Lòng hiếu thảo của quạ đen

8/10/2019 8:28
Khi nhắc đến loại chim này, ắt hẳn trong mỗi chúng ta đều kinh sợ và rất ghét nó, bởi một khi nó cất tiếng kêu là đem lại nhiều sự xui xẻo, bị nhiều người nguyền rủa. Tập tục mê tín đó đã ăn sâu vào bao thế hệ. Những điều sai với chánh kiến, sai với chánh tư duy đó lại đổ thừa cho cha ông đã dạy từ bao đời. Khi có chim khách đậu trên nóc nhà kêu thì cho rằng nhà có khách quý hoặc nhà có hỷ sự, lòng dạ vui mừng hớn hở; nhưng khi có quạ đen đậu trên nóc nhà kêu thì lòng thấp thỏm, bồn chồn, lo lắng không yên như thể có điều gì không may sắp đến với gia đình, liền lấy đá lấy cây xua đuổi nó.

Xưa kia, ở một khu rừng nọ có mở hội thi sắc đẹp về các loại chim, để chọn ra hoa hậu chim. Con nào con nấy cũng đều chuẩn bị cho mình một bộ áo đẹp nhất để dự hội. Trong đó, có đôi bạn thân, vì quá nghèo không có tiền mua áo đẹp, nên đã nghĩ ra một cách, đó là hai bạn sẽ vẽ lên áo của nhau đủ loại màu sắc sao cho đẹp nhất.

Cứ như thế, hai bạn sẽ đổi qua đổi lại vẽ cho nhau những màu sắc đẹp nhất. Nhưng hỡi ơi, giờ thi tìm kiếm sắc đẹp đã đến mà người bạn kia chỉ vẽ kịp cho bạn mình với bộ cánh rực rỡ đủ loại màu sắc. Tới phiên người bạn còn lại, vì không kịp thời gian để vẽ nên nghĩ rằng sẽ trộn tất cả các màu lại với nhau để vẽ cho nhanh. Nhưng khi trộn các loại màu lại với nhau thì chỉ có một màu đen, rồi đem đổ lên đầu bạn. Thế là người bạn ấy chịu cảnh áo chỉ một màu đen duy nhất, được đặt tên là quạ đen. Còn người bạn rực rỡ kia thì được lên bục vinh quang, nhận vương miện hoa hậu chim vì có bộ cánh đẹp nhất, được đặt tên là chim công.

Xét về chuyện cổ tích thì loại chim quạ này lại là loại chim trọng nghĩa khí, trọng tình bạn, muốn những điều tốt đẹp đến với bạn, còn bản thân mình sao cũng được, giống như tâm nguyện của Bồ-tát, muốn cho mọi người được yên vui, còn phần thiệt thòi đều về mình.

Trong chuyến hành hương chiêm bái các Thánh tích chùa Vàng tại Myanma, chúng tôi được đến thăm rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Theo đó, có một điều làm chúng tôi vô cùng băn khoăn khi chứng kiến ở đây có rất nhiều chim quạ, từng đàn sống chung với nhau trên những cây cổ thụ lớn. Mỗi lúc chiều về, chúng hay kêu lên ầm ĩ. Lúc đó, chúng tôi thắc mắc tại sao người dân ở đây lại quý chim này đến thế. Họ không hề lo sợ khi loại chim này cất tiếng kêu, mà ngược lại họ còn yêu mến cho ăn. Trái ngược với nơi mình sinh sống, hễ loại chim này đậu trên nóc nhà nào thì liền bị xua đuổi, đánh đập không tha.

Sau khi kết thúc chuyến hành trình, tôi liền tìm hiểu về loại chim này thì biết một điều vô cùng cảm động và đáng được tán thán ca ngợi, đó chính là “lòng hiếu thảo với mẹ”.

Khi chim quạ mẹ không may bị thương hoặc bị bệnh nặng, chim quạ con sẽ không quản nắng mưa chăm sóc mẹ, đi tìm kiếm thức ăn mang về nuôi mẹ, đến khi mẹ khỏe mạnh mới thôi. Hoặc giả như chim quạ mẹ bệnh quá nặng thì chim quạ con càng phải sớm hôm lo kiếm thức ăn về nuôi mẹ đến chết mới thôi. Thật đáng khâm phục và tán thán loại chim này.

Thâm ân sinh thành dưỡng dục thật khó đáp đền, đến loại chim mà còn làm được như thế huống chi con người chúng ta, há không làm được hay sao. Thời nay, lòng hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ đã bị xem nhẹ, đầy rẫy những người con phụ bạc bỏ rơi hai đấng sinh thành, thậm chí đang tâm cầm dao giết cha hại mẹ, xem trọng tiền bạc mà quên đi ân đức cao dày khó đáp đền, đến nỗi cha mẹ phải đi lang thang kiếm từng miếng ăn qua ngày, ngủ ở đầu đường xó chợ hay ở các gầm cầu chịu đói chịu rét, không người nuôi dưỡng chăm sóc, đắng cay muôn phần.

