Understanding our emotions (Khóa tu tiếng Hòa Lan, 04-09.06.2013)
Khởi động
Từ sáng ngày 4.6.2013 gần 500 thiền sinh đã về Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu để bắt đầu cho khóa tu tiếng Hòa Lan. Ngoài trời nắng vàng tươi, giòn tan. Chúng tôi nói với nhau “không chỉ thiền sinh mà nắng xuân cũng arrive (tới) với mình nữa”.
Hai bên đường vào chùa Đại Bi là hai dãy bàn information (thông tin hướng dẫn) của ban ghi danh. Đón khách không chỉ có ban ghi danh, ban tri khách mà còn có rất nhiều các thầy, sư cô khác sau khi xong việc ban- tri của mình cũng có mặt dể yểm trợ, hướng dẫn và cung cấp những thông tin cần thiết cho thiền sinh như phòng ở, đường đi, thời khóa, các địa điểm pháp đàm, pháp thoại, nhà ăn, bàn trà... Rất nhiều thiền sinh cảm nhận một tình thương ấm áp khi được các thầy, các sư cô tiếp đón ân cần, chu đáo như vậy.
Sau vài năm tăng thân có mặt và tu học tại Đức, đến nay quý thầy và quý sư cô thường trú tại Học viện đã có thể nói chuyện bằng tiếng Đức với các bạn thiền sinh một cách lưu loát. Điều này khiến không khí khóa tu càng thêm thân mật.
Mặc dù khóa tu tiếng Hà Lan nhưng rất đông người Đức tham dự, mặt khác rất nhiều người Hòa Lan cũng nói và hiểu được tiếng Đức. Vì vậy trong khóa tu chúng ta có thể lắng nghe được nhiều cuộc trao đổi bằng tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, tiếng Anh và không ít quý cô chú người Việt rất thích nói tiếng Việt với quý thầy, quý sư cô.
Bữa cơm trưa Việt Nam đầu tiên dành cho các bạn thiền sinh khá thú vị. Đại chúng được ngồi dưới bãi cỏ với ánh nắng vàng trong không khí se se mát dịu của mùa xuân và thưởng thức đĩa cơm Việt. Có những bạn thiền sinh quá thích đã khất thực một đĩa thật đầy để tận hưởng trong chánh niệm. Sau đó mọi người còn được đội nấu ăn hôm đó đãi món chè đậu đỏ thật là ngon để tráng miệng.
Thời khóa chung đầu tiên dành cho các gia đình pháp đàm là buổi cơm chiều sau khi đã đón đông đủ thiền sinh. Pháp môn đầu tiên các bạn thiền sinh được thực tập chung với nhau là thiền ăn. Sau ba tiếng chuông và Năm lời quán nguyện trước khi ăn, chủ tọa gia đình pháp đàm mời đại chúng ăn cơm trong im lặng 20 phút đầu tiên.
Sau đó thì mọi hoạt động làm quen trong mỗi gia đình đều được khởi động, những trò chơi nhằm giới thiệu và lưu nhớ tên của nhau rất sinh động. Có vài thành viên trong một số gia đình được hát chúc mừng nhân dịp trùng ngày sinh nhật.
Trong khóa tu, mỗi gia đình đều nhận một trách nhiệm, có gia đình tham gia rửa dọn, có gia đình tham gia chăm sóc thiền đường, có gia đình chăm sóc phần chuyển hóa rác, khử trùng, làm vệ sinh…Các bạn cộng tác viên (staff) của mỗi gia đình cùng quý thầy, quý sư cô tri sự trong gia đình hướng dẫn thiền sinh đóng góp sự thực tập làm việc chánh niệm của mình cho tăng thân từ 15g đến 16g mỗi ngày trước khi thời khóa pháp đàm bắt đầu lúc 16g30.
