22/01/2020 7:52
Mùa xuân san sẻ yêu thương
Tình cờ đọc một nhật báo, thấy có câu chuyện một cô bé khi được mẹ hỏi muốn ba mẹ chở đi đâu trong dịp lễ, cháu đã trả lời rằng: “Con muốn đi mua quà tặng em bé hay ngồi bán vé số ở ngã tư”. Nghe đến đấy, cặp vợ chồng này lặng đi. “Một niềm vui bé nhỏ đang len lỏi trong tim chúng tôi”.
Người viết chợt nhớ đến con gái mình từ khi lên 10 tuổi, lúc cháu còn ở Việt Nam, và cả sau này nếu thu xếp được về thăm quê nhà vào dịp Tết, cứ mỗi đêm giao thừa, cháu chuẩn bị khoảng 50 bao lì xì và đi cùng mẹ (khi cháu còn nhỏ) hay sau này lớn lên cháu đi cùng bạn, tìm những bác mưu sinh bằng việc đạp xích-lô (những ngày còn xe xích-lô phổ biến), vì cháu cho rằng giờ đó còn đạp xe là những người không có Tết, hay những cô công nhân vệ sinh quét rác bên đường, để tặng. Dạo sau này, khi đã lớn, cháu đã chủ động tăng lên đến cả trăm phong bao, có hôm vét cả tiền túi ra, vì cháu kể có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương, không chỉ một người mà cả một gia đình bơ vơ trong đêm lẽ ra là dịp đoàn viên ấy. Cháu nguyện rằng phải làm mọi chuyện xong rồi mới thanh thản vào chùa lễ Phật.
Suy cho cùng hạnh bố thí vẫn là hạnh đầu tiên mà Phật dạy cần phải có nếu muốn làm người, chứ chưa nói đến việc trở thành những bậc thức giả hay những tu sĩ dấn thân vì cuộc đời còn nhiều khổ đau và bất hạnh.
Để huân tập từ tâm, chúng ta phải bắt đầu bước đi từ những hành vi bé nhỏ hàng ngày từ trong gia đình.
Chúng ta có thói quen không hay là thường ngày cứ phải nhấn mạnh vai trò của đạo đức luân lý trong hệ thống giáo dục nhà trường hay cho đó là vai trò của tôn giáo. Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng: “… tôi hy vọng có một số ý tưởng mới trong những cung cách giáo dục trẻ con về đạo đức luân lý qua những trường lớp công cộng và nền giáo dục thế tục, mà không cần đụng chạm đến tôn giáo. Trong lúc ấy, đối với cha mẹ, đề nghị và khuyến khích họ không chỉ về những chủ đề như lịch sử, nhưng về từ bi yêu thương và tình cảm, qua chứng minh, chứ không chỉ bằng ngôn ngữ. Nếu cha mẹ hay giáo viên đang nói về từ bi yêu thương nhưng lại biểu hiện một khuôn mặt giận dữ, thì không thể đem đến sự thuyết phục cho tâm thức con trẻ. Vì vậy nên dạy dỗ qua hành động - lòng từ ái chân thành, tình cảm thật sự”. Nghĩa là ngài nhấn mạnh đến “thân giáo”. Cha mẹ, hay người lớn, phải làm gương, chứ không phải là chỉ rao giảng. Cha mẹ phải hướng dẫn hay gợi ý con mình về những hành động như thế, chứ không thể ngồi chờ nền giáo dục của nhà trường.
Muốn dạy trẻ lòng yêu thương thì chúng ta phải là người đầu tiên “thị phạm”. Cha hoặc mẹ hãy đi cùng trẻ làm hành động ấy trước mắt con em mình.
Tâm hồn trẻ là những trang giấy trắng, ta viết chữ gì lên thì nó hiện ra chữ ấy. Hãy viết chữ “từ bi”, tình thương yêu lên trên đó! Nếu bậc cha mẹ nào muốn viết chữ “công bằng” mà lại dính líu vào những vụ gian lận điểm thi thì đừng hy vọng con trẻ sẽ hiểu đúng về sự công bằng trong thi cử, cho cả những ứng xử sau này!
Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, giống như những hạt giống không bị hư hại, không bị hư thối, không bị hư hỏng bởi gió và mặt trời, hạt có khả năng nẩy mầm, khi chúng được gieo trồng đúng đắn vào trong một thửa ruộng tốt, cắm hạt sâu vào một mảnh đất màu mỡ; và nếu chúng được tưới tẩm đầy đủ bởi mưa gió, những hạt giống này sẽ tăng trưởng, cao vụt lên, và phát triển dồi dào. Này các Tỳ-kheo, đấy là ba nguyên nhân bắt nguồn của hành động.
