Trong cuộc đời, nên hành hương 5 ngôi tự viện Phật giáo trên thế giới

18/11/2017 3:05
Là một tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo là một trong những hệ thống được sự ngưỡng mộ về từ bi, trí tuệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Được sáng lập cách đây hơn 25 thế kỷ, Phật giáo đưa ra những phương pháp trị liệu để hóa giải những nỗi khổ niềm đau cho nhân thế và lan tỏa khắp mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Phật giáo vượt quá tác động của nó đến niềm tin của hàng triệu con người trong lịch sử, Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho một số mốc thời gian quan trọng nhất mà thế giới đã từng chứng kiến. Mặc dù có cùng một cảm hứng, tự viện Phật giáo đã được kiến tạo trong nhiều hình dạng và kích cỡ với nhiều phong cách độc đáo của thiết kế. Đây là địa chỉ 5 ngôi tự viện Phật giáo độc đáo mà các bạn chỉ đơn giản là phải hành hương chiêm bái trước khi nhắm mắt xuôi tay về với cõi vô thường.

Bồ đề Đạo tràng (Mahabodhi) Bodh Gaya, Ấn Độ

Chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ Tự) là một ngôi chùa ở quần thể di tích Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ở bang Bihar, Ấn Độ là một ngôi tự viện lịch sử Phật giáo số một trong những điểm đến trong danh sách. “Ngôi tự viện khai sáng vĩ đại” Di tích lịch sử Phật giáo thế giới, được xây dựng tại nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt được sự giác ngộ chân lý dưới một gốc cây bồ đề, theo sử tích của đạo Phật.

Chùa Mahabodhi (Đại Giác Ngộ Tự) có lịch sử từ khoảng năm 250 TCN, khi hoàng đế Asoka của triều đại Maurya dựng một công trình kỷ niệm việc Phật đạt giác ngộ ở Bodh Gaya. Sau khi bị phá hủy bởi chiến tranh, một ngôi chùa khác đã được dựng lại trên ngay chính địa điểm cũ vào thế kỷ thứ 2 TCN và được trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ để có diện mạo như ngày nay.

Về tổng thể, chùa Mahabodhi là một công trình kiến trúc bằng đá với một ngọn tháp lớn ở trung tâm và 4 ngọn tháp nhỏ ở 4 cạnh.

Bề mặt các ngọn tháp và tường của ngôi chùa được phủ các hốc đầy những tượng Phật giáo

Trong điêu khắc và kiến trúc, ngôi chùa thể hiện rõ nét phong cách Miến Điện, do đã được trùng tu bởi các tín đồ Phật giáo Miến Điện.

Bên cạnh ngôi chùa, về phía Tây là cây bồ đề linh thiêng, hậu duệ của cây bồ đề gắn liền với sự giác ngộ của đức Phật.

Tương truyền, sau khi Phật nhập Niết bàn những cành chiết từ cây bồ đề đã được gửi đến những địa điểm khác trên cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Vào cuối thế kỷ 19, một cành chiết của cây này được mang trở về Bồ Đề Đạo Tràng và trồng lại chính nơi cây gốc đã từng ở đó.

Theo sử sách Phật giáo, vào khoảng năm 500 TCN đức Phật – khi đó là một nhà tu hành đi khất thực, đến bờ sông Falgu ở gần thành phố Gaya. Ở đây, đức Phật đã ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề.

Sau 3 ngày và 3 đêm thiền định, đức Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu. 7 tuần lễ tiếp theo, đức Phật đã tiếp tục thiền định và suy xét trải nghiệm của mình. Sau 7 tuần, đức Phật đã tới Sarnath, nơi ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp, khai sinh một tôn giáo có ảnh hường lớn đến nhân loại.

Ngày nay chùa Mahabodhi và quần thể di tích Bồ Đề Đạo Tràng đã trở thành nơi hành hương quan trọng hàng đầu của các nhà tu hành Phật giáo và phật tử trên toàn thế giới.

