Quang cảnh của thành phố cổ Bagan lúc bình mình huyền diệu như thế!
Bình minh ở Bagan
Cũng như Campuchia được mệnh danh là “Đất nước của chùa tháp”, Miến Điện (Myanmar) cũng được vinh danh như thế. Mặc dù Bagan không nổi tiếng bằng Angkor Wat của Campuchia, Luxor của Ai Cập hoặc Machu Picchu của Peru, song Bagan cũng là niềm tự hào của đất nước vạn tháp này.
Bagan, trước đây gọi là Pagan, là một thành phố cổ nằm trong khu vực Mandalay của Miến Điện. Theo biên niên sử Miến, Bagan được thành lập vào thế kỷ thứ II TL và được củng cố trong 849. Tuy nhiên các học giả cho rằng Bagan được hình thành vào nửa sau thế kỷ thứ IX bởi người Mranma từ vương quốc Nanzhao đến lập nghiệp sinh sống nơi vùng đồng bằng châu thổ sông Irrawaddy.
Vùng đồng bằng châu thổ sông Irrawaddy
Bagan chìm trong sương sớm
Từ thế kỷ IX đến XIII, thành phố này là thủ phủ của vương quốc Pagan, vương quốc đầu tiên của Miến Điện. Từ 1044-1287, Bagan luôn đứng vững, là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế và văn hóa của đế quốc Pagan. Trong suốt 250 năm thịnh vượng, có hơn 10.000 di tích tôn giáo được kiến tạo, gồm khoảng 1000 bảo tháp, 10.000 ngôi tháp nhỏ và 3000 tu viện trong một diện tích 104 km2 trong vùng đồng bằng Bagan.
Quần thể kiến trúc đồ sộ tại Bagan
Nhiều chùa tháp lớn, tượng Phật và Bồ-tát, lối điêu khắc trong khu vực Bagan được thiết kế theo kiến trúc của vùng Andhra, phía đông nam Ấn Độ, đặc biệt là mô phỏng theo tháp Amaravati và di tích Nagarjunakonda. Một số chùa tháp nhỏ hơn được lấy mẫu từ kiến trúc Phật giáo Tích Lan. Quan sát từ tháp Bupaya (thế kỷ thứ IX) phát triển dần đến các chùa tháp ở các thể kỷ sau như Dhammayazika, Mingalazedi... cho thấy càng về sau, ảnh hưởng văn hoá nghệ thuật của bộ tộc Pyu mạnh mẽ hơn, các chùa tháp đều đi theo lối kiến trúc này. Tiếp sau đó Bagan chịu ảnh hưởng lối nghệ thuật kiến trúc bản địa của người Miến-Bagan.
Thời vàng son thịnh vượng chìm dần vào quá khứ
Thành phố Bagan một thời vàng son, thịnh vượng, có nhiều trung tâm học thuật, nghiên cứu về nhiều lãnh vực tôn giáo (đặc biệt khoa tâm lý học Phật giáo - Vi Diệu Pháp), triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, chiêm tinh học, y học, luật học và xã hội học, thu hút chư Tăng và sinh viên từ những nơi xa xôi như Ấn Độ, Tích Lan, cũng như các đế chế Khmer đến tham học. Vào thời điểm này, ba truyền thống Phật giáo - Đại thừa, Mật tông và Nguyên thuỷ cùng có mặt trên vùng đất này. Từ thế kỷ 11 trở đi, Phật giáo Nguyên thuỷ phát triển chiếm ưu thế hơn. Năm 1287, đế chế Pagan sụp đổ do quân Mông Cổ liên tục tràn sang xâm lược (1277 - 1301), trung tâm chính trị văn hoá Bagan cũng suy yếu dần, từ một thành phố trù phú có hơn 200.000 dân chúng, giờ bị thu gọn trong một thị trấn nhỏ bé và chỉ còn là nơi hành hương tâm linh cho tín đồ Phật tử.
Từ khoảng thể kỷ XV đến thế kỷ XIX, công trình chùa tháp cũng được xây dựng nhưng không nhiều như trước nữa. Có khoảng 200 ngôi chùa tháp được kiến tạo song cũng không sánh bằng các ngôi chùa cổ nổi tiếng trước đây như chùa Ananda, Shwezigon, Sumalani, Htilominlo, Dhammayazika,...
