Phim tài liệu về một Lạt-ma tái sinh sẽ phát hành tại Mỹ

26/02/2017 1:05
Sau lần công chiếu đầu tiên tại Liên hoan phim quốc tế Berlin tuần trước, một bộ phim tài liệu về Phật giáo Tây Tạng “Becoming Who I was” do hai đạo diễn người Hàn Quốc là Chang-Yong Moon và Jin Jeon thực hiện được lựa chọn để phát hành tại Mỹ và Canada.

Theo đó, kế hoạch bao gồm một đợt công chiếu tại New York và các rạp trên toàn nước Mỹ, DVD và phát hành trực tuyến.

e68676e2630d1b0028802f424e1cc01b_715__2.jpg
Một cảnh trong bộ phim

Được biết, thời gian quay phim kéo dài 8 năm, bộ phim kể về đời sống của một cậu bé tên là Padma Angdu được sinh ra trong cộng đồng người Tây Tạng sống ở miền bắc Ấn Độ thuộc khu vực Jammu và Kashmir trên dãy Himalaya. Khó khăn bắt đầu khi cậu bé bị coi là hóa thân của một vị Lạt-ma và được nhìn nhận là Rinpoche khi mới 6 tuổi. Cậu bé mất 4 năm để chờ đợi các đệ tử đến tìm mình, nhưng không một ai đến với cậu và cậu bị buộc phải rời khỏi tu viện ở Ladakh.

Urgyan, một bác sĩ ở thị trấn nhận nuôi cậu bé và hai người quyết tâm vượt qua chặng đường gian nan để trở về quê hương Tây Tạng của Padma, một nơi rất xa ngôi nhà của Padma ở trên cao nguyên miền bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị khiến cuộc hành trình về tu viện của hai người trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Hai người vẫn kiên quyết theo đuổi con đường ấy trên đôi chân của mình và đồng hành với họ là tình yêu, tình bạn, số phận và bản chất của cuộc sống.

“Lấy bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ ở Ladakh, chúng tôi dõi theo hai nhân vật trên những bước đường gian khổ” - nhà sản xuất cho biết.

“Sự hài hước đan xen trong từng cảnh phim giúp khán giả hiểu hơn về các nhân vật. Họ cũng có khuyết điểm như chúng ta. Khi thời gian trôi qua, cậu bé ấy bước vào tuổi thiếu niên với những nghi vấn về thân thế của mình. Để bù đắp cho 4 năm chờ đợi trong vô vọng và hầu như không có cơ hội để trở về Tây Tạng, ông Urgyan kiên định tín tâm và thậm chí từ bỏ việc làm bác sĩ duy nhất của thị trấn. Ông không chùn bước trước những bất an và nỗi sợ hãi của tuổi già. Giá trị nhân văn của tình yêu thương vô điều kiện, sự hy sinh, người trẻ, người già và những vấn đề xoay quanh thân phận “tái sanh” qua một câu chuyện gần gũi và giàu cảm xúc”, một nhận định về bộ phim trên mạng xã hội.

e88f64f2ad87286df7cffb0cba025e29_715__2.jpg
Phim được công chúng đánh giá mang giá trị nhân văn cao đẹp

Đạo diễn Chang Yong-Moon từng ở Ladakh trong năm 2009 để thực hiện bộ phim về y học cổ truyền phương Đông khi ông gặp Urgyan, người đỡ đầu của Padma. Ông chia sẻ: “Khi tôi gặp Urgyan và thấy một cậu bé tên là Padma Angdu thường đi cùng ông ấy, lúc đó cậu bé chưa được coi là Lạt-ma tái sanh”.

Nhưng cậu bé 5 tuổi Padma Angdu không phải là một cậu bé tầm thường. Padma nói: “Kiếp trước cháu sống ở Kham, Tây Tạng. Cháu vẫn còn nhớ về nơi đó. Bây giờ cháu được sinh ra ở Sakti và mọi người gọi cháu là Padma Angdu”.

Xuyên suốt bộ phim, vị “Lạt-ma tái sanh” phải đối mặt với nhiều thách thức để tiếp tục sống, khi cậu đến tuổi trưởng thành và thực hiện những lễ nghi tôn giáo trong môi trường khắc nghiệt ở dãy Himalaya. Cùng với người đỡ đầu lớn tuổi, cậu bước trên con đường tìm lại vị thế của mình.

Elizabeth Sheldon, giám đốc điều hành công ty phát hành phim Bond/360, cho biết: “Becoming Who I was” là một bộ phim về tiểu sử nhân vật, một cuộc phiêu lưu và tình yêu thương giữa một cậu bé trẻ tuổi và người đỡ đầu của mình. Bộ phim sẽ thu hút các khán giả trẻ cũng như những người lớn tuổi”.

Theo GNO

Các tin tức khác

Back to top