Vào năm 2002, ngôi chùa nơi đức Phật thành đạo đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Chùa Vàng (Shwedgon Pagoda), Yangon, Myanmar

Chùa Vàng (Shwedgon Pagoda) ở Yangon, Myanmar, một trong những ngôi Danh lam Cổ tự Phật giado rực rỡ nhất thế giới.

Chùa Vàng (Shwedgon Pagoda) và Bảo tháp 60 tấn vàng (Sáu mươi tấn).

Ngôi cổ tự nguy nga tráng lệ này toạ lạc trên ngọn đồi Shinguttara, phía Tây hồ Kandawgyi. Ngôi Cổ tự này còn được gọi là Chùa Vàng, nơi có ngôi Bảo Tháp trung tâm dát vàng, chung quanh là quần thể gồm hàng trăm ngôi chùa mái cong, hàng trăm ngôi Tháp xung quanh, lộng lẫy với những tượng Phật bằng vàng ròng, ngọc quý, đồng đen mạ vàng, gỗ quý, đá quý được điêu khắc và chạm trổ cực kỳ tinh xảo… Tất cả làm nên một không gian tâm linh trang nghiêm thế giới Phật với không gian thu hẹp vài km vuông.

Theo ghi chép lịch sử và truyền tụng nhân gian Miến Điện thì chùa Vàng (Shwedagon Pagoda) đã tồn tại hơn 2.600 năm, là một ngôi chùa cổ xưa nhất tại Miến Điện và trên thế giới. Khởi nguyên ngôi chùa này được hình thành là do hai anh thương gia tên Taphussa và Bhallika từ Miến Điện sang Ấn Độ buôn bán và hai người đến đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cung kính dâng cúng mật ong và thực phẩm, sau đó hai người đã được đức Thế tôn truyền thụ Tam quy y – Ngũ giới, trở thành phật tử đầu tiên của đất nước Miến Điện, hai phật tử này được đức Phật ban cho tám sợi tóc để làm tín vật tôn thờ. Sau khi trở về cố hương tâu việc nầy lên triều đình và được vua Okkalapa cho xây Bảo tháp (ngôi chùa Shwedagon-ngôi Bảo Tháp). Tại đây còn lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh Cà sa của Phật Ca Diếp, và mấy sợi tóc của Phật Thích Ca.

Đây là một kỳ quan của thế giới và là niềm tự hào của dân tộc Miến Điện. Ngôi đại Già Lam có 4 hướng đi vào và mỗi lối đi đều có mái che thoáng mát. Những trụ cột cũng được chạm trổ rất tinh xảo. Mỗi lối lên có một cặp sư tử thần (chinthe) canh gác thưởng thiện phạt ác. Lối phía Đông và phía Nam có rất nhiều cửa hàng văn hóa phẩm phật giáo. Tại các bậc thang cuối của lối lên phía Nam có chân dung hiện thân thứ hai của Phật, tức là Phật Câu Na Hàm.

Khách du lịch nước ngoài mua vé vào cửa 5USD/người, đi bằng thang máy lên đến ngôi Bảo Tháp cao nhất, trước khi lên Bảo Tháp tất cả mọi người phải gởi giầy dép phía dưới. Càng đi càng tiến lên cao và ở một độ cao trung bình thì đã thấy được chân của Bảo Tháp. Bảo Tháp chính cao 99 mét và đường kính khoảng 300 mét. Toàn thân Bảo Tháp đều dán gạch bằng vàng. Nghĩa là những viên gạch được đúc bằng vàng dán trùm khắp Bảo Tháp để chịu đựng với phong sương tuế nguyệt trãi hơn 2600 năm lịch sử.

Đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng. Trên đế tháp là sân hiên mà chỉ có chư tăng và nam giới được phép đi vào. Tiếp theo là phần hình chuông của tháp. Trên phần hình chuông là phần mũ tháp. Trên phần mũ tháp là phần giả như các cánh sen. Trên phần giả các cánh sen là phần có hình dáng hoa chuối, rồi trên nữa là phần hình vương miện. Phần hình vương miện còn gọi là lọng (hti) được nạm 5.448 (năm nghìn bốn trăm bốn mươi tám) viên kim cương và 13.664 (mười ba nghìn sáu trăm sáu mươi bốn) viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương, gắn một viên kim cương 76 (bảy mươi sáu) carat (15g). Chúng ta có thể nhìn búp kim cương bằng mắt thật qua kính viễn vọng.

Vàng giát quanh Bảo Tháp là những tấm vàng dát mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Quý phật tử và du khách thập phương mua các tấm vàng để cúng dường dát vào Bảo Tháp. Việc dâng cúng vàng dát này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu.

Ban đêm quần thể ngôi Bảo Tháp sáng rực bởi ánh đèn laser phản chiếu, như một quả cầu vàng, rất to nổi bật trong màn đêm, trên cao và xa hơn là áng mây mờ cùng ánh trăng rằm ngời sáng, những ngọn nến lung linh màu sắc hòa quyện cùng âm vang của những tiếng chuông chùa ngân nga, khói hương trầm nghi ngút, thật là một bức tranh huyền ảo, siêu thực.

Phật Quang Sơn Đài Loan 

Phật Quang Sơn Đài Loan ngôi chùa nổi tiếng - thánh địa phật giáo có một không hai tại Cao Hùng, Đài Loan, với tổng diện tích trên 300 mẫu.

Phật Quang Sơn được đại sư Tinh Vân (SN 1927, một bậc danh tăng của thế kỷ 20) cùng các đệ tử sáng lập năm 1967. Từ sự đóng góp của các phật tử, giữa hoang sơ, Phật Quang Sơn ngày nay đã trở thành một thánh địa Phật giáo với hơn 20 tòa điện, lầu, đường trang nghiêm và có đông đảo tín đồ. Sau khi Phật Quang Sơn vang danh tại Đài Loan và Trung Hoa đại lục, đại sư Tinh Vân đã nhường chức trụ trì cho các đệ tử và đi chu du khắp nơi, hoằng dương chính pháp. Vì vậy, Phật Quang Sơn có đến 200 chi nhánh trên thế giới, trong số đó có các đạo tràng quy mô, uy nghiêm không kém như Tây Lai tự (Mỹ), Nam Thiên tự (Úc), Nam Hoa tự (châu Phi)…

Theo phương pháp hoằng pháp hiện đại, Phật Quang Sơn nổi tiếng với tôn chỉ “Phật giáo Nhân gian”.

Mục tiêu Phát triển của Phật Quang sơn:
Văn học hóa
Điện ảnh hóa
Nhân gian hóa
Quốc tế hóa

Ngũ đại sứ mệnh (Năm nhiệm vụ lớn của Phật Quán, hệ thống Phật Quang sơn):

48 phòng địa cung: gìn giữ bảo tồn trí tuệ văn minh của nhân loại, xây dựng ký ức chung của nhân loại.

Giáo dục đời sống: thông qua nghệ thuật và văn hóa đẩy mạnh giáo dục đời sống và bảo vệ môi trường xanh.

Giao lưu hai nước: hai nước giao lưu, đẩy mạnh sự phục hưng của nền văn hóa Trung Hoa.

Nghệ thuật Phật giáo: thường xuyên triển lãm nghệ thuật Phật giáo, tổ chức hội thảo học thuật.

Phục vụ công cộng: tôn trọng bao dung, cùng chia sẻ tài nguyên, hăng hái phục vụ.

Giá trị cốt lõi của Phật Quang Sơn:

Tam hảo (3 điều tốt): thân làm điều tốt, miệng nói lời tốt, lòng mang ý tốt.