… Này các Tỳ-kheo, có ba nguyên nhân khác bắt nguồn của hành động. Ba nguyên nhân này là ba nguyên nhân gì? Đó là: lòng không tham lam, lòng không thù hận, và sự không si mê (không tham, không sân, không si)…” (Kinh Tăng chi bộ, HT.Thích Minh Châu dịch).
Trong ý nghĩa ấy, cha mẹ hay thầy cô chính là những người gieo hạt.
Hướng thiện - Ảnh: Đức Tâm
Mùa xuân của lòng hiếu kính
Mùa xuân còn là dịp để dạy trẻ về tình yêu gia đình, cha mẹ, ông bà. Những tập tục sum họp ngày Tết, qua đó bày tỏ lòng hiếu kính với người trên hay sự chan hòa với kẻ dưới là việc rất nên làm.
Sum họp ở đây không chỉ là sum họp giữa những người trong gia đình, thường ngày vì công việc hay học hành, ít có lúc ngồi lại cùng nhau, mà còn là giữa những người trong thân tộc như con cháu trong nước hay hải ngoại trưa hay chiều 30 tề tựu về thăm ông bà. Ngoài ra, còn mang ý nghĩa lớn lao là mời tiên tổ “bên kia thế giới” hay những thân bằng quyến thuộc đã khuất bóng về cùng ăn Tết. Thế nên bữa cơm cuối năm là một thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện tương lai mà không sợ phải kiêng cữ lời ăn tiếng nói như những ngày đầu năm.
Ngày đầu năm, cũng nên tránh cho con trẻ thói quen chờ “lì xì” rồi bình phẩm ai cho nhiều cho ít, tập cho các cháu thói quen so đo đánh giá người khác qua phong bì!
Hãy cho con trẻ tề tựu chiều 30 hay sáng mồng một, nhất là chiều ba mươi, một buổi chiều như mọi buổi chiều mà không giống buổi chiều nào vì nó chưa phải Tết mà đã là Tết - Tết trong tâm tưởng mọi người, trong không gian vây quanh ta, trong thời gian đáng yêu mà ta đang muốn nó đi thật chậm. Trong buổi chiều đó, bữa cơm diễn ra, bên bao thân tình, với các gia đình truyền thống thì gồm các thế hệ, già vui cái vui đoàn tụ, hưởng thêm tuổi thọ, trẻ vui cái vui nhẹ lòng không phải lo toan việc học hành, công tác, buông xả được những nhọc mệt trong năm vất vả. Giàu hay nghèo lúc ấy, không còn quan trọng nữa vì sẽ chỉ có những câu chuyện hàn huyên thân mật bên người thân. Đó chính là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ.
Có người gửi con đi nước ngoài khi còn quá nhỏ hay một số cháu sinh ở nước ngoài nên cảm thấy xa lạ với tập tục quê hương, hiện tượng được gọi là “thế hệ trái chuối” (banana generation). Những người lớn tuổi thì lại da diết nhớ.
Người viết có một số bạn bè hay thân nhân ở nước ngoài kể là họ đã khóc khi đến ngày Tết dù ở Amsterdam hay California, nhất là những năm chưa có internet. Đấy là tình cảm gia đình, nỗi nhớ nhà, tình hoài hương - nền tảng cho mọi thứ tình khác. Nói như một nhà văn nào đó: “Quê hương là ngọn khói lam chiều lan tỏa trong sương, là lũy tre làng lô nhô trong nắng, là đàn bò gặm cỏ bờ sông”… Phải gìn giữ bữa cơm ấy, để trẻ thơ biết rằng mình đang khôn lớn trong yêu thương, để thấy người già còn khỏe mạnh và được cháu con quý mến.
Một người bạn Hà Lan của tôi có lần ngậm ngùi khi sang Việt Nam. “Ở Việt Nam, người già nhận được sự kính trọng, còn ở nước tôi, tuổi già lại nhận sự cô đơn”, bạn nói. Cho dù nhận xét ấy chưa hẳn đã chính xác hoàn toàn, thì cũng đáng để chúng ta suy nghiệm. Và để chứng minh nhận định ấy, bữa cơm chiều cuối năm là không thể bỏ qua và cần nên gìn giữ, vì đó là nét văn hóa truyền thống đáng quý. Đầu xuân chính là dịp chúng ta dạy trẻ lòng hiếu kính, dù trong hay ngoài nước.
