Phước và họa

26/08/2014 10:40
Khi may mắn, vui vẻ, ta cho rằng mình có phước. Khi gặp chuyện rủi ro, bất trắc hay đang có xung đột, ta nghĩ rằng đang gặp họa. Ai mà không từng gặp phước và họa trong đời! Phước và họa do mình tạo ra hay ai đưa tới? Làm sao để khi gặp phước thì giữ phước được lâu hơn, và khi đang bị họa mà tâm vẫn bình tĩnh sáng suốt để giải quyết tốt các vấn đề hiện tại mà không làm phát sinh những vấn đề mới?

Khi còn nhỏ nghe Truyện Kiều nói vì kiếp trước vụng đường tu nên nay mới khổ “bắt phong trần phải phong trần, cho phong lưu mới được phần phong lưu.” Tôi không hiểu gì. Ai bắt