Buổi tối, 19g30 có hướng dẫn tổng quát cho thiền sinh tại thiền đường chính. Như tiếng vang lên cộng hưởng với tiếng chuông gia trì trầm hùng. Thầy Pháp Ứng cùng Pháp Xả, sư cô Sáng Nghiêm hướng dẫn bằng tiếng Hà Lan. Đại chúng rất hạnh phúc khi nhận được sự trao truyền từ Sư Ông qua quý sư cha lớn trong tăng thân trong phần việc thiêng liêng này. Qua các vị, đại chúng nhìn thấy sự trao truyền rất rõ từ sư ông nên rất là hạnh phúc.
Tâm Yên
Mưa pháp thấm nhuần
Thời tiết ưu đãi là một trong những nhân tố góp phần cho hạnh phúc chung của cả khóa tu này. Năm nào cũng vậy, các bạn thiền sinh Hòa Lan mang đến cho Học viện không khí hiền hòa, chân quê, một cái gì đó rất nhẹ nhàng với những bó hoa cẩm chướng vượt qua gần mười tiếng đồng hồ để có mặt trong mỗi gia đình pháp đàm.
Buổi sáng Waldbröl đẹp như tranh vẽ với những gương mặt rạng rỡ, những bước chân tỉnh thức của các bạn thiền sinh và của hàng trăm vị xuất sĩ. Mỗi ngày qua đi như dòng chảy êm nhẹ với ngồi thiền, đọc kinh, ăn sáng, pháp thoại, thiền hành, thiền buông thư, pháp đàm (hoặc thiền trà). Buổi tối có ngồi thiền, tụng kinh hoặc chia sẻ, thuyết trình về pháp môn làm mới hoặc về năm giới.
Trước mỗi buổi pháp thoại đều có tụng kinh tiếng Anh hoặc tiếng Hòa Lan. Những bài pháp thoại của Sư Ông chia sẻ về chủ đề hiểu biết những cảm thọ của chúng ta. Sư Ông đã chia sẻ rất sâu về tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), những tình huống thực tế trong đời sống gia đình, trong quan hệ bạn bè, công việc, vì sao có những đổ vỡ không đáng từ những việc nhỏ nhặt.
Trong một bài pháp thoại, Sư Ông truyền cảm hứng cho thính chúng về tình thương yêu đích thực (true love) để buổi vấn đáp hôm sau trở nên rất sinh động, những khúc mắc được sẻ chia và tháo gỡ. Nhìn lên tôi thấy có tới gần 20 bạn thiền sinh lên ngồi để đặt câu hỏi.
Sau buổi đó rất nhiều thiền sinh được thấm nhuần và mong muốn tìm hiểu, thực tập cái gọi là tình yêu thương đích thực. Nhiều vị vào thư quán tìm quyển Teaching On Love. Có vị rất dễ thương, biết cả tiếng Anh và tiếng Đức, khi sách tiếng Anh hết thì cũng chịu khó mua sách tiếng Đức về. Họ chia sẻ với một sư cô trong thư quán rằng “bài pháp thoại sáng nay của Thầy đánh động mình rất nhiều, mình đang có một khó khăn nhỏ với người bạn của mình. Mình đang muốn học cách làm sao để làm hòa với bạn ấy.”
Tham vấn với Sư Ông
Sẻ chia như trong một gia đình
Nếu bạn tham dự vào những gia đình gia đình pháp đàm, bạn sẽ thấy rõ năng lượng chuyển hóa của các bạn thiền sinh sau mấy ngày tu tập cùng tăng thân. Ngày đầu, các bạn chia sẻ còn có phần ngại ngùng, đến ngày thứ hai rất nhiều cảm xúc vỡ òa.
Không khí qua mỗi ngày trở nên gần gũi thâm tình hơn, có sư cô người Myanma (đến từ truyền thống Tây Tạng) cũng nói thật những khổ đau trước khi cô đến với khóa tu này, rằng tuy cô đi tu đã lâu nhưng bố của cô vẫn chưa đồng ý, bố rất muốn cô theo đuổi con đường sự nghiệp, học hành thế tục.