Trong số chùa tháp cổ, có rất nhiều chùa tháp bị xuống cấp, đổ nát, hư hoại do chiến tranh và động đất. Bagan, nằm trong khu vực động đất thường xảy ra, từ năm 1904 đến 1975 đã có hơn 400 trận động đất. Trận động đất lớn cuối cùng xảy ra vào ngày 08 tháng 07 năm 1975, lên đến 8 độ ricte ở Bagan, Myinkaba, và 7 độ ricte ở Nyaung-U. Trong lần động đất này tháp Bupaya bị huỷ hoại nghiêm trọng gần như không thể phục hồi. Chính phủ đã cho xây dựng lại một ngôi Bupaya mới dựa theo kích thước và kiến trúc cũ nhưng được mạ vàng. Nhiều chùa tháp đã được trùng tu sửa chữa vào giai đoạn 1752-1885. Hiện nay, trong quần thể Bagan này vẫn còn 2229 chùa tháp khá nguyên vẹn.
Quần thể Bagan là một công trình kiến trúc chùa tháp vĩ đại ở Miến Điện do các vị vua, hoàng tộc bảo trợ và người dân cùng nhau đóng góp công sức, kiến tạo nên. Một số công trình nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng phải kể đến, đó là chùa Ananda, Shwezigon, Thatbyinnyu, Dhamma-Yangyi.... Chùa Ananda là một trong những ngôi chùa rộng lớn nhất và được bảo quản tốt nhất trong khu vực Bagan. Chùa do vua Kyansittha kiến lập vào năm 1105, biểu tượng “Trí tuệ vô thượng của Đức Phật”. Đây là một tuyệt tác nghệ thuật của nhân loại. Chùa được làm bằng đá, có kiến trúc theo hình thập tự, trung tâm là khối lập phương, bốn mặt có bốn tượng Phật đứng, cao 10m, hướng theo bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Ngắm nhìn tượng Phật với đường nét uy nghiêm khiến người đến đây ngẩn ngơ bội phục trước công trình vĩ đại như thế và phủ phục trước lòng mộ đạo của người xưa. Khối kiến trúc vươn lên, trên cùng là các đỉnh nhọn thon vút búp măng, gọi là shikhara. Mặt tường phía ngoài có các bức tranh ghép bằng gạch men bóng pha màu minh hoạ các tiền thân của Đức Phật theo “Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jataka)”.
Chùa Ananda
Một trong 4 tượng Phật chính tại chùa Ananda
Hành lang chùa Ananda
Chùa Shwezigon do vua Anawrahta khởi công kiến tạo và hoàn tất vào đời vua Kyansitta, năm 1087. Đây là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến và cũng là công trình kiến trúc mẫu cho các công trình chùa viện sau này trong nước và trên thế giới. Mái vòm chùa dát vàng, các hạt kim cương nhỏ đính theo đường viền tròn, 4500 viên kim cương kết thành quả cầu xinh xắn trên đỉnh, và trên tận cùng là viên kim cương 78 carat. Xá lợi răng của Đức Thế Tôn được tôn trí tại đây nên chùa được xem là nơi cầu nguyện vô cùng linh ứng, thiêng liêng.
Chùa Shwezigon
Phù điêu Jataka được điêu khắc tại Shwezigon
Kiến trúc đặc sắc của Shwezigon
Chùa Thatbyinnyu là ngôi chùa cao nhất trong quần thể chùa tháp Bagan với độ cao 66m. Khoảng giữa thế kỷ 12, vua Alaungsithu cho xây dựng ngôi chùa này. Công trình gồm 4 tầng chính với lối kiến trúc nguy nga, tuyệt đẹp. Ngoài ra nơi đây còn lưu lại nhiều họa phẩm trên trần, tường rất đẹp.
