Vượt qua nỗi sợ hãi mùa dịch bệnh Covid

28/07/2021 12:22
Cho đến thời điểm hiện tại, con đã không còn lo sợ, không còn bất an mà đã biết trân quý những điều kiện hạnh phúc mà mình có hơn.

Con kính bạch Sư ông,

Quý thầy, quý sư cô kính thương!

Những ngày tháng qua, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid. Nhiều nơi giãn cách xã hội, bệnh viện quá tải vì số lượng ca nhiễm bệnh cứ tăng lên; báo đài mỗi ngày đưa thông tin về dịch bệnh.... Mọi nơi đều hạn chế đi lại làm cho người lao động và doanh nghiệp không thể hoạt động; đời sống khó khăn càng tăng thêm nỗi lo cũng như kéo theo những năng lượng bất an trong cộng đồng.

Trong tình cảnh này, con như thấy lại hình dáng của những thanh niên phụng sự xã hội khi xưa đã tiếp bước Sư ông đi về khắp các làng, xã giúp đỡ những người nghèo, các em bé; đã lập nên những bệnh viện để chữa bệnh cho mọi người. Trong thời buổi khó khăn như hiện tại, lòng con thật thổn thức khi biết nhiều người, nhiều doanh nghiệp đang học hạnh Ba-la-mật bố thí, cúng dường và làm thiện nguyện khắp nơi. Con cảm kích với hình ảnh những thanh niên, những tình nguyện viên, các bác sĩ, y tá xông pha vào tuyến đầu chống dịch để giúp đỡ đồng bào đi qua khổ nạn. Trong con nuôi dưỡng sự biết ơn sâu sắc về họ. Tuy nhiên, dù ít nhưng vẫn còn đó sự kỳ thị người bệnh, bao nỗi lo sợ vẫn quẩn quanh và lớn dần trong mỗi chúng con.

Thưa Sư ông! Con thấy đâu đó trong con vẫn khởi lên sự lo lắng và thiếu niềm tin vào lúc này. Ngoài xã hội đang khổ sở vì dịch bệnh, cơ thể con cũng phát ra vấn đề xương khớp khiến con nhức mỏi hằng đêm và khó ngủ. Mỗi lần như thế năng lượng bất an lại trỗi dậy. Con đã nhớ tới những lời dạy của Sư Ông và bắt đầu quay về nương tựa vào sự thực tập theo dõi hơi thở. Nhận diện và nhìn thẳng vào những khổ đau đó để ôm ấp và chuyển hóa. Con có niềm tin rằng, chỉ cần con duy trì sự thực tập thì những nỗi lo sợ ấy sẽ không thể kéo con đi được.

Thở vào, tôi thấy trong tôi có nhiều bất an, đau khổ

Thở ra, tôi nhận diện và mỉm cười với niềm bất an, đau khổ để chuyển hóa

Niềm bất an đau khổ/Nhận diện, chuyển hóa

Trong khi thực tập, con cũng nhận diện được những tập khí tiêu cực liên tục khởi lên trong tâm. Những lúc như thế, con cần một cái gì thật đẹp, thật lành để nương tựa vào và cho con sức mạnh. Con đã tập quán chiếu về hình ảnh Sư Ông và quý thầy, quý sư cô đang từng bước thiền hành thảnh thơi nơi cánh đồng lúa vàng; nơi có ánh mặt trời ban mai tỏa chiếu lên những đọt lá; có tiếng chim ca hát rộn ràng dưới bóng cây im mát. Sư Ông đang cùng quý thầy, quý sư cô ngồi thật yên, vững chãi như núi, cùng thở những hơi thở tràn đầy năng lượng của từ bi, yêu thương – những hơi thở của nuôi dưỡng, trị liệu hiến tặng cho mọi người. Nhờ đó, những nỗi khổ niềm đau trong con bắt đầu được lắng dịu và nhường chỗ cho một nguồn năng lượng tươi mát mà Sư Ông và quý thầy, quý sư cô đã trao truyền cho con.