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”
.

Trong kinh Vu Lan Báo Hiếu, đức Phật dạy rằng: “Công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ không sao đáp đền. Ví có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, đi giáp vòng núi Tu-di, cũng không đáp đền ân đức sinh thành dưỡng dục kể trong muôn một. Ví có người treo mình cúng Phật thế đèn. Cứ treo như vậy trọn năm, cũng không báo đáp thâm ân sinh thành dưỡng dục kể trong muôn một... Như thế cũng đủ biết, ân đức sinh thành dưỡng dục cao dày, khó đáp đền đến nhường nào”.

Trong Khuyến Phát Bồ-Đề Tâm Văn, Đại sư Thật Hiền dạy rằng: “Thế nào là nhớ ơn cha mẹ? Thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, mười tháng mang thai, ba năm bú mớm, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt, mới được nên người. Mong ta tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Mà nay ta đã xuất gia, lạm xưng Thích Tử, nhục hiệu Sa-môn. Đồ ngon vật ngọt đã không phụng dưỡng, cúng tế chạp tảo càng không chu tất. Cha mẹ còn sống, ta đã không thể nuôi dưỡng. Khi cha mẹ qua đời, ta lại không thể hướng dẫn thần thức. Đối với phương diện thế gian là sự tổn lớn, đối với phương diện xuất thế lại không có ích chi. Hai đường đều tổn thất thì tội nặng khó thoát. Suy nghĩ như thế, chỉ có cách trong trăm đời nghìn kiếp thường hành Phật đạo, mười phương ba đời khắp độ chúng sanh. Được như thế thì không phải chỉ cha mẹ một đời, mà song thân nhiều đời nhiều kiếp đều được độ thoát; không phải chỉ cha mẹ một người, mà song thân tất cả mọi người cũng được siêu thăng”.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đệ thập nhất, chương Phân Biệt Cúng Dường, đức Phật dạy rằng: “Bố thí thức ăn cho một trăm người bình thường, không bằng hiến cho một người thiện. Hiến thức ăn cho một ngàn người thiện, không bằng cúng thức ăn cho một người giữ năm giới. Cúng thức ăn cho một vạn người giữ năm giới, không bằng cúng thức ăn cho một bậc Tu-đà-hoàn. Cúng thức ăn cho một trăm vạn vị Tu-đà-hoàn, không bằng cúng thức ăn cho một vị Tư-đà-hàm. Cúng thức ăn cho một ngàn vạn vị Tư-đà-hàm, không bằng cúng thức ăn cho một vị A-na-hàm. Cúng thức ăn cho một ức vị A-na-hàm, không bằng cúng thức ăn cho một vị A-la-hán. Cúng thức ăn cho mười ức vị A-la-hán, không bằng cúng thức ăn cho một vị Bích Chi Phật. Cúng thức ăn cho một trăm ức vị Bích Chi Phật, không bằng đem giáo lý Phật đà mà hóa độ cha mẹ hiện đời. Giáo hóa ngàn ức cha mẹ, không bằng cúng cho một vị mới phát tâm học Phật, thệ nguyện thành Phật để tế độ chúng sinh. Vì sao? Vì thành Phật sẽ hóa độ được vô lượng vô biên hằng hà sa số, không thể dùng toán số ví dụ để tính đếm được chúng sinh thoát khổ được vui”.

Cúng thức ăn cho một người thiện thì phước đức đã rất sâu dày. Việc phụng thờ trời đất quỷ thần không bằng hiếu thảo với cha mẹ, vì cha mẹ là những vị thần tối thắng.

Như vậy, mỗi chúng ta cần phải phụng thờ và hiếu dưỡng cha mẹ, vì cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế. Ngày xưa, vua Thuấn vì lòng hiếu thảo với cha mẹ mà được tiếng thơm đồn xa cho đến ngày nay.

Nhân ngày Vu Lan báo hiếu, con xin chúc tất cả cha mẹ Phật tử vô lượng an lạc vô lượng cát tường, sớm tin sâu Phật pháp, người người biết hiếu đạo, noi gương đức Mục-kiền-liên, nguyện làm con thảo, nhất là hãy học tập theo hạnh hiếu của quạ đen để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Làm được như vậy thật quý biết bao, thật quý biết bao.

Tâm Khắc


Các tin tức khác

Back to top