Thatbyinnyu - ngôi chùa cao nhất trong quần thể chùa tháp tại Bagan
Chùa Dhammayangyi được vua Narathu cho xây dựng vào năm 1170. Đây được xem là ngôi chùa bằng gạch đồ sộ nhất ở Bagan
Dhammayangyi - ngôi chùa cổ bằng gạch độ sộ nhất trong quần thể chùa tháp tại Bagan
2 tượng Phật tại chùa Dhammayangyi
Bên cạnh bốn ngôi chùa đặc sắc này, Bagan còn rất nhiều chùa, tháp uy nghiêm, tráng lệ như là chùa Dhammayazika, Htilominlo, Manuha, Shwegugyi, Gawdawpalin, Bupaya,Tayok Pye, Pyathatgyi, Leimyathna, Petleik v.v…
Dhammayazika là một ngôi chùa được xây bằng gạch với kiến trúc 3 tầng hình tròn với 5 mặt, mỗi mặt đều có tạc hình đức Phật. Trên các bậc thang từ tầng cao nhất đến tầng nền được trang trí 550 bức phù điêu với nội dung là các câu truyện trong Jataka. Theo sử liệu ghi lại rằng, năm 1197, đức vua Narapatisithu được nhận 4 viên xá lợi từ vua Srilanka. Sau đó, vào năm 1198, nhà vua xứ này đã xây dựng một ngôi chùa vĩ đại để tôn trí xá lợi của đức Thế Tôn.
Chùa Dhammayazika
Một trong 5 lối vào Dhammayazika
Các bức phù điêu Jataka
Tượng Phật được tôn trí bên trong Dhammayazika
Htilominlo là một ngôi chùa nằm ở Bagan, được xây dựng vào triều đại vua Htilominlo (còn được gọi là Nandaungmya) năm 1211. Ngôi chùa được xây dựng bằng gạch đỏ có ba tầng, cao 46 mét. Nơi đây nổi tiếng bởi những bức tường được trang trí hoa văn bằng thạch cao một cách công phu. Trên tầng đầu tiên của ngôi chùa, tôn trí bốn vị Phật mặt hướng ra bốn hướng. Ngôi chùa bị hư hại trong trận động đất năm 1975 và sau đó sửa chữa.
Chùa Htilominlo
Bên trong Htilominlo
Theo bia ký của vua Manuha, Manuha là một ngôi chùa được xây dựng tại làng Myinkaba (nằm gần Bagan), bởi thủ lĩnh dân tộc Mon - Vua Manuha vào năm 1067. Đây là một tòa kiến trúc hình chữ nhật gồm hai tầng. Tòa kiến trúc này bao gồm ba pho tượng Phật trong tư thế ngồi và một tượng Phật nhập Niết Bàn. Chùa Manuha là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bagan.
Chùa Manuha
Tượng Phật nhập Niết-bàn tại chùa Manuha
Shwegugyi là một ngôi chùa được xây dựng vào triều đại vua Alaungsithu vào năm 1131. Ngôi chùa được xây dựng trên một nền gạch rộng, cao 3 mét. Chùa nổi tiếng với kiến trúc uốn cong mềm mại của những khung cửa sổ. Toàn bộ lịch sử của ngôi chùa được khắc bằng tiếng Pali trên hai phiến đá. Theo thông tin được ghi chép trên 2 tấm đá này, ngôi chùa được hoàn thành sau bảy tháng.
Chùa Shwegugyi.
Gawdawpalin tọa lạc tại Bagan. Ngôi chùa bắt đầu được xây dựng vào triều đại Narapatisithu (1174-1211) và hoàn thành vào ngày 26 tháng 3 năm1227 (triều đại Htilominlo (1211-1235)). Gawdawpalin là ngôi chùa cao thứ hai ở Bagan. Bố cục ngôi chùa này cũng tương tự như bố cục chùa Thatbyinnyu. Gawdawpalin là tòa kiến trúc hai tầng bao gồm ba bậc thang dưới và bốn bậc thang trên. Ngôi chùa đã bị hư hỏng nặng nề trận động đất năm 1975 và đã được xây dựng lại vào năm sau. Gawdawpalin được xây dựng theo phong cách kiến trúc rỗng. Khác với các ngôi tháp, loại kiến trúc này thích hợp cho việc thiền định, thờ phượng và diễn ra các nghi thức Phật giáo.