Có lần từ chùa về thăm nhà, cô đã bị bố la mắng rất nặng. Cô không biết làm gì hơn ngoài việc im lặng và khóc. Đây là lần thứ hai cô tới với Học viện dự khóa tu, cô rất muốn bố cùng đi với cô để thực sự cảm nhận đời sống tu tập. Thuyết phục mãi nhưng bố vẫn không chịu đi. Cô rất biết ơn tăng thân đã cho cô cơ hội thực tập, trở về với chính mình, lắng nghe thật sự những khó khăn trong mình để từ từ chuyển hóa.
Trong một tiếng rưỡi pháp đàm, hầu hết các bạn thiền sinh chia sẻ không ít hơn hai lần. Sự thấu hiểu không chỉ qua ngôn ngữ mà còn bằng sự lắng nghe không điều kiện nhất là vơi sự có mặt của các thầy các sư cô trong mỗi gia đình.
Một thầy trẻ trong gia đình pháp đàm của tôi chia sẻ là thật sự khi mới thực tập thầy“chưa cảm thấy dễ dàng lắm khi lắng nghe khó khăn từ người khác nhưng từ từ sau này thầy hiểu ra có thể mình chưa giỏi tiếng Anh nhưng mình chịu có mặt, chịu lắng nghe người khác chia sẻ thì cũng giúp mình hiểu hơn và thông cảm với những khổ đau của họ.”
Chủ tọa của gia đình thường góp một phần khá quan trọng trong việc đem năng lượng tới cho buổi pháp đàm. Một vị chủ tọa khéo có thể làm cho không khí trở nên tự nhiên, cởi mở như trong một gia đình thật sự. Thí dụ như sư cô Định Nghiêm. Sư cô đã mời quý thầy, quý sư cô khác thỉnh chuông, gợi ý cho các bạn thiền sinh chia sẻ bằng những câu hỏi cụ thể như: “Hôm nay bạn cảm thấy như thế nào?” hay “Mời bạn chia sẻ một chút về hạnh phúc hiện tại của bạn.” Sư cô còn gây cảm hứng bằng cách mời mọi người tham gia trò chơi thỉnh chuông và lắng nghe hơi thở của chính mình.
Buổi sáng ngày cuối khóa tu có buổi lễ thọ năm giới. Có khoảng hai phần ba số thiền sinh tham dự khóa tu đăng ký tiếp nhận năm sự hành trì căn bản của người thực tập.
Khóa tu kết thúc với những vòng tay ôm hạnh phúc, ước muốn mang những gì đã học hỏi, trải nghiệm và thực tập trong khóa tu về lại nhà cùng với mong muốn sang năm được trở về Học viện.
Kết thúc khóa tu - Cùng nhau hát "Không đi đâu cũng không cần đến"
Are you sure? (Khóa tu tiếng Đức, 11-16.06.2013)
Nghe dự báo thời tiết là tuần này sẽ mưa nên quý thầy quý sư cô dành thời gian chăm sóc lại địa điểm của những gia đình pháp đàm ngoài trời. Và đa phần ai cũng chuẩn bị tâm lý đón một tuần mưa. Dường như Chư tổ thương nên trời vẫn ấm, không mưa nhiều. Tôi nghĩ thầm “chắc mình cũng phải hỏi lại “bist du sicher?” (are you sure?) về những gì mình nghe, mình thấy, mình cảm như qua chuyện dự báo thời tiết cho tuần này vậy”.
Những khâu chuẩn bị đón khách, sắp xếp những việc cần thiết cho khóa tu lần này diễn ra nhịp nhàng như khóa tu tuần trước. Nhiều thiền sinh hạnh phúc khi thấy trời ấm và quý thầy quý sư cô luôn tươi mát, chu đáo.
Được biết đến thời điểm sắp đóng sổ ghi danh thì chỉ có khoảng hơn 500 thiền sinh đăng ký. Tuy nhiên, qua trao đổi với những người bạn đã từng dự khóa tu cũng như theo dõi thông tin trên mạng, rất nhiều người khác sau đó đã ghi danh, nâng số người tham dự lên đến 700, tương đương với năm ngoái.