Thưa Sư ông! Con biết, là đệ tử của Sư Ông, là một tiếp hiện cư sĩ, lẽ ra con phải có nhiều năng lượng tươi mát và vững chãi để giúp mình vượt qua được niềm đau của tự thân và chuyển hóa chúng. Nhưng đôi khi, con vẫn thấy mình còn nhiều vụng về khi đối diện với nghịch cảnh cuộc sống hay hoang mang bởi đại dịch. Sư Ông đã cho mình một con đường sao mình vẫn còn những lo sợ? Cứ như vậy, mặc cảm lại có cơ hội đi lên trong con nhiều hơn. Ngoài kia dịch bệnh vẫn ngày càng phức tạp. Sống trong nguồn năng lượng bất an ấy cộng với mặc cảm của tự thân, con thấy cuộc sống thật mong manh. May thay, nhờ nhìn ra được bản chất vô thường của vạn vật mà con biết trân quý những điều kiện quý giá trong giây phút hiện tại hơn.

Con nhớ, trong một bài giảng của mình, Sư ông đã hiến tặng cho đại chúng những câu thư pháp: Ở cho yên ổn, ngồi cho vững vàng và Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũng qua. Như một phép mầu, con bỗng bừng tỉnh và quay về với hơi thở chánh niệm, sẵn sàng đối diện với những bất an, sợ hãi trong mình. Con cố gắng thở vào thật sâu cho không khí đi vào bụng và thở ra thật chậm với bài kệ:

Thở vào, tôi thấy khỏe

Thở ra, tôi thấy nhẹ

Thở vào, tôi nhận diện những bất an trong tôi

Thưa Sư Ông, thấy được những khổ đau, bất an khi dịch bệnh liên tục xảy đến, con nhận ra mình là người đang có rất nhiều điều kiện hạnh phúc vì con có con đường, con có sự thực tập để hành trì mỗi khi khó khăn xảy đến. Con có Sư Ông và tăng thân còn đó luôn nâng đỡ và yểm trợ cho con, hiến tặng sự vững chãi cho con và cho mọi người. Đã có đường đi rồi, con còn gì phải lo sợ? Giờ đây, mỗi khi có bất an xảy đến, con sẽ tự tin đối diện và gọi tên từng cảm thọ ấy lên. Cùng với hơi thở chánh niệm, con sẽ từ từ chuyển hóa chúng và mọi khó khăn sẽ có thể đi qua nhẹ nhàng.

“Không đau khổ lấy chi làm chất liệu

Không lang thang sao biết gió mưa nhiều”

“Không có bùn làm sao có sen”

“Giây phút hiện tại rất tươi đẹp”

“Em hãy mỉm cười đi”

Cho đến thời điểm hiện tại, con đã không còn lo sợ, không còn bất an mà đã biết trân quý những điều kiện hạnh phúc mà mình có hơn. Mỗi khi cơn đau trong cơ thể phát khởi, khiến con không thể ngồi thiền được, con sẽ thực tập thiền hành, đi ra vườn tưới rau hay làm những công việc khác như chơi với con của mình. Những lúc có cơ hội nằm xuống, con cũng thực tập buông thư và ôm ấp cơn đau, chế tác năng lượng bình an gửi đến cho cơ thể của mình cũng như mọi loài. Những lúc như thế, cảm giác nhẹ nhàng, năng lượng tích cực lan khắp thân tâm con, mọi đau nhức dường như được tan biến.

Con nhận ra rằng, dù ngoài kia dịch bệnh có hiểm nguy và diễn biến phức tạp nhưng vẫn chưa đáng sợ bằng nỗi bất an, sợ hãi mà chính mình tự tạo ra cho mình. Nếu mình cảm thấy có bình an, tràn trề năng lượng tích cực thì những nỗi khổ niềm đau kia sẽ dễ dàng được chuyển hóa. Con tự nhắc nhở mình duy trì sự thực tập hơi thở chánh niệm, để cho những đau nhức trong cơ thể con có cơ hội được trị liệu và để con và tất cả mọi người biết cách sống trong an lạc, vững chãi mà cùng nhau vượt qua mùa dịch bệnh khó khăn này. Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho tất cả chúng con được sống trong an toàn và hạnh phúc.

“Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần

Hơi thở là Pháp, bảo hộ thân tâm

Năm uẩn là Tăng, phối hợp tinh cần.”

Tâm Định Hướng - Làng Mai


Các tin tức khác

Back to top