Chùa Gawdawpalin
Cửa vào Gawdawpalin
Bupaya là một ngôi chùa nổi tiếng tại Bagan nằm bên phải dòng sông Ayeyarwady uốn cong thơ mộng. Ngôi chùa nhỏ trở nên đặc sắc với kiến trúc mái vòm hình củ hành được xây dựng vào triều đại vua thứ 3 của xứ sở Pagan - vua Pyusawdi (168 - 243). Đây được xem là ngôi chùa nổi tiếng nhất trong hàng ngàn ngôi chùa đổ nát tọa lạc khoảng 140 km phía nam Madalay. Ngôi chùa nguyên thủy bị hủy hoại hoàn toàn bởi trận động đất năm 1975. Trần động đất làm cho kiến trúc mái vòm củ hành của ngôi chùa vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống sông. Sau đó chùa được phục chế với kiến trúc thượng tầng được mạ vàng, tuy nhiên lần phục chế này không tuân thủ kiến trúc nguyên thủy là mấy.
Ngôi chùa Bupaya nguyên thủy (ảnh chụp năm 1868)
Ngôi chùa Bupaya ngày nay
Tayok Pye là một ngôi chùa rộng nằm tại Minnanthu, Bagan. Nó được xây dựng bởi vua Narathihapate (1256-1287) nhằm đánh kỷ niệm sự kiện ông thoát khỏi cuộc xâm lăng của quân đội Mông Cổ. Đây là một một trong những ngôi chùa được trang trí bằng vôi vữa được xem là tốt nhất tại vùng Minnanthu. Người dân có thể đứng tại ngôi chùa này ngắm mặt trời lặn tại Bagan.
Chùa Tayok Pye
Phần trang trí mái vòm lối vào bên trong Tayok Pye
Phù điêu chư Thiên cùng các họa tiết độc đáo được trang trí tại chùa
Pyathadar (hay Pyathatgyi) là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo, vị đại bậc nhất được xây dựng vào cuối triều đại Pagan tại Bagan.
Chùa Pyathatdar (Pyathatgyi)
Tôn tượng đức Phật bên trong ngôi chùa
Chùa Leimyathna, chùa Bốn Mặt được xây dựng bởi đức vua Htilomino và hoàng hậu Anantasura. Ngôi chùa có 4 lối vào từ 4 hướng. Lối vào chính được nối dài bằng một hội trường từ phía đông. Ngôi chùa tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật kiến trúc mới. Anantasura người thực hiện công trình được ngợi khen bằng một bài thơ nổi tiếng bởi người tiền nhiệm Ananthathurya - người trực tiếp thi hành chỉ thị xây dựng từ đức vua. Leimyathna là một trong những công trình hiếm hoi được bảo tồn một cách gần như trọn vẹn. Nơi đây vẫn còn một Thiền đường, một Pháp đường, các phòng dành cho các vị Trưởng Lão và Tăng xá dành cho chư Tăng. Điều đáng tiếc duy nhất về công trình này là nó đã bị dân địa phương thiếu ý thức sơn lại bằng vôi trắng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công trình nghệ thuật này mà tiêu biểu nhất là ảnh hưởng đến các phù điêu mô tả 28 tiên thân của đức Phật tổ Gotama.
Chùa Leimyathna
Các tượng Phật được tôn trí trong chùa Leimyethna
Hai ngôi chùa Petleik Ashe (Đông) và Petleik Anauk (Tây). Được xây dựng bởi vua Anawrahta vào thế kỷ 11. Hai ngôi chùa đều giống nhau về kiến trúc, nhưng ngôi chùa phía Đông nổi tiếng lớn hơn so với cái còn lại. Petleik có nghĩa là "lá cuộn", tên gọi này lý giải cho kiến trúc mái vòm được xây dựng mô phỏng như được chiếc lá bao bọc.
Chùa Petleik Đông
Chùa Petleik Tây
Ngoài ra còn các ngôi chùa khác như Payathonzu,Seddana, Sinphyushin,Thitsawadi, Winido.