Năm nay các em nhỏ về dự khóa tu rất ít nên không có chương trình dành cho trẻ em, có lẽ do thời điểm này các em chưa nghỉ hè. Người trẻ thì có mặt khá đông với nhóm Wake-up từ khóa tu Hòa Lan. Các bạn trẻ này cũng dự phần tích cực vào việc làm cộng tác viên, giúp hướng dẫn công việc cho thiền sinh.
Cũng nói thêm, đến với khóa tu tiếng Đức năm nay có rất nhiều thiền sinh đã tới dự nhiều khóa nên các bạn có thể tự mình xách hành lý về phòng ở không cần nhọc công quý thầy quý sư cô tri khách hướng dẫn.
Ấn tượng đầu tiên của các vị là tháp chuông cao vút, hùng tráng với giọng hô chuông đại hồng thuần túy Việt Nam. Nhiều vị vừa đến Học viện chưa vội vào bàn ghi danh lấy bảng tên và thông tin ngay mà để dành thời gian dạo quanh vườn Bụt, ngắm Bụt, ngắm tháp chuông trước.
Tất cả mọi thời khóa sinh hoạt trong khóa tu này cũng tương tự như khóa tu trước. Trong khóa tu Hòa Lan Sư Ông chia sẻ về những cảm thọ có trong mỗi người và cách áp dụng giáo lý, những thực tập đạo Bụt để nhận diện, chuyển hóa, học cách chăm sóc cảm thọ bằng năng lượng chánh niệm và thực tập con đường hiểu thương. Trong khóa tu tiếng Đức này Sư Ông lại tập trung vào đề tài tiếp xúc với tri giác của mỗi người trong suốt quãng đời từ thời thơ ấu, gia đình, môi trường và xã hội.
Thiền sinh được học cách sử dụng năng lượng chánh niệm như công cụ để nhận diện những tri giác ấy, rằng nó là gì. Họ còn được học cách nhận diện những tri giác sai lầm để thoát khỏi tình trạng hiểu lầm, khổ đau. Sư Ông cũng nhấn mạnh về tính chất không có không không, bất sinh bất diệt, không đi không đến của những sự vật hiện tượng thông qua những suy tưởng của con người qua ví dụ đám mây. Thính đường càng sinh động hơn khi Sư Ông thắp lên que diêm để nó cháy tự nhiên và tự tắt đi, cũng một cách tự nhiên.
Thiền sinh Đức đã mang đến khóa tu năng lượng thân mật, cởi mở qua những buổi làm việc, chia sẻ pháp đàm. Hầu hết trong mỗi gia đình pháp đàm đều có ít nhất hai vị xuất sĩ nói và hiểu được tiếng Đức. Thiền sinh cũng chia sẻ có nhiều hạnh phúc hơn năm ngoái, một phần cũng vì được tiếp xúc nhiều với các thầy các sư cô trẻ nói thông thạo tiếng Đức. Những thiền sinh mới tới lần đầu cũng được sự nâng đỡ của các cô các chú trong nhóm tăng thân Waldbröl đã thực tập lâu với tăng thân.
Năng lượng tu tập tinh chuyên của các bạn thiền sinh nuôi dưỡng cho các vị xuất sĩ rất nhiều. Quý vị luôn dự mọi sinh hoạt đúng giờ, miên mật, những buổi pháp thoại luôn đầy chỗ, nhiều thầy, sư cô phải ngồi ở dãy ghế bên ngoài thiền đường. Thiền sinh rất thích đọc sách của Sư Ông, nhất là những sách nói về những pháp môn căn bản, những thực tập cần thiết áp dụng vào đời sống hàng ngày như Achtsamkeit mit Kindern (Chánh niệm cho trẻ em), Nimm Das Leben Ganz In Deine Arme (Cho cuộc sống bạn có nhiều tình thương), Fünf Weg Zum Glück (Năm con đường đưa tới hạnh phúc), Geh Meditation (Thực tập thiền hành), Ich Pflanze Ein Lächeln (Tôi trồng một nụ cười), Und Ich Bluhe Wie Die Blume (Và tôi nở ra như một đóa hoa - sách hướng dẫn những bài tập trong lúc ngồi thiền)…
Khóa tu kết thúc vào ngày 16.6 với lễ truyền năm giới và pháp thoại. Chiều cùng ngày Sư Ông và một số thầy, sư cô rời Học viện, về lại Làng.
