Nằm ẩn sâu trong khu rừng rậm hoang vu của cao nguyên Deccan ở Ấn Độ. Trong suốt một thời gian dài hang động này đã bị lãng quên hoàn toàn. Năm 1819 một nhóm người Anh đã tình cờ phát hiện ra hệ thống hang động Ajanta. Có thể nói quần thể hang động Ajanta là di tích quý giá đại diện cho thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo tại Ấn Độ.
Tọa lạc ở lưng chừng núi, bên dưới hang động là dòng sông Waghora uốn khúc. Hang động Ajanta được bố trí theo dạng hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m. Di tích hang động Ajanta có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự. Quần thể hang động Ajanta không được tạo dựng trong một thời kỳ liên tục nên các nhà nghiên cứu phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng. Cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu thế kỷ II trước Công nguyên gồm hang số 8,9,10,12,13,15 mang nhiều màu sắc của Phật giáo nguyên thủy.
Cụm hang sau được xây dựng vào thế kỷ V, mang màu sắc Phật giáo mới và một số hang vẫn đang dang dở chưa được hoàn tất. Mặc dù còn nhiều chỗ chưa hoàn thiện nhưng chùa hang vẫn là một trong những công trình lớn được tạo ra do bàn tay của con người. Một trong những điểm đặc biệt của quần thể hang động này chính là một số lượng khổng lồ những bức tượng điêu khắc về đạo Phật. Đây được coi là những tác phẩm hội họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ.
Tất cả các ngôi chùa hang Ajanta đều được tạo tác bằng cách đục khoét sâu vào lòng đá. Mặt ngoài, mỗi ngôi chùa thường có khoảng 20 cột đá đục đẽo liền từ núi đá nguyên thủy, rồi chạm khắc, trang trí công phu. Bước qua hàng hiên là tới đại sảnh, hai bên có hai dãy trai phòng, nơi cư ngụ của các nhà sư. Người ta đục đá tạo tác bàn thờ lớn từ giữa hang chùa đến đáy hang chùa. Chính bởi phải cắt đục lòng núi để tạo thành chùa nên mới gọi là chùa hang. Có những ngôi chùa rất lớn như chùa hang 16, gian hành lễ rộng đến 400m2 được đục khoét một cách vuông vức. Việc xây dựng các chùa hang này cũng có sự khác nhau rất lớn, có những chùa được xây dựng một cách đơn giản nhưng cũng có những chùa được xây dựng khá công phu và tinh xảo. Một vài chùa được tạo mái vòm nhưng cũng có chùa không có. Nhưng phần thiết yếu mà một ngôi chùa phải có đó là nơi thờ Phật. Trong giai đoạn Vakataka, những nơi thờ tự Phật ít được để tâm xây dựng bởi vì những nơi có mặt bằng rộng rãi thì thường được dùng làm nơi ăn ở và tụ tập tín đồ... Sau đó, các nơi thờ Phật mới được xây dựng nhiều hơn. Các nơi thờ Phật thường được xây dựng dựa lưng vào vách đá phía sau ở trung tâm của ngôi chùa và trên mỗi nơi thờ tự thường đặt một bức tượng Phật ngồi bằng đá.
Không chỉ có hệ thốn hang động, Ajanta đặc biệt nổi danh với những bức bích họa trên vách đá và trần hang. Tổng cộng ở Ajanta có đến 500 bức. Màu sắc tranh được làm từ các chất khoáng và các chất có nguồn gốc thực vật nên vừa hài hòa, vừa tương phản mà vẫn tươi nguyên qua mấy ngàn năm. Toàn bộ các bức tranh đều tập trung thể hiện cuộc đời đức Phật và thể hiện các câu chuyện tiền thân của Ngài (trong đó có nhiều kiếp là các con vật , nhiều kiếp là những con người có xuất thân khiêm tốn). Vì thế , tuy đều gắn với đề tài Phật giáo nhưng các bức tranh không chỉ giới hạn trong cuộc sống tăng viện mà bao trùm hiện thực rộng lớn hơn: cả cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thị thành thôn xóm, thế giới chim thú, cỏ hoa và cả thế giới của các tiên nữ, các tạo vật thần linh trên thiên giới nữa. Một cuộc sống sôi nổi, đầy đam mê.
Những thiếu nữ trong tranh Ajanta được thể hiện rất quyến rũ với những đường cong mềm mại, thần thái sinh động trong từng ánh mắt, từng nét môi say đắm và e lệ. Các nghệ nhân còn khéo lợi dụng sự phân bố ánh sáng để người xem khi chuyển dịch vị trí có thể thấy nhân vật trong tranh như chớp mắt, hé cười , hết sức sống động.
Nếu đến thăm quan chùa hang Ajanta, chắc chắn du khách sẽ phải ngạc nhiên trước khung cảnh hết sức hùng vĩ và các tuyệt tác nơi đây.
Ngay từ những bước chân đầu tiên, du khách sẽ phải choáng ngợp trước hàng dài tượng Phật được đục đẽo bằng tay ở mặt tiền của hang động. Vào sâu trong hang, cả một câu chuyện lịch sử về quá trình giác ngộ, tu luyện gian khổ của Đức Phật sẽ được thể hiện qua hàng loạt các tác phẩm điêu khắc trong hang.
Theo TTVN
Các tin tức khác
- Viếng thăm Bagan trước khi quá muộn (18/07/2013 5:35)
- Tù nhân Mỹ tập thiền (15/07/2013 9:29)
- Brazil huấn luyện cảnh sát theo phương thức của Phật giáo (13/07/2013 10:14)
- Chùm ảnh: Bồ Đề Đạo Tràng sau ngày bị đặt bom khủng bố (13/07/2013 1:53)
- Phật Giáo được công nhận là tôn giáo vĩ đại thế giới (12/07/2013 10:36)
- Buổi tọa đàm của GS. Ngô Bảo Châu tại chùa Hoằng Pháp ( 9/07/2013 4:32)
- Ấn Độ: Đại tháp Giác Ngộ bị đánh bom khủng bố ( 8/07/2013 11:08)
- Tiếp tục “tiếp sức” thí sinh thi đợt 2 ( 8/07/2013 5:31)
- Phật giáo "tiếp sức" cơm cho thí sinh ( 6/07/2013 1:56)
- Hãng Thông Tấn CNN (Mỹ) giới thiệu Làng Mai ( 5/07/2013 3:38)