Tôi có cơ duyên được lên một tỉnh vùng cao nơi biên giới để tham dự Đại hội Phật giáo tỉnh. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Có đi tới một nơi cuộc sống đầy những khó khăn mới thấy Phật pháp quan trọng như thế nào với người dân nơi đây. Trên chuyến xe khách đang vượt đèo lên tỉnh, tôi có hỏi vài người dân: “Nơi đây có nhiều chùa không bác?”. Thì mọi người đều nói: “Ít lắm, ai may mắn ở gần chùa thì còn thường xuyên lui tới. Chứ nếu sống ở nơi vùng cao thì chẳng bao giờ biết tới chùa hay Phật là gì?”.
Quả thật, đi cả đoạn đường dài hơn 300km, số chùa tôi nhìn thấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Càng lên cao cơ hội nhìn thấy bóng cờ Phật giáo bay trong gió hay mái chùa cổ kính rêu phong càng ít hơn. Những tưởng người dân nơi đây quanh năm chỉ biết gió núi mây trời nhưng dường như tôi đã nhầm.
Tôi may mắn được ngồi cạnh bà, một phật tử thuần thành trong bộ đồ nâu giản dị đã sờn bạc và mái tóc vấn gọn gàng. Khi nghe quý thầy đọc tên các thành viên trong BTS nhiệm kỳ mới, bà ngồi cầm bút nắn nót viết từng chữ. Tên, tuổi, quê quán, chức vụ của các thầy đều được bà cẩn thận ghi xuống cuốn tài liệu vừa được phát. Bà vừa viết vừa nhẩm đọc, có lẽ để học thuộc. Tôi có hỏi bà viết lại tên các thầy làm gì thì bà nói: “Thầy chùa mình, mình phải nhớ tên để có ai hỏi còn biết trả lời, không người ta cười chê”.
Tôi lại hỏi tiếp: “Bà ơi, cuộc sống bà có đổi khác không khi là một phật tử?”. Bà nhìn tôi rồi nở một nụ cười hiền hậu: “Có chứ cháu. Trước đây, bà nóng tính, hay bực tức sân hận. Nhưng từ ngày biết đi chùa, được nghe pháp Phật, bà mới biết trước giờ mình làm vậy là sai nên sám hối rồi sửa đổi. Người thân ai cũng khen bà thay tâm đổi tính nên khuyến khích bà đi chùa. Càng tu bà càng thấy tin Phật. Vì Phật chỉ dạy người ta sống tốt, làm lành”.
Nghe những lời tâm sự của bà, không hiểu sao trong lòng tôi lại trào dâng một nỗi xúc động. Một người để có cơ duyên được gặp giáo pháp của đức Như Lai đã là một điều khó; bởi chúng sinh vốn luôn quẩn quanh, tham đắm vào ái sắc, danh vọng, tiền tài. Đôi khi con đường giải thoát khỏi nỗi khổ niềm đau ở ngay trước mắt, nhưng có người cả đời cũng chẳng thể nhìn thấy được, cứ đi một con đường vòng không có điểm kết thúc.
Để đạo Phật tìm đến với những con người sống ở nơi núi cao khắc nghiệt này càng là một thử thách. Bởi nơi đây vốn mang nặng tín ngưỡng thờ thần, họ nào có biết đức Phật là ai? Xưa kia, đức Phật Thích Ca khi đi giáo hóa chúng sinh cũng gặp biết bao chướng duyên, nghịch cảnh. Có người chửi bới, có người dọa giết nhưng cũng không làm sao ngăn được bước chân độ sinh của Ngài. Bằng tấm lòng từ bi, nhẫn nhục, nơi nào càng khó khăn Ngài càng tìm đến. Cốt chỉ để hướng tới một mục tiêu duy nhất, đó là giúp chúng sinh xóa bỏ tam độc tham, sân, si, biết tìm về con đường giải thoát, không còn khổ đau.
Vốn mang nặng những hủ tục mê tín dị đoan, tục cúng bái đa thần linh giáo, cúng ma, cúng giàng... đạo Phật từ khi được truyền bá tới nơi đây tựa hồ như một thứ ánh sáng ấm áp, rực rỡ đang dần lan tỏa... xua đi bóng tối vô minh, của đói rét tật bệnh. Đạo Phật đã đưa mỗi người quay trở về nẻo thiện, sống đúng với chân như bản nguyên tốt đẹp vốn có, biết nương tựa vào chính cõi tâm của mình chứ không phải tìm cầu chốn thần linh hư ảo.
Đọc những bài viết về Đại hội Đại biểu Phật giáo tại các tỉnh, thành được tổ chức suốt thời gian qua, thật mừng khi đến nay tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc nơi đâu cũng có các cơ sở thờ tự dưới sự quản lý BTS GHPGVN các tỉnh. Dù đời sống vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng người dân vẫn luôn lạc quan, đoàn kết đồng lòng với nhau cùng phát triển quê nhà. Có lẽ đây là thành quả to lớn nhất mà Phật giáo đã đạt được khi đã hòa nhập với tín ngưỡng văn hóa của từng vùng miền, tùy duyên hóa độ chúng sinh, luôn giữ vai trò chuyển hóa đời sống tinh thần, tâm linh của đồng bào địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nhìn cách các phật tử nơi đây một niệm chí thành với Phật, hai niệm cung kính với Tăng, luôn trân trọng từng cuốn kinh lời kệ - đại diện cho pháp Phật, chúng ta mới hiểu Tam bảo thật sự đã thấm nhuần vào cuộc sống của mọi người.
“Nước trong biển chỉ có một vị, ấy là vị mặn. Cũng vậy, giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát”.
Vẫn nhớ lời dặn của bà ngày hôm ấy: “Thân người khó được. Phật pháp khó nghe. Con có duyên được học Phật từ khi còn trẻ thế này là phúc đức lắm đấy. Gắng tu nghe con không uổng phí một kiếp người”.
Xa xa là dãy núi sừng sững, màn sương giăng mờ ảo, mây trời lãng đãng. Cảnh vật thật bình yên, thấm đượm thiền vị. Phải chăng, ánh sáng trí tuệ của đạo Phật đi đến nơi đâu thì những u minh, tăm tối của kiếp người sẽ dần xua tan. Trở về từ chuyến hành trình dài, trong tôi vẫn còn đọng lại biết bao dư vị ngọt ngào và ấm áp của tình đạo hữu.
Nguyễn Linh Chi
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2017
Các tin tức khác
- Thái Lan: Ngôi danh lam cổ tự Wat Chiang Man (14/12/2017 2:59)
- Ngôi già lam cổ tự Đại Tu Quán Âm, Nhật Bản (13/12/2017 3:25)
- Vĩnh Tràng cổ tự (10/12/2017 3:15)
- TP.HCM: Ban Tăng sự họp bàn công tác nhân sự ( 9/12/2017 2:53)
- Ấn Độ: Obama Gặp Đạt Lai Lạt Ma ( 7/12/2017 2:49)
- Cảnh đẹp chùa Thiên Phật Sơn, Trung Quốc ( 5/12/2017 2:23)
- Tổng thống Hàn Quốc và Sri Lanka viếng thăm trụ sở Thiền phái Tào Khê ( 1/12/2017 2:18)
- Ngôi cổ tự nổi tiếng bởi hàng nghìn tượng Phật đá ở Hàn Quốc (29/11/2017 2:46)
- Đại Bảo tháp Boudhanath tại Nepal di sản văn hóa thế giới (28/11/2017 12:12)
- Thăm chùa Phước Thành, An Giang (27/11/2017 2:25)