Togetherness one - Cúp bóng đá của tình anh chị em
Cũng như khi đến, lúc về lại Làng quý thầy quý sư cô cũng chia ra ba đợt. Đợt đầu về cùng Sư Ông chiều ngày 16, đợt hai về ngày 18 để chuẩn bị cho khóa tu ở Paris và đợt ba về ngày 20.6. Những thầy những sư cô về đợt ba thì có thêm thời gian cùng chơi, cùng phụ giúp quý thầy, sư cô Học việc chấp tác, dọn dẹp sau khóa tu.
Theo chương trình thì ngày 18, 19.6 là hai ngày chơi trong nội chúng xuất sĩ. Chiều ngày 18, cúp bóng đá Togetherness One được các thầy các sư cô hết lòng tham dự. Quy mô giải khá chuyên nghiệp với ban tổ chức đã nhiều lần tổ chức giải bóng trong chùa Làng. Có cúp luân lưu hẳn hoi. Có các đội bóng, bình luận viên, nhóm cổ động viên và nhóm hậu cần chăm sóc sức khỏe. Những chân sút điêu luyện lại có cơ hội lướt trên sân cỏ như thầy Pháp Ứng, thầy Kai-li, thầy Pháp Đại…
Vì là Togetherness One nên tất cả đều là một. Tất cả đều chiến thắng, đều có giải thưởng bởi cơ cấu giải thưởng khá phong phú dành cho cầu thủ và cổ động viên như giải chơi hòa hợp, chơi thiền, fair play, cầu thủ xuất sắc nhất, cổ động viên nhiệt tình, dễ thương… Có lẽ giải thưởng lớn nhất đó là phẩm chất hạnh phúc, là tình huynh đệ của chúng xuất sĩ qua một khóa tu lớn cùng chung vai, chung sức luôn có mặt yểm trợ hết lòng cho nhau, không phân biệt sư anh là từ Làng qua, sư em là người tại Học viện.
Tất cả đều hiến dâng tâm sức cho ngôi nhà chung.
Khóa tu nối tiếp khóa tu, sau khóa tu này các sư anh sư chị sư em của tôi về lại Làng nghỉ ngơi vài ngày rồi chuẩn bị cho những sự kiện liên tiếp như open house, khóa tu mùa hè. Và tôi đang ngồi đây, nơi khung cửa sổ tràn ngập nắng xuân ấm áp để note lại đôi dòng và cũng để cảm nhận dòng sống đang chảy trôi.
Chuyên Nghiêm
Cũng gay cấn lắm đấy chứ!!!
Cúp Togetherness
Lửa trại
Theo Làng Mai
Các tin tức khác
- Nơi tọa lạc nhiều chùa nhất Việt Nam (29/06/2013 10:59)
- Công trình vô giá của Phật giáo và nhân loại (27/06/2013 3:07)
- Ban Tăng sự TP.HCM họp bàn công tác Đại Giới Đàn Quảng Đức (25/06/2013 11:46)
- BTS GHPGVN TP.HCM: Hội nghị sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2013 (25/06/2013 2:39)
- Các tượng Phật tại Bamiyan, Afghanistan (22/06/2013 11:39)
- Tiếng chuông chùa giữa trùng khơi (21/06/2013 3:39)
- Trung ương Giáo hội họp bàn việc đăng cai Đại lễ Vesak 2014 (14/06/2013 12:03)
- Thay đổi thời gian tổ chức Đại giới đàn Quảng Đức (12/06/2013 11:05)
- Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tuyển sinh khóa X ( 7/06/2013 5:32)
- “Sức hút” của Đức Dalai Lama tại Hoa Kỳ ( 6/06/2013 10:23)