Vùng cổ tích bị lãng quên
Nếu bạn được ngắm từ trên cao phong cảnh của Bagan thì đó là một quà tặng của Bồ Tát dành cho bạn. Tôi không may mắn được ngồi trên khinh khí cầu, nhưng rõ ràng những cảm xúc không hề khác biệt nếu đứng từ ngôi đền cao nhất Bagan để ngắm những cảnh đẹp như trong mơ này. Ngơ ngẩn vì những câu chuyện cổ tích bà tôi đã kể trong những giấc ngủ thuở ấu thơ trưa cứ hiện về. Ở đây chỉ có những bác nông dân, những chàng thợ rèn, những gã tiều phu, vài kẻ lơ xe ngựa kéo, những cô thôn nữ và những vị sư đáng kính. Không có những lớp người thời @ hiển hiện. Nếu như bạn muốn trở thành người cha tốt, hãy kể cho con bạn nghe những câu chuyện cổ tích trước khi chúng ngủ thiếp đi. Và hơn hết, bạn hãy đến Bagan để câu chuyện của bạn không còn nhuốm vẻ hoang đường nữa. Và tôi cá rằng hình ảnh những đàn dê chạy tung bụi mù trên những cánh đồng đỏ cát chỉ có trong truyện của xứ sở thần tiên.
Những con nghê đá ở Myanmar
Nếu bạn đi Bagan vào tháng 10 đến tháng 2 dương lịch thì toàn bộ những trảng cát này đều phủ một màu xanh của cây cỏ, hoa lá. Nhưng đó là 1 vẻ đẹp khác với vẻ đẹp của tháng 4 khô hạn mà tôi đang chiêm ngưỡng. Nhưng với tháng 4 này, hoàng hôn Bagan mới là thiên đường của cảm xúc. Lòng tôi chợt nhẹ bẫng trong không gian ngập tràn ráng đỏ và thấy rõ cảm giác thiền mà một người tu hành nhiều năm mới đạt được.ư
Cõi Phật thanh bình
Bagan là một thành cổ của Myanmar. Thời xa xưa, nơi đây có khoảng 60.000 ngôi chùa. Thế kỉ 13 một vị vua phá bớt chùa để lấy gạch. Năm 1975 nơi đây xảy ra động đất lớn nên chỉ còn khoảng hơn 2 ngàn ngôi. Nay người dân Myanmar đã khôi phục lại nên hiện nay có tới khoảng 4.000 chùa lớn nhỏ. Đâu đó ở Bagan có những kiến trúc lạ, nhưng hoàn toàn không đáng ngạc nhiên vì những ngôi chùa xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 có hình dạng khác biệt với thế kỷ 12. Tuy vậy, nhưng tôi vẫn được chiêm ngưỡng một quần thể gồm 4 hình dạng sinh thực khí được xây dựng thờ cúng từ thế kỷ thứ 3.
“Mức sống của người dân Myanmar còn rất thấp, thậm chí phần lớn nghèo khổ song chùa chiền phải khang trang lộng lẫy vì đó mới là nơi lưu giữ tâm hồn của người dân, cũng là ngôi nhà thứ 2 của họ. Biết bao nhiêu tiền của đã được huy động và đóng góp tự nguyện để xây dựng chùa tháp và tượng Phật trong hàng ngàn năm qua…Có thể nói biểu tượng của Myanmar chính là kiến trúc tôn giáo và Đức Phật là lãnh tụ tinh thần tối cao của họ. Nếu bạn nhìn ngoài đường thấy 1 người dân quỳ xuống đất để cầu nguyện trước 1 vị sư hàng tiếng đồng hồ thì đó là chuyện bình thường ở đây.”
Khác với nền văn minh Trung Hoa trong đó có Việt Nam. Ở Myanmar Đền và Chùa đều thờ Phật. Các ngôi đền được phân biệt với chùa bởi trong các Đền có tượng Phật để thờ cúng, cầu kinh. Người ta có thể leo trèo lên Đền. Còn các ngôi Chùa thì bên trong không có Phật, chỉ có tượng Phật phía bên ngoài tường của kiến trúc và người ta không được phép leo trèo lên Chùa.
Hàng ngàn ngôi chùa lớn nhỏ dọc theo lối xe ngựa chúng tôi đang rong ruổi
Khác với nền văn minh Trung Hoa trong đó có Việt Nam. Ở Myanmar Đền và Chùa đều thờ Phật. Các ngôi đền được phân biệt với chùa bởi trong các Đền có tượng Phật để thờ cúng, cầu kinh. Người ta có thể leo trèo lên Đền. Còn các ngôi Chùa thì bên trong không có Phật, chỉ có tượng Phật phía bên ngoài tường của kiến trúc và người ta không được phép leo trèo lên Chùa.
