Chư vị tổ sư đã sống một đời sống tỉnh thức, không cạnh tranh, không tiền bạc, không chạy theo bất cứ một danh vọng nào của thế gian. Quý Ngài thật trong sáng, tự tại. Con hay đặt câu hỏi tại sao các Ngài làm được như vậy, trong khi đó bản thân mình thì đi theo con đường ngược lại, tìm kiếm thật nhiều tiền để thỏa mãn lòng tham, sống trong nghi ngờ, ganh tỵ, luôn tìm cách để có lợi riêng mà không nghĩ đến cái khổ của người khác. Có những lúc con tự hỏi: “Mình là ai, mình đang làm gì?” Song đến bây giờ con mới có thể hiểu được một phần nào đó từ câu hỏi này. Thật may mắn cho con, nhờ phước duyên từ kiếp nào mà con đã được Bụt, Tổ và tăng thân cho con cơ hội tìm lại con người thật của mình để có thể trở về được với bản chất trong sáng và tinh khôi, bản chất của sự không kì thị, trách móc, lên án với bất kỳ ai như lời Thầy thường dạy. Và con có thể sống thanh nhàn, tĩnh lặng mà không phải là con của bốn năm về trước, một người trẻ sống với nhiều tham vọng, lo lắng, chỉ biết lao vào làm việc quần quật để mong sao kiếm được thật nhiều tiền và xây dựng một tương lai mơ hồ trong tâm trí…. Vậy mà khi đó con cho những điều như vậy là hạnh phúc và thành công.
Thầy Pháp Cứ được xuất gia trong gia đình Cây Lê, tại Bát Nhã, vào năm 21 tuổi.
Thầy là người con có hiếu với ba mẹ cũng như với Tăng thân. Thầy tu học rất hết lòng.
Hiện tại thầy đang ở Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu.
Nhân duyên khiến con đi xuất gia có thể là do cảm nhận được quá nhiều đau khổ của cuộc sống và của chính bản thân mình. Có những lúc con cảm thấy mình tuyệt vọng tột cùng, muốn lìa xa cuộc đời để trốn chạy tất cả…Nhưng con cũng thầm biết ơn vì chính nhờ nếm trải được mùi vị của khổ đau mà giờ đây với đời sống xuất gia con càng thêm tin tưởng và trân quý những điều kiện mà con đang có được. Nhờ những khổ đau mà con nhận ra được những nhiệm mầu vốn có của sự sống.
Quán chiếu và nhìn lại tính tự lập mà con có được một phần cũng do hoàn cảnh khó khăn từ nhỏ tạo nên. Học xong lớp mười hai con vào Sài Gòn để đi học, trong thời gian đó con đi làm thêm để kiếm tiền phụ anh chị trả tiền ăn, tiền phòng. Con có thể tự lo cho cuộc sống của riêng mình mà không phải nhờ sự giúp đỡ của các anh chị nhiều. Con làm bồi bàn cho một nhà hàng không lâu thì may mắn được chọn làm đầu bếp. Chính thời gian làm ở đây đã cho con học hỏi được nhiều bài học từ cuộc đời. Người đến ăn trong nhà hàng thường là những người có tiền nên đa số họ rất kiêu ngạo, xem người làm, người phục vụ như đầy tớ. Vì mong kiếm được tiền cho nên con đành phải chấp nhận tất cả, hơn nữa nếu mình không làm vừa lòng khách, thì sẽ bị chỉ trích vì lần sau khách có thể sẽ không đến…
Một bạn cùng làm tâm sự với con rằng: “Cuộc sống là vậy đó, người nào có học thức, có chút tiền tài thì không phải khổ như tụi mình.” Điều con cảm nhận trong câu nói ấy là sự thiếu vắng tình thương giữa con người với con người, tại sao lại đối xử với nhau như vậy? Khoảng mấy tháng sau con cùng một người bạn ra mở quán ăn ở bên ngoài. Rồi khi quán cơm được hình thành khoảng năm tháng thì những khó khăn bắt đầu xảy đến cho con với biết bao điều buồn tủi, giận hờn khổ đau…. Sau đó con là người phải ra đi. Với con lúc này mọi thứ như đen tối hẳn đi, con chỉ muốn quên đi tất cả. Đối với con lúc đó, cuộc sống thật vô vị, sự ngột ngạt như bao trùm cả một không gian và con cảm thấy hướng đi gần như bít lối. Con trở về nhà anh chị và không làm gì nữa. Chính trong thời gian này, con bắt đầu cảm nhận được sự sống tâm linh của mình. Lúc này tự nhiên con muốn ngồi thiền, đọc những quyển sách về giáo lý của đạo Bụt mà con mượn ở quê của một nhà người quen (nhà ba sư cô Thiện Nghiêm). Ngày qua ngày, dần dần con tìm lại được chính mình nhiều hơn, vì không muốn làm cho ba và anh chị buồn, nên con làm giấy tờ để đi học lại.