Tứ cấp (4 thứ cho): cho người niềm tin, cho người hoan hỷ, cho người hy vọng, cho người phương tiện.

Wat Phra Dhammakaya, ngôi Đại Già lam triệu tượng Phật độc đáo nhất thế giới

Wat Phra Dhammakaya (Pháp Thân Tự) tọa lạc cách sân bay quốc tế Suvarnabhumi khoảng 50 km về phía Bắc, cách sân bay Don Mueang 16 km về phía bắc, Wat Phra Dhammakaya sở hữu vẻ đẹp tráng lệ và khổng lồ. Chùa tọa lạc trên mảnh đất có diện tích 320.000 m2, công trình nằm ở huyện Khlong Luang, tỉnh Pathum Thani. Một ngôi Đại già lam hiện đại trong thế giới ngày nay (ngôi đại già lam Phật giáo lớn nhất quốc gia Thái Lan, một tu viện có sức chứa hàng triệu người).

Ngôi Đại Già lam Wat Phra Dhammakaya do giáo phái Phật giáo Dhammakaya xây dựng từ năm 1970 đến năm 1982, có diện mạo khác biệt với những ngôi chùa truyền thống của Thái Lan. Nó được cho là giống mô hình của một sân vận động hoặc UFO (vật thể bay không xác định). 

Ngôi Đại Già lam sở hữu vẻ đẹp kiến trúc tráng lệ và khổng lồ. Ngôi chùa có diện tích hơn 400 hecta, ột trong những kỳ quan của Phật giáo thế giới đương đại. Wat Dhammakaya từng được vinh danh là 'Trung tâm Thiền định tuyệt vời nhất' Thái Lan.

Điểm nhấn chính của toàn bộ công trình độc đáo nay là mái vòm khổng lồ gọi là Dhammakaya Cetiya được phủ bởi 300 nghìn bức tượng Phật bằng đồng dát vàng. Ngoài ra còn có 700 nghìn bức tượng tương tự bên trong đền thờ.Bên trong mái vòm bằng vàng là nơi thờ Tổ sư Phra Mongkhonthepmuni (Sodh Candasaro- พระ มงคล เทพ มุนี) (1884- 1959), người sáng lập của Thiền phái Dhammakaya, Thái Lan vào năm 1914, còn những đường bê tông chạy vòng quanh được gọi là Thiền đường ngoài trời.

Mặc dù sở hữu những nghi lễ có quy mô lớn và được biết đến khắp đất nước Thái Lan, thậm chí từng xuất hiện trên truyền hình, nhưng hệ giáo phái Dhammakaya cố gắng hạn chế tầm ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới. Sự sùng bái Dhammakaya kéo dài suốt 4 thập kỷ qua tại Thái Lan và nổi tiếng với những buổi tĩnh tâm kéo dài 2 tuần thi hút 200.000 người đến tham dự.

Thánh địa Phật giáo Borobudur, Magelang, Indonesia

Thánh địa Phật giáo Borobudur, còn gọi là Đại bảo Tháp Borobudur, Đàn tràng Mạn Đà la cổ nhất và lớn nhất thế giới, với 10 tầng tháp hùng vĩ được xem là một trong 70 kỳ quan của thế giới được Tổ chức Unesco ghi nhận là một Thánh tích Phật giáo quan trọng.

Borobudur thể hiện ba quan điểm về vũ trụ theo truyền thống Kim Cương thừa của Ấn Độ. Đỉnh của kiến trúc là một cái tháp, thể hiện tánh khái niệm về tính Không hay Sunnata. Hàng năm vào ngày Đại lễ Vesak (gọi là Tri Suci Waisak trong tiếng Indo) được tổ chức tại Borobudur để tưởng niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết Bàn của đức Phật.
 