Lễ nhập đạo ở Myanmar
Ở Myanmar, các nhà sư không được sống trong Chùa hay Đền như nền văn minh Trung Hoa. Họ sống và học tập tại 1 nơi gọi là Monastry. Tôi cũng đã ngồi ăn một bữa ăn của các vị sư trong một Monastry ven đường. Bữa ăn có món chủ đạo của các nhà tu hành ở đây là cá băm nhỏ trộn với mỡ và hành tây. Cơm và canh củ đậu với 1 chút cá. Dưa cải chua là món không thể thiếu ở các Monastry. Từ đây, nhìn ra ngay ngoài Monastry là những vị sư đang đi bình thản trong nắng.
Đám rước ở Lễ nhập đạo Phật
Về điêu khắc, nếu những con Rồng ở các Đền, Chùa giống với Trung Quốc và Việt Nam với chân tay rất nhỏ, khẳng khiu thì những con Nghê ở cổng đền chùa ở đây lại khác biệt hẳn với chân, tay to và vững chắc.. Cũng chẳng ngạc nhiên lắm, nếu các tượng Phật thời này ở Myanmar cũng có chân, tay rất to và chắc chắn như vậy. Tôi hơi băn khoăn vì các mũi của các tượng Phật ở đây, rất dài và nhọn. Có lẽ người Myanmar xa xưa có cái mũi cao và nhọn chăng?
Tác giả và các em nhỏ Myanmar dưới 1 quả chuông trong đền
Các ngôi Đền ở Bagan thường có các hành lang sâu và tối. Xung quanh các vách tường thường là các hốc, mỗi hốc có 1 tượng phật. Có hàng ngàn tượng như vậy trong các ngôi Đền. Ngôi Đền đẹp, nguyên vẹn và rộng nhất tại Bagan là đền Anada Pahto. Được xây dựng từ năm 1090 đến 1105 thì hoàn thành bởi đức vua Kyanzitha. Điểm nhấn của ngôi Đền này là ở giữa có tượng 4 Đức Phật to lớn nhìn ra 4 hướng. Mỗi bức tượng Phật đều được làm bằng 1 cây gỗ tếch, dát vàng và đặc biệt nếu nhìn xa thì các tượng Phật đều cười mỉm, nếu nhìn gần thì khóc. Chỉ có 2 bức tượng phía Nam và Bắc là còn nguyên bản, 2 tượng còn lại được làm lại các ngón tay do vụ cháy những năm 1600. Tay của Phật thường có tay trái ngửa ra, nghĩa là “Cho đi” hay “ban phát”. Tay phải có dấu hiệu chặn lại nghĩa là “Bảo Vệ”. Các tượng Phật ở Myanmar hầu hết đều có bộ mặt tươi cười, dái tai dài và rất to, chân tay to. Thậm chí nhiều bức tượng Phật có 3 vòng như một người mẫu thời hoàng kim. Gần như không có các tượng Phật cầm binh đao, Phật có bộ mặt dữ dằn hay thể hiện sự khổ hạnh như các chùa của nền văn minh Trung Hoa.
Bác nông dân đi chợ về với 1 ít rau phía sau chiếc xe truyền thống của
người Bamar với 2 con bò kéo
Các bức tranh tường cổ có mặt trên tất các bức tường trong ngôi đền, khá nguyên vẹn và khổng lồ. Hầu hết miêu tả cuộc sống của Phật và con người thời đó. Các bức tranh đều mô tả cuộc sống hạnh phúc, thanh bình. Điều đó chứng tỏ ở vùng đất hiện đang bị lãng quên này hàng ngàn năm trước, người dân ở vùng đất Vàng này có cuộc sống vô cùng sung túc trong một xã hội có nền văn hóa tâm linh phát triển rực rỡ. Vào Đền, người Myanmar đều thể hiện sự tôn kính bằng cách mua chút vàng lá và dát vào thân tượng. Và tôi cũng bày tỏ lòng tôn kính vô hạn với Đức Phật bằng cách mua một miếng giấy dát vàng trám lên mình tượng Phật…
Nhập đạo ở Bagan
Người Myanmar thường làm Lễ nhập đạo Phật cho trẻ em từ khi chúng khoảng 6-8 tuổi. Đó thực sự là 1 ngày hội của bọn trẻ. Tôi rất may mắn ghi lại được hình ảnh một Lễ nhập đạo tại cổng thành cổ đại, nơi ngăn cách giữa Old Bagan và New Bagan. Ngựa và bò, hai đại diện cho vật nuôi thân thiết của nông dân Myanmar, được trang điểm rất diêm dúa sẽ đưa các chú bé vào nhập chùa theo lễ nghi. Cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác của các cô cậu bé đều có mặt đông đủ. Các cô cậu nhóc được trang điểm khá cầu kỳ, ăn mặc như những công chúa và hoàng tử nhỏ. Các cầu vai áo và mũ được làm bằng tay hết sức cầu kỳ và đẹp mắt. Các bé được làm lễ sẽ ngồi trước cửa vị Phật trấn thành cổ và sau đó cưỡi những chú ngựa tuyệt đẹp, lên đường vào làm lễ tại Monastry. Các bố mẹ và gia đình đều ngồi trên những chiếc xe bò sặc sỡ đi theo. Họ mặc đẹp và hạnh phúc ra mặt.