Yêu thương là bài học vỡ lòng với tâm hồn trẻ thơ - Ảnh: Internet
Mùa xuân tinh tấn an vui
Chúng tôi có lần đã suy ngẫm, rằng giáo dục đạo đức không nhất thiết trong những giờ luân lý hay công dân mà phải là một việc làm thường xuyên, liên tục với tất cả sự quan tâm, kiên nhẫn từ ba phía gia đình, trường học và xã hội. Tất cả nhằm giúp đứa trẻ có trái tim nhân ái, giàu lòng trắc ẩn, biết rung cảm trước cái đẹp, biết xúc động trước nỗi đau của kẻ khác, biết phẫn nộ trước cái ác…
Robert Sapolsky, Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng điều khiến con người độc đáo hơn những loài khác là vì tuy chúng cũng biết đồng cảm với đồng loại nhưng chỉ có con người biết yêu thương và đồng cảm với các giống loài khác, biết rung cảm trước những giá trị vô hình, như rơi nước mắt khi xem một bức tranh, khi nhớ một kỷ niệm xưa…
Tổng hợp lại, chúng ta thấy văn hóa phải xây dựng trên một cái nền chung là lòng từ bi, nói theo ngôn ngữ tâm lý học hiện đại là trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence), vì thiếu nó mọi thứ sẽ chông chênh, khập khiễng hay méo mó.
Trong thời đại mới, EQ (emotional quotient) là một chỉ số quan trọng quyết định thành công và sự thỏa mãn với cuộc sống vì như một số nhà khoa học lo ngại robot và AI (trí tuệ nhân tạo) đang thay thế con người, thì chính EQ mới tạo khác biệt lớn trong thế kỷ XXI, để con người vẫn là con người. Gia đình chính là cái nôi và thành trì của trí tuệ cảm xúc và cha mẹ là người thầy đầu tiên tốt nhất. Muốn có một thế hệ biết ứng xử có văn hóa trong nhà hay ngoài phố trong phạm vi văn hóa, chúng ta phải bắt đầu bằng con đường trên.
Chúng ta dạy trẻ lòng yêu thương cũng là dạy trẻ tính khiêm tốn, nhẫn nhục vì khi các em biết cúi xuống những phận người bất hạnh hơn mình, các em đã làm tâm hồn mình cao hơn, đẹp hơn, trong sáng hơn. Ruyard Kipling từng dạy con:
“Nếu không ngại bùn lầy nước đọng Nếu quyền cao chức trọng không kiêu,Mọi người ai cũng kính yêu Bạn thù đều khó làm xiêu lòng vàng”.
(khổ thứ 7- bài thơ IF câu 25-28, GS.Nguyễn Văn Lương dịch )
(khổ thứ 7- bài thơ IF câu 25-28, GS.Nguyễn Văn Lương dịch )
Vì dù nói chuyện với quần chúng hay với quân vương thì vẫn luôn giữ gìn phẩm cách của mình, bạn hay thù cũng không khiến ta dao động, ai ai cũng tin cậy ta.
Đức Phật đã đề cao sự bình đẳng. Hãy sống hòa hợp cùng quần chúng trong ý nghĩa tương tức, tương sinh, đồng cảm và sẻ chia. Được như thế, tuổi trẻ sẽ tiếp thu cái hay của những người đi trước bổ sung cho những thiếu sót của mình. Ai cũng có cái hay cho mình phải học.
Mùa xuân hay những mùa lễ hội là lúc mà chúng ta có thể giáo dục con trẻ tình yêu thương. Đó chính là nền tảng cho một xã hội hướng thiện và hiếu hạnh. Từ đó, tuổi trẻ giữ được sự kiên định và tinh tấn trong công việc, nhẫn nại trong ứng xử đời sống, và can đảm đối diện với thực tại, dù đẹp hay phũ phàng với sự can đảm hay tâm vô úy - không sợ hãi trước những thay đổi, bất trắc của cuộc sống.
Mong sao quanh ta là những con người tuổi trẻ biết cho đi hoặc tài vật hoặc năng lực, tâm hồn tràn đầy khí phách và nhiệt huyết, những con người sẽ hoàn thiện nhân cách để là chính mình. Nói như Trịnh Công Sơn: “Ru em là cánh nhạn/ Miệng ngậm hạt từ tâm”.
Đó chính là “hạt từ tâm” gieo trong tâm từ mùa xuân của tuổi thơ. Và đó cũng là bài học đầu năm mới.
Nguyên Cẩn
Các tin tức khác
- Người biết kinh trên nhường dưới, sống có hiếu với cha mẹ (21/01/2020 8:26)
- Dạy con hành động thiện ( 9/01/2020 7:56)
- Chỉ một hành động nhỏ nhưng làm thay đổi cuộc đời bạn (28/12/2019 6:11)
- Vượt qua số phận (21/12/2019 7:59)
- 20 USD của cậu bé 10 tuổi ( 6/12/2019 6:07)
- Hôn nhân vợ chồng muốn lâu dài phải trải qua 7 giai đoạn (25/11/2019 6:18)
- Vì sao giới trẻ cần phải đi chùa? (21/11/2019 8:20)
- Phật dạy 2 điều bất di bất dịch giúp gia đình luôn bền vững (21/11/2019 6:09)
- Những câu nói dối của Mẹ (18/11/2019 7:54)
- Học 13 cách nói của mẹ thông minh để con nghe lời mẹ răm rắp (13/11/2019 3:11)