh thần Phật giáo là nguồn gốc của sự hào phóng và rộng lượng

Nhóm thống kê của CAF nhấn mạnh kết quả tích cực mà Myanmar liên tục đạt được trong những năm qua theo nghiên cứu và cho rằng điều thiện lành này xuất phát từ niềm tin tôn giáo và các giá trị văn hóa ảnh hưởng từ tôn giáo của người dân đất nước này, mà cụ thể là Phật giáo. Phần lớn dân số Myanmar là Phật tử theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, lấy việc hành thiện làm trọng tâm, dù là việc nhỏ nhất. Đây một sự thực hành xuyên suốt mang tính thông lệ trong đời sống hàng ngày của người dân nước này.

Giáo sư Aung Tun Thet - cố vấn kinh tế của Tổng thống Myanmar phát biểu trong buổi báo cáo nghiên cứu:  “Kết quả từ thống kê chứng minh một cách thuyết phục và sắc sảo rằng một quốc gia ‘nghèo bạc nghèo tiền’ nhưng lại ‘giàu có’ trong biểu hiện cụ thể của tính hào phóng và độ lượng, luôn hướng đến việc cho đi nhiều hơn là thâu nhận về cho mình”.

“… thế giới đang trở nên rộng lượng và hào phóng hơn bao giờ hết”

CAF tiến hành khảo sát mức độ hào phóng và rộng lượng của người dân của các quốc gia trên thế giới thông qua các điểm số như: điểm số cho đi, điểm số sẵn lòng giúp đỡ người xa lạ, điểm số quyên góp hiện kim cho từ thiện và điểm số về thời gian tham gia làm tình nguyện viên trong các cuộc vận động và chiến dịch cứu trợ, từ thiện. Các quốc gia nối tiếp Myanmar trong khảo sát thuộc tốp 10 toàn thế giới là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Sri Lanka, Canada, Indonesia, Anh quốc, Ireland và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

Trên trang web chính thức của CAF, Giám đốc điều hành CAF John Low đúc kết từ khảo sát năm nay rằng, “Điều ngạc nhiên là có đến hơn một nửa dân số trên toàn thế giới tường thuật họ đã giúp đỡ những người mình không quen biết… Ở mỗi quốc gia, người dân đều có khát vọng sâu thẳm được cho đi và được giúp đỡ người khác. Những quà tặng vô điều kiện, trong đó có tiền bạc và thời gian chính là tác nhân thúc đẩy sự thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống của con người trên thế giới”. Và kết quả từ thống kê cũng cho thấy “người dân trên thế giới đang trở nên rộng lượng và hào phóng hơn bao giờ hết”.

Trần Trọng Hiếu

Các tin tức khác

Back to top