Vãn cảnh những ngôi chùa xây dựng tượng Phật khổng lồ

16/01/2017 1:02
Từ tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm được công nhận là tượng Phật lớn nhất Châu Á, An Giang đã có thêm nhiều ngôi chùa xây dựng các pho tượng Phật rất lớn. Những tượng Phật khổng lồ thể hiện sự tôn kính và ước nguyện tâm linh của đông đảo phật tử, đồng thời trở thành điểm thu hút đặc biệt đối với khách tham quan.
Tượng Phật A Di Đà song diện ở chùa Linh Ẩn
 Tượng Phật A Di Đà song diện tại chùa Linh Ẩn
Tượng Phật A Di Đà song diện được Đại đức Thích Bửu Niệm, trụ trì chùa Linh Ẩn (thị trấn Long Bình, An Phú) chính thức khởi công từ tháng 7 đến tháng 12-2015 (âm lịch), tổng kinh phí công trình trên 2 tỷ đồng, do phật tử trong và ngoài tỉnh đóng góp. Tượng được thiết kế 2 mặt, mặt trước hướng về chùa Linh Ẩn, mặt sau nhìn về nước bạn Campuchia, tổng chiều cao của tượng Phật gần 25m (tính từ chân đài sen đến đỉnh đầu), thân tượng cao 18m, rộng 6m. Đây là công trình kiến trúc tượng Phật A Di Đà lớn nhất miền Tây, do nghệ nhân Thụy Lam (tác giả tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm) thi công. Công trình tượng Phật A Di Đà 2 mặt đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của phật tử 2 nước vùng giáp biên. “Phật tử vùng này muốn có tượng Phật lớn để cúng viếng và thể hiện tình đoàn kết gắn bó của phật tử 2 nước, cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo”- Đại đức Thích Bửu Niệm cho biết. Từ khi hoàn thành đến nay, chùa Linh Ẩn luôn thu hút phật tử lẫn khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.

Đối diện với khuôn viên an vị tượng Phật A Di Đà, chùa Linh Ẩn có kiến trúc đẹp, xây dựng theo chữ “Đinh” với sức hút không kém. Không chỉ các ngày rằm, ngày cuối tuần chùa vẫn đón rất đông phật tử.
 
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn ở chùa Vĩnh Thành

Một công trình đặc biệt không phải xây dựng bởi bàn tay nghệ nhân, mà do chính các sư, sãi chùa Vĩnh Thành (xã Vĩnh Thành, Châu Thành) thực hiện. Pho tượng nằm phía sau sân vườn của chùa với vườn cây xanh mát, hoa cỏ đủ sắc màu và không gian yên tĩnh. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế niết bàn dài 25m, nặng 12 tấn được “đặt” trên cao bởi 9 hàng trụ cột dọc, trên mỗi trụ trang trí hoa văn tinh xảo. Ngay bên ngoài tượng, ở 2 đầu có đặt thêm 2 tượng nhỏ: Hướng Đông là tượng Phật lúc xuất gia, hướng Tây là tượng Phật lúc thành đạo. Bên dưới các hàng trụ nâng đỡ pho tượng lớn, còn có 12 tượng Phật tư thế ngồi kiết già giống nhau như đúc do các phật tử cúng dường.
 Chùa Vĩnh Thành 200 tuổi
Theo Hòa thượng Danh Thiệp, trụ trì chùa Vĩnh Thành, chùa đã xây dựng cách đây hơn 200 năm, trải qua 15 đời trụ trì. Kiến trúc của chùa là kiến trúc của Khmer cổ, trong khuôn viên rộng 2 héc-ta có rất nhiều công trình, như: Chánh điện, trai đường, các ngôi mộ thờ trụ trì, nhà văn hóa… Đây là điểm sinh hoạt tâm linh và đoàn kết giữa các phật tử trong vùng.

Tượng Phật A Di Đà ở chùa Phước Thành
 Khuôn viên chùa Phước Thành nhìn từ trên cao
Cù lao Giêng không chỉ đẹp bởi sự yên bình, cảnh đẹp hữu tình của sông nước, đời sống người dân trù phú nhờ những vườn cây ăn trái trị giá hàng trăm đến hàng tỷ đồng, mà còn có rất nhiều công trình tín ngưỡng tâm linh đặc sắc không thể bỏ qua. Từ Tỉnh lộ 942 hướng về thị trấn Mỹ Luông, đến bến đò Rạch Sâu, nhìn qua bên kia sông đã có thể “nhận diện” chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới) dễ dàng nhờ tượng Phật A Di Đà cao sừng sững vượt lên giữa cây xanh.
Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phước Thành
Chùa có tượng Phật A Di Đà cao 39m, khuôn viên chùa trang trí kiến trúc cầu kỳ theo phong cách cổ lẫn kim. Ngoài ra, còn có an vị tượng 48 thánh chúng Bồ Tát được khởi công xây dựng năm 2012 và hoàn thành năm 2016. Công trình do nghệ nhân Phạm Văn Hải và trợ lý Thích nữ Như Thơ thực hiện, Hòa thượng Thích Huệ Tài kiến trúc nghệ thuật. Phía trước chùa có 2 hành lang nối lên cao, ngước nhìn tượng Phật càng thêm vĩ đại giữa trời xanh mênh mông, nhìn xuống cảnh đẹp lạ thường, phóng tầm mắt bao quanh là bạt ngàn màu xanh của vườn cây ăn trái - thể hiện sức sống và sự trù phú của người dân xứ cù lao.
 
Theo Báo An Giang

Các tin tức khác

Back to top