Sau khi có giấy báo học con về nhà thăm Ba và lấy tiền đóng tiền học, con cũng không quên đi mượn thêm một vài Kinh sách Phật giáo để đem theo. Trước khi đi con tình cờ gặp được Thầy Giác Hưng, ngồi nghe Thầy nói chuyện rồi Thầy lựa cho con những quyển kinh phù hợp. Con không ngờ rằng sau cuộc nói chuyện đó hạt giống xuất gia trong con được nảy mầm. Một tuần sau, con lấy tiền của nhà và chào Ba để đi nộp học mà không nói gì về chuyện muốn đi xuất gia vì sợ Ba buồn. Bởi trong số bảy anh chị em, con là người duy nhất còn đi học nên ba dành rất nhiều ưu tiên và hy vọng ở con, mong con có chút kiến thức để sau này không phải vất vả như các anh chị. Nhìn ba con thấy rất thương và muốn làm cho Người vui lòng khi về già. Ngồi trên chuyến xe khách để vào Sài Gòn mà trong đầu con cứ phân vân và suy nghĩ mãi không biết nên chọn con đường nào đây? Đi xuất gia hay đi học? Con bắt đầu đi lạc vào những dòng suy nghĩ, bao nhiêu nghi vấn về đời sống xuất gia tràn về, không biết trong chùa sống như thế nào? Nếu đi xuất gia thì liệu có hạnh phúc không? Mình sẽ làm gì khi ở đó? Rồi trong đó có sự giận hờn, trách móc nhau không?... Còn nếu đi học gặp lại những chuyện như trước đây thì phải làm sao?... Nhìn qua cửa kính xe, cảnh tượng người chen chúc, vội vã, cuốn theo những bon chen của dòng đời. "Rồi mình cũng sẽ như họ sao?", con tự hỏi. Xe vẫn không ngừng lăn bánh để hướng về Sài Gòn. Khi gần đến chùa của Hòa Thượng thì con nói bác tài xế cho xuống rồi gọi xe đi lên cốc của thầy Giác Hưng. Thật không thể tưởng được sự bình an và yên tĩnh nơi đây. Cốc của Thầy thật đơn giản, chỉ toàn bằng tre, xung quanh có rất nhiều cây lớn với bầu không gian yên tĩnh làm lòng con lắng xuống nhiều. Sáng hôm sau con vẫn chưa tin là mình đang ở chùa cho đến khi tiếng chuông Đại hồng vọng lên con mới biết là mình đang nằm trên một chiếc giường đơn sơ, con trầm tư và ý thức rất rõ hôm nay là ngày quyết định! Nếu không vào trường nộp tiền học trong ngày thì phải đợi cơ hội năm sau.
Con đi dạo quanh khu rừng gần đó để suy nghĩ cho thật kỹ về quyết định của mình thì bỗng con nghe từ xa, một giọng đọc rất hay vọng lại. Bước chân con chậm lại và đặt khẽ xuống mặt đất để không bị những tiếng lá khô làm ồn, những lời đó con chưa từng được nghe. Từng lời như thấm vào tim con. Lát sau con vào cốc hỏi thì Thầy cho biết đây là sách đọc “Đường Xưa Mây Trắng” của Sư Ông. Hạnh phúc làm sao khi nhận thấy trong tâm mình có sự nhẹ nhàng và không có gì vướng bận. Vậy là con đã quyết định chọn hướng đi cho mình trong ý thức sáng tỏ về lẽ sống. Trở vào gặp thầy để nói ý định xuất gia của mình và con không mấy ngạc nhiên khi thầy nói con nên ở lại đây thêm nửa tháng nữa để nhìn nhận cho rõ về con đường mà con sẽ chọn. Trong thời gian này con viết đôi dòng xin lỗi ba và gửi số tiền lại cho gia đình. Mười lăm ngày ở cốc khiến tâm tư con mở rộng hơn, con không còn suy nghĩ nhiều nữa. Con được nghe thầy kể nhiều chuyện về đời sống tăng thân, cũng như những gì thầy biết qua băng giảng, điều đó đã cho con thêm nhiều niềm tin. Thầy dẫn con lên Tu viện Bát Nhã, nơi mà con chưa từng biết đến, rồi cũng chính nơi đây con đã tái sinh thêm một lần nữa. Con được sinh ra trong đời sống tâm linh.