Ngôi Đại Già lam Phật địa Borobudur tổng cộng có 1460 tấm tranh điêu khắc và tạc nổi trên mặt đá, trình bày các cảnh tượng của Tam giới, kể lại các gương sáng của những vị Bồ tát, cuộc đời và những tiền thân của đức Phật và sau hết là các câu chuyện về Đạo Pháp mô tả trong kinh sách. Ngoài những cảnh tượng điểu khắc, còn có 1212 trang trí khác tạc trên đá. Nếu xếp các cảnh điêu khắc thành hàng thẳng sẽ có một chiều dài 5 km. Kiến trúc tổng quát của ngôi ngôi Đại Già lam Phật địa Borobudur có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới của Ta bà: các tầng thấp nhất là Dục giới, tiếp theo là Sắc giới và những tầng trên hết là Vô sắc giới.

Du khách thập phương hành hương chiêm bái ngôi Đại Già lam Phật địa Borobudur bắt đầu từ cổng phía Đông, đi theo chiều kim đồng hồ, mỗi tầng đều có bậc thang để trèo lên tầng cao hơn, hết tầng này đến tầng khác. Trên vách đá hiện ra các cảnh tượng điêu khắc của Dục giới, phô bày những cảnh tượng của thế giới tham dục (kamadhatu), gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng tham lam, những xung năng thấp kém, tham dục và hận thù, tiếp theo là cảnh tượng của Sắc giới gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên nhân thuộc Vô sắc giới.

Những tầng cao hơn hết kể lại sư tích tiền thân của đức Phật trong nhiều kiếp trước, sau đó là ngày Đản sinh ở Ca tỳ La vệ, ngày đức Phật từ bỏ cung điện đi tìm đạo, ngày đạt được Giác ngộ ở Chính giác sơn, ngày chuyển Pháp luân lần đầu ở vườn Lộc uyển…

Bên trên năm tầng hình vuông là ba tầng hình tròn với các bảo tháp đục rỗng, trong mỗi bảo tháp là một tượng Phật trong tư thế thiền định. Tầng thứ nhất có 32 bảo tháp, tầng thứ hai có 24 và tầng thứ ba có 16 bảo tháp. Trung tâm của tầng thứ ba là một bảo tháp lớn nhất với đường kính 15m, và cũng là đỉnh cao nhất của kỳ quan Borobodur. 

Bảo tháp này hoàn toàn trống không, không tượng Phật cũng không có một trang trí nào khác, sự trống không biểu trưng cho tính Không và sự Giác ngộ, vì thể phần đỉnh của công trình củng có thể xem như một sự biểu hiện của cõi Niết Bàn.

Điều đáng chú ý là trang trí của các tầng hình vuông hết sức phong phú và tinh xảo với hàng ngàn cảnh tượng tạc nổi trong đá, nhưng bỗng nhiên không còn thấy một điêu khắc nào nữa khi trèo lên các tầng hình tròn, sự đơn giản hiện ra một cách lạ lùng. Nơi đây bàng bạc sự trong sáng và tinh khiết của thể dạng “vô hình tướng”, tượng trưng cho sự tĩnh lặng của tâm thức. 

Lúc hoàn thành ngôi Đại Già lam Phật địa Borobudur có 602 pho tượng Phật, nhưng một số đã bị mất cắp, ngày nay còn 504, một số bị lấy mất phần đầu. Ngoài các tượng Phật đặt ở các góc, hầu hết các tượng Phật thuộc những tầng bên dưới được đặt trong các hóc thụt sâu trong tường, nhưng trên ba tầng cuối cùng các tượng Phật được đặt bên trong các bảo tháp đục rỗng như vừa kể trên đây.

Hiện nay ngoài các tổ chức Phật giáo bản địa, còn có rất nhiều tổ chức Phật giáo các nơi trên thế giới cùng đến chia sẻ phật sự, và góp phần khôi phục Phật giáo Indonesia.

Vân Tuyền

Các tin tức khác

Back to top