Một cô gái ngồi đọc kinh cầu nguyện trong đền
Tôi xin nói thêm chút về các chú ngựa ở Bagan. Đầu tiên là chiếc xe ngựa mà tôi dùng để rong ruổi tại Bagan. Xà ích là một cậu nông dân, anh ta là con cả của 1 gia đình đông anh em. Cậu tâm sự cậu là “Leader của gia đình” vì với con ngựa trị giá 800 USD này, hàng ngày cậu có thể kiếm được số tiền khá để nuôi cả gia đình. Các cô ngựa cái có giá hơn các chú ngựa đực. Một cô ngựa giá khoảng 1200 USD. Vì ngựa cái ngoài việc kéo xe chở khách, tất nhiên chúng còn biết sinh đẻ. Chúng ta có thể phân biệt được ngựa đực hay cái đang kéo xe rất dễ dàng. Chỉ cần nhìn người “kỵ binh” lái xe ngựa xem tay họ có cái roi nào không. Mông các chú ngựa đực ở đây thỉnh thoảng bị quất còn mông các cô ngựa cái thì không bao giờ…
Tác giả tại một ngôi đền ở Bagan
“Hầu hết Người Myanmar nói tiếng Anh tốt do trước đây là thuộc địa của Anh. Sau khi dành độc lập, hệ thống giáo dục vẫn đào tạo tiếng Anh kể từ khi bước chân vào lớp 1.
Hiện VietnamAirlines có chuyến bay thẳng đi Yangoon, sau đó bạn nối chuyến bay đi Bagan bằng các hãng hàng không nội địa của Myanmar.
Nhà nghỉ, khách sạn ở đây khá rẻ, chỉ khoảng 45 USD/đêm trong một Resort khá đẹp. Ăn uống thì thực sự không hợp khẩu vị người Việt lắm.
Hiện người Việt Nam vẫn phải xin Visa khi vào Myanmar nhưng thủ tục rất dễ dàng, chỉ cần gửi Hộ Chiếu đến Đại sứ quán Myanmar tại Hà Nội hay Sài Gòn, sau 1-2 ngày là bạn có thể vác ba lô lên đường.”
___oOo___
Các tin tức khác
- Ngôi chùa hơn 500 năm tuổi, vững chắc dù không hề dùng đinh (11/03/2018 2:23)
- Ấn tượng chùa Ba Vàng ( 6/03/2018 2:45)
- Chùa Bái Đính sáng rực đèn về đêm ( 4/03/2018 9:34)
- TP.HCM: Rằm tháng Giêng, Phật tử thành kính hướng Phật ( 3/03/2018 10:00)
- Ngôi chùa đẹp như tranh ở ngoại ô Sài Gòn ( 1/03/2018 9:57)
- “Mỹ nhân ăn chay đẹp nhất Châu Á” Trương Thị May trải lòng cùng người khuyết tật, khiếm thị đầu năm mới (28/02/2018 10:33)
- Phật giáo Hàn Quốc: Chùa Tongdo (27/02/2018 8:43)
- Phim về Thiền sư Nhất Hạnh chính thức ra mắt tại VN (24/02/2018 10:53)
- Phật tử khắp thế giới đón năm mới Mậu Tuất (23/02/2018 10:51)
- Mồng 6 Tết: Khai đàn Dược Sư tại Việt Nam Quốc Tự (20/02/2018 1:39)