Bốn năm nhìn lại sao nhanh quá, tuy vậy con thấy những tập khí trong con cũng được chuyển hóa khá nhiều. Cuộc sống của một người tu thật đẹp, lúc nào cũng hướng đến cái thiện, cái lành cho bản thân và cho mọi người. Nói đến đây lòng biết ơn sâu xa trong con tràn dâng. Con biết nếu không có Sư Ông, không có tăng thân … thì con không có được may mắn như ngày hôm nay, con không được trở thành một con người có hiểu biết, có tình thương và nhận ra được đâu là chân giá trị của hạnh phúc. Bên cạnh đó con được sống chung với những người mà trong tâm hồn, trong lời nói hay trong cách hành xử hàng ngày luôn ẩn chứa một tình thương vô hạn, ai cũng thật hiền, thật trong sáng. Đó là những sư anh, sư chị, sư em của con, những con người thích đem vui cho mọi người bằng cả tấm lòng của mình. Con mong cho tất cả những ai khi gặp phải những vấn đề khó khăn (có thể là như con trước đây) sẽ có cơ hội tiếp xúc với tăng thân và biết đâu sẽ tìm lại được cái mà mình nghĩ rằng có thể đã mất.
Tay trong tay đi chung một con đường
Năm nay con đã được hai mươi bốn tuổi, cái tuổi vẫn còn rất trẻ, vậy mà cảm thấy hối hận rằng tại sao mình không được gặp tăng thân sớm hơn, đi tu sớm hơn? Thêm một lần nữa con muốn nói rằng con thật biết ơn Sư Ông, người đã tạo ra tăng thân, đã truyền trao pháp môn cho chúng con tu tập, đã giúp cho rất nhiều người nhận ra được cuộc sống vốn tươi đẹp này! Những lúc khó khăn con hay nghĩ về hình ảnh của Sư Ông để làm nơi nương tựa và thực tập. Cám ơn tất cả những gì đã cho con có ngày hôm nay, con sẽ cố gắng thực tập và giữ gìn hoài bảo của Sư Ông và tăng thân.
“Thế giới của chúng ta đẹp lắm, bây giờ nó có đẹp thêm hay xấu đi thì tất cả đang ở đây, trong tay của bạn, trong hơi thở ý thức trong tư duy, hành động …. từ cuộc sống hàng ngày của bạn.” Câu nói của Sư Ông làm con nhớ lại những điều không tốt mà con đã làm trước đây và cũng là cơ hội cho con có thêm ý thức bảo vệ cho hành tinh. Xin nguyện cầu cho những ai đang làm cho Đất Mẹ khổ bằng những chương trình thử vũ khí, khai thác khoáng sản, tài nguyên vô tội vạ và làm ô nhiễm nguồn nước… Thì xin dừng lại ngay bây giờ để cho tương lai còn có mặt.
EIAB mùa đông 19/12/2011, Con của tăng thân, Thích chân Pháp Cứ (Theo Làng Mai)
Các tin tức khác
- Học cách để may mắn ( 9/02/2014 2:09)
- Ai không cho mình thương ( 6/02/2014 2:54)
- Mọi thứ đều là ân nghĩa (28/01/2014 9:46)
- Điều kỳ diệu từ cách nhìn cuộc sống (28/01/2014 12:28)
- Nguyện cho người khác được hạnh phúc (24/01/2014 12:41)
- Ta từ đâu tới, ta đi về đâu (23/01/2014 3:48)
- Con người thường thất bại vì chính dục vọng bản thân (21/01/2014 10:37)
- Chân Thiện Mỹ (21/01/2014 12:24)
- Người biết sống (18/01/2014 12:53)
- 14 cái tâm của đời người (16/01/2014 4:45)