Chùa Payathonzu
Chùa Seddana
Chùa Sinphyushin
Chùa Thitsawadi
Chùa Winido
Năm 1990, chính phủ tài trợ cho việc phục hồi nhiều chùa tháp ở Bagan, phục vụ cho ngành du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên trong việc sửa chữa phục hồi này, các nhà sử học nghệ thuật và những người làm công tác bảo tồn văn hoá cổ không mấy hài lòng. Bởi vì việc phục hồi này phần lớn sử dụng vật liệu hiện đại, lại không giữ lại được phong cách kiến trúc ban đầu, có khuynh hướng áp dụng tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện đại. Chính phủ lại còn làm sân golf, đường cao tốc trải nhựa, và xây dựng một tháp canh cao 61m trong khu vực này. Họ cho rằng nơi đây vẫn còn rất nhiều chùa tháp cổ kính, nhiều phù điêu, chữ viết cổ lưu lại trên tường tháp đủ chứng minh niên đại lâu xa của một nền văn minh cổ sẽ được Tổ chức UNESCO công nhận đây là di sản văn hoá thế giới. Song sự thật lại không phải vậy. Việc làm thiếu thận trọng này phải chịu trả cái giá của nó. Chính sự pha trộn đường nét kiến trúc và những công trình hiện đại đã làm cho Bagan chưa đủ sức thuyết phục Tổ chức UNESCO công nhận đây là một di sản văn hoá của thế giới.
Pierre Pichard, một viện sĩ người Pháp thường viếng thăm Bagan vào thập niên 1980 và 1990 để phân loại, liệt kê các công trình kiến trúc ở đây đã nói rằng, “Hầu hết những ngôi chùa tháp được ‘sửa chữa’ lại không phải là phục hồi theo kiến trúc nguyên thuỷ mà là bắt chước theo kiến trúc của một số chùa tháp còn nguyên ven. ‘Kết quả là nhiều chùa tháp giống nhau y đúc.’
Sun Oo, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Kiến trúc sư Miến Điện cũng xác nhận “Việc tân trang tái tạo đã mang lại kết quả - nhiều ngôi chùa tháp ‘không còn giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật gì của riêng chúng nữa’.”
Donald Stadtner, chuyên viên về kiến trúc và nghệ thuật Miến Điện cổ lộ rõ vẻ lo lắng: “Miến Điện là một quốc gia có chủ quyền, có thể làm theo sở thích đối với những di tích này, song thật không hy vọng gì cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ cho việc phục hồi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực khảo cổ học.”
Bagan - niềm tự hào của "Đất nước vạn tháp".
Quần thể chùa tháp Bagan đã và đang thay đổi song nó vẫn còn là Bagan, vẫn là niềm tự hào của “Đất nước vạn tháp.” Đây là sự kỳ diệu và bình dị của Miến Điện. Trong khi thế giới bên ngoài sôi động phát triển, con người hối hả làm việc như chạy đua với thời gian, những bước chân vội vã như chạy cho bắt kịp nhịp sống, quán ăn nhanh phục vụ trên khắp phố thị, thì nơi đây một Bagan trầm tư, khép rèm, tĩnh lặng, một Miến Điện đóng cửa bao nhiêu thế kỷ qua. Nam giới vẫn quấn longyi, phụ nữ vẫn thoa phấn thanaka như vẽ hoa trên mặt, chư Tăng mang bát khất thực trong thành mỗi sáng....
Các tin tức khác
- Tù nhân Mỹ tập thiền (15/07/2013 9:29)
- Brazil huấn luyện cảnh sát theo phương thức của Phật giáo (13/07/2013 10:14)
- Chùm ảnh: Bồ Đề Đạo Tràng sau ngày bị đặt bom khủng bố (13/07/2013 1:53)
- Phật Giáo được công nhận là tôn giáo vĩ đại thế giới (12/07/2013 10:36)
- Buổi tọa đàm của GS. Ngô Bảo Châu tại chùa Hoằng Pháp ( 9/07/2013 4:32)
- Ấn Độ: Đại tháp Giác Ngộ bị đánh bom khủng bố ( 8/07/2013 11:08)
- Tiếp tục “tiếp sức” thí sinh thi đợt 2 ( 8/07/2013 5:31)
- Phật giáo "tiếp sức" cơm cho thí sinh ( 6/07/2013 1:56)
- Hãng Thông Tấn CNN (Mỹ) giới thiệu Làng Mai ( 5/07/2013 3:38)
- Đôi nét về khóa tu Sư Ông năm nay tại EIAB ( 1/07/2013 9:18)