Khối thiên thạch Mặt Trăng lớn nhất thế giới
Được biết mảnh thiên thạch từ mặt trăng vô cùng quý hiếm đã được tổ chức đón nhận rất long trọng tại chùa Tam Chúc, Hà Nam vào ngày 7/12/2018.
Theo Fox News, mảnh thiên thạch nặng 5 kg, có tên gọi “Mảnh ghép Mặt Trăng”, đã được bán với giá 612.500 USD (14,3 tỷ đồng) trong phiên giao dịch ngày 19/10 tại Trung tâm đấu giá RR Auction, bang Boston, Mỹ.
Các chuyên gia về không gian vũ trụ phỏng đoán, khối thiên thạch này đã bị bật ra khỏi bề mặt mặt trăng, rơi xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017.
Cây bồ đề thiêng từ đất Phật
Cây bồ đề đặc biệt mà Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam là cây bồ đề được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Cây bồ đề này có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay.
Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết: Đối với nhà Phật, cây bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ tâm Phật, tâm thiện của mình. Chính vì thế đối với các nước Phật giáo Nam truyền hay phật giáo nguyên thủy, cây bồ đề được coi trọng như Đức Phật. Khi sang các nước Phật giáo, cây bồ đề, tượng phật và bảo tháp có giá trị như nhau. Bồ đề có nghĩa là giác, con người khi giác ngộ thì thành phật, đề cao tính giác, sự giác ngộ. Bên cạnh đó, cây bồ đề còn đánh dấu sự kiện Đại lễ Vesak 2019, cũng thể hiện quan hệ phật giáo giữa 2 nước Việt Nam - Sri Lanka và là sự kiện rất hiếm về trao đổi văn hoá.
Những bức tranh đá núi lửa
Khi đến với Tam Chúc, quý Phật tử sẽ bị choáng ngợp trước rất nhiều những bức tranh đá núi lửa được chế tác dưới bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân Indonesia.
Nét tinh tế trong Điện Tam Thế là 12.000 bức tranh đá nham thạch được chạm khắc tinh xảo tái hiện lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn ở Điện Giáo Chủ là 10.000 bức tranh kể về từng giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật. Và Điện Quán Âm là 8500 bức tranh kể về sự tích Quan Thê Âm Bồ Tát.
Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ về những bức tranh đá núi lửa: "Các Phật tử đến đây khi nhìn qua những bức tranh này sẽ thấy được đây vừa là nghệ thuật vừa là mô tả về những lời dạy của Đức Phật về giáo lý, triết lý nhân sinh. Từ những bức tranh, quý Phật tử có thể hiểu được những nội dung muốn nói gì, muốn diễn tả gì".
Các tác phẩm không chỉ là một kho tàng với những câu chuyện về Đức Phật mà nó còn truyền tải thông điệp về "chân, thiện, mỹ", về đạo lý tốt đẹp của mỗi con người.
Vườn Kinh khổng lồ độc nhất vô nhị
Khuôn viên của ngôi chùa thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Đây là ý tưởng lấy từ cột kinh Phật - Bảo vật quốc gia tại chùa Nhất Trụ - Ninh Bình.
Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và cuộc sống phồn vinh.
Sân điện Tam Thế được đặt một chiếc vạc rất lớn được đúc phỏng theo vạc Phổ Minh – một trong An Nam tứ đại khí - xung quanh vạc có các hình ảnh được chạm khắc như: Quần thể chùa Bái Đính; quần thể chùa Tam Chúc; hành cung Vũ Lâm nhà Trần 1285; Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An - Ninh Bình; chùa Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa – Khánh Hòa; bức tượng khắc nổi và tiểu sử của Thiền sư Nguyễn Minh Không – vị sư tổ đầu tiên chùa Bái Đính.
Tượng Phật hồng ngọc nặng 4.000 kg trong chùa Ngọc
Trong quần thể chùa Tam Chúc, Hà Nam, nơi sắp diễn ra đại lễ Vesak 2019, có chùa Ngọc làm hoàn toàn bằng đá granit đỏ, bên trong có tượng Phật bằng hồng ngọc, loại đá quý nhập khẩu từ Myanmar.
Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi cao 468 m, thuộc quần thể chùa Tam Chúc (Hà Nam). Chùa có chiều cao 13 m, rộng 36 m2 được xem là một trong những kiệt tác về kiến trúc đá tại Việt Nam.
"Chùa làm hoàn toàn bằng đá granit đỏ, nặng hơn 2.000 tấn, do 200 nghệ nhân nổi tiếng của Ấn Độ thiết kế, lắp ráp trong hơn một năm. Điều đặc biệt, các khớp nối không phải dùng đến xi măng, keo dính mà sử dụng mộng đá", Thượng tọa Thích Minh Quang (chùa Tam Chúc) cho biết.
Bên trong chùa Ngọc thờ tượng đức Phật A Di Đà bằng hồng ngọc nặng 4.000 kg. Toàn bộ khối ngọc để chế tác tượng Phật nhập khẩu từ Myanmar.
Các tin tức khác
- Họp kiểm tra công tác tổ chức Đại lễ Phật đản tại TP.HCM (17/05/2019 8:29)
- Câu chuyện vợ chồng Phật tử Lý Liên Kiệt (16/05/2019 8:45)
- Sắc màu hân hoan kính mừng Phât đản tại TP.HCM (16/05/2019 8:28)
- Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp Lễ Phật Đản (15/05/2019 8:21)
- Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Đại lễ Vesak 2019 thành công viên mãn (15/05/2019 8:13)
- 10 kỷ lục được lập tại Đại lễ Vesak 2019 chùa Tam Chúc, Hà Nam (15/05/2019 8:08)
- Vị sư gần trăm tuổi lặng lẽ chống gậy mang tâm tư về Tam Chúc dự Vesak (14/05/2019 8:56)
- Lung linh đêm hoa đăng trong Đại lễ Vesak ở Hà Nam (14/05/2019 8:46)
- Bế mạc Đại lễ Vesak Vesak LHQ: Tuyên bố Hà Nam 2019 (14/05/2019 8:11)
- Mãn nhãn với màn trình diễn của 8 quốc gia trong 'Đại lộ di sản' Vesak 2019 (13/05/2019 8:24)