Đất là mẹ

31/08/2013 2:47
Bạn trẻ thân mến! Chắc bạn đang theo dõi từng bước của tôi. Bạn bè đã hơn bốn mươi năm mà chúng ta vẫn còn giữ được tình bạn thật là diễm phúc, thật là quí báu.

Thời bây giờ, tình thương bẻ bàng lắm. Người ta thương nhau rất ngắn ngủi. Chỉ cần một chút phật ý là người ta trở thành khách xa lạ. Bạn có biết ở đây số lượng li dị lên tới mất không thể tưởng được! Tội nghiệp cho những đứa con thiếu tình thương của cha hoặc mẹ. Thiếu tình thương là thiếu cái qúi nhất của một đời người. Biết bạn luôn nâng đỡ, thương tưởng, ủng hộ nên tôi cảm thấy ấm áp.


      Bây giờ, tôi tâm sự tiếp về tu viện Cát Tường nhé. Hôm nay là lần đầu tiên tôi thấy một chú nai xuất hiện nơi hồ nhỏ gần Pháp Thân Tạng. Lúc ấy, tôi đang ăn trưa dưới rừng tùng (cedars). Tôi định đi lấy máy chụp một tấm hình để làm kỷ niệm, nhưng con nai liền đi ngay vào rừng. Vậy là, tôi phải rào vườn rau cho thật kỹ, bởi ban đêm các con nai này thường xuất hiện ngay ở sân cỏ của tu viện.


      Bạn có biết không? Tuần trước, tôi đã cuốc đất và gieo hạt cải, ngò, tần ô và xà lách. Vậy mà chỉ trong một tuần, những hạt giống ấy đã nẩy mầm thành những cây con lú nhú. Nhìn vườn rau, tôi cảm thấy vui lắm. Như vậy, tôi sắp có rau ăn rồi. Tổ tiên thường nói: “Đất là bạc, là vàng.” Đúng như thế! Có một mảnh vườn là không sợ đói. Mảnh vườn này là do chủ trước khai hoang, có rào sẵn lưới sắt chung quanh nên tôi chỉ việc cuốc đất, đợi cho nắng sưởi ấm lòng đất, gieo hạt xuống là có vườn rau xanh.


       Tôi rất thích làm vườn, bởi tôi cảm thấy gần gủi với đất mẹ. Có khi, dùng hai bàn tay bóp nát cho đất xốp, tôi cảm thấy vui lắm. Một niềm vui đơn sơ, bình dị  do cảm được tình thương của đất mẹ. Bao nhiêu rau cải, ngũ cốc, hoa quả đều từ đất mẹ. Thế mà, ít người tiếp xúc được với tình thương của đất mẹ. Trái lại, họ sống hững hờ, cô đơn. Họ không tiếp xúc được tí nào với thiên nhiên, trái đất. Họ còn xả rác, sống vô ý thức đã tạo ra các chất ô nhiễm cho trái đất. Họ không nhớ rằng đất cũng là mẹ. Không có đất thì rau cải, hoa trái, gạo cơm đâu mà ăn để sống còn.


       Ở quê nhà, bạn hãy giữ đất để trồng rau nhé, đừng có trán xi măng hết vườn nhà. Bây giờ, dân số quá đông nên thiếu thực phẩm, vì vậy cho nên người ta trồng rau cải không sạch sẻ lắm. Họ cứ xịt thuốc hóa học cho rau mau lớn, như thế chúng mình ăn toàn chất hoá học, chứ có ăn rau xanh từ đất mẹ đâu! Đưa những chất hoá học ấy vào cơ thể lâu ngày sẽ bị ung thư. Thật tội nghiệp cho đồng bào! Bạn cứ lên các bệnh viện để thăm một lần cho biết cái khổ của bệnh tật do con người sống thiếu trách nhiệm và không có lương tâm.


       Ngoài làm vườn ra, tôi cũng làm rừng để tu viện có thêm không gian. Tôi đã cắt gần hết bụi cây chung quanh hồ nhỏ, bởi thế con nai mới tới thăm và uống nước. Sau này, tôi định đào rộng hơn để hồ nhỏ trở thành cái hồ lớn thiên nhiên. Chung quanh là cây, lối đi và đá để các bạn trẻ có nơi ngồi chơi, bà con có nơi ngồi thiền. Tôi sẽ bắt một cây cầu cho tụi nhỏ chạy chơi, đứng trên hồ nhìn xuống để thầy trời xanh, mây trắng phản chiếu trong lòng hồ.


       Tôi khám phá thêm những con đường mòn và đang khai mở để tu viện có nhiều con đường mòn, tha hồ cho các bạn đi thiền. Hôm nay có thầy Minh Tuyền và Vũ đến thăm. Đúng vào lúc tôi vác kéo và máy quất trở về tu viện thì gặp thầy trên đường mòn vào rừng. Thầy hoan hỷ lắm!

Tôi mời thầy và Vũ ngồi chơi để đi pha trà. Việt và ba Việt cũng đang có mặt ở tu viện để làm công quả. Việt không làm được nhiều ở ngoài vườn, bởi Việt bị ngứa ngáy. Tôi bảo:


-    Em có thể đi chơi chung quanh tu viện. Miễn sao Việt vui là đủ rồi.


        Tôi tìm cách để hiểu Việt thêm và tưới tẩm những hạt giống Phật pháp trong lòng Việt. Đa số các bạn trẻ ở bên này bị lạc loài nên họ bơ vơ lắm. Đời sống vật chất dư dã nhưng có làm cho họ hạnh phúc chút nào đâu! Như vậy, mới biết tình thương, tâm linh, quan tâm, biết sống là quan trọng cho con người đến mất nào!


       Thầy Minh Tuyền là người xuất gia dễ thương. Thầy chỉ muốn tu. Thầy không có chùa chiền gì cả chỉ ở cốc chuyên tu. Thầy bảo: “Con thích không khí yên tịnh và xanh tươi của Cát Tường. Cảnh thiên nhiên giúp mình khỏi cố gắng giữ chánh niệm mà tự động mình có chánh niệm. Hồi qua Bồ Đề Đạo Tràng, con không có ý niệm hoặc cố gắng muốn tu, thế mà con tu rất tự nhiên.”  Tôi tâm sự rằng tu viện này là của Tam Bảo. Anh em nào về đây tu cũng được hết. Ý định của tôi thành lập tu viện là chú trọng thêm sự thực tập, bởi vì tôi quán chiếu về cái chết thường xuyên. Khi chết, tôi đâu có mang theo được cái gì. Chết đến mà còn bất an, đau đớn, vướng mắc, không tự do, không giải thoát mọi ràng buộc của nghiệp lực thì uổng một đời tu.


       Cho nên, tôi không quan tâm đến số lượng Phật tử về tu viện. Tôi quan tâm đến sự hành trì mỗi ngày. Ai có duyên đến với tu viện thì tôi hướng dẫn tận tình. Nếu không có người tới tu viện thì tôi cũng vui. Sự thật là càng ít người đến tu viện thì tôi càng có thêm thì giờ để sống và thực tập. Tôi không muốn tu nữa vời, tu văn nghệ mà muốn đào sâu vào mảnh đất tâm để chuyển cho được những hạt giống khổ đau, dục vọng, luân hồi, sinh tử.

 

Thầy Chân Pháp Đăng (Làng Mai)

Các tin tức khác

Back to top