Độc đáo chùa Bốn Mặt

3/11/2017 1:45
Được xây dựng cách đây gần 500 năm, chùa Buôl Pres Phek (chùa Bốn Mặt) là công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị văn hóa tiêu biểu mang đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Chùa Bốn Mặt vừa được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là di sản văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.

 

 Ngôi Chánh điện, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống hàng trăm năm của chùa.
Chùa Bốn Mặt được xây dựng trên diện tích 6,5ha, tọa lạc tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Tổng thể kiến trúc chùa bao gồm các công trình: Ngôi chính điện, sala, lò hỏa táng, tháp để cốt người quá cố, nhà ở của các vị sư, nhà tiếp khách... Khi nhắc đến ngôi chùa này, người ta thường nghĩ đến truyền thuyết về một tượng phật có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng có 5 vị Phật được đồng bào Khmer tìm thấy trong quá trình khai phá đất hoang. Cho đây là điềm lành nên người dân xây dựng chùa, rước tượng Phật vào thờ năm 1537. Dấu ấn truyền thuyết và tượng Phật được lưu lại rõ ràng nhất được đặt tại ngôi chánh điện.
           Ảnh: Hoàng Phương 
Chánh điện chùa Bốn Mặt có diện tích 225m2. Nơi đây thờ khoảng 40 tượng Phật. Ở trung tâm bệ là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 2m, ngồi thiền trên bệ cao 3m, được trang trí hoa văn hình cánh sen. Đặc biệt, trước gian thờ Phật Thích Ca là pho tượng 5 mặt Phật cổ bằng đá bảy màu có 5 tầng, với chiều cao trên 1m. Mái chính điện được kết cấu theo kiểu tam cấp, trên đỉnh cao nhất là tượng bốn mặt hướng về bốn phía. Bên dưới mái ở phần tiếp giáp với cột là các tượng tiên nữ Keynor có gương mặt phúc hậu và các chim thần Krud miệng ngậm hồng ngọc, giơ tay nâng đỡ mái chùa tạo nên sự nhẹ nhàng, thanh thoát.
        Ảnh: Hoàng Phương 
Theo thời gian, chùa Bốn Mặt được trùng tu và xây dựng thêm một số công trình, hạng mục mới. Đặc biệt nhất là ao Mách Cha Linh được xây dựng trong năm 2016 với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Giữa ao là một tháp cao hơn 20m, trong có tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên con rắn 7 đầu khổng lồ, xung quanh ao có hoa văn của bức tượng bốn mặt quay về 4 hướng và tượng 12 con giáp. 12 con vật tượng trưng con giáp của dân tộc Khmer có 10 con giống của dân tộc Kinh, riêng con mèo, con trâu của người Kinh được thay bằng con thỏ, con bò của người Khmer.

Chùa Bốn Mặt là điểm đến hấp dẫn vì gắn liền với Giếng Tiên Nữ được lưu truyền trong dân gian mang ý nghĩa giáo dục sự cần cù, sáng tạo trong lao động (cách chùa khoảng 100m). Trải qua hàng trăm năm, giờ đây Giếng Tiên Nữ chỉ còn dấu vết là một khoảnh đất thấp trũng hàng nghìn mét vuông. Với việc phê duyệt dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên Nữ, du khách đến đây sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ nhạc ngũ âm, dù kê của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Ron Ron, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer…
           Ảnh: Hoàng Phương 
Thượng tọa Thạch Bonl, Trụ trì chùa Bốn Mặt cho biết: “Với bề dày lịch sử và được xếp hạng là di sản văn hóa - lịch sử cấp tỉnh, chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn và phát huy để chùa Bốn Mặt là nơi giáo dục văn hóa, nơi học chữ, học đạo lý làm người”.

Thanh Nam
Nguồn link: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/doc-dao-chua-bon-mat-522149

Các tin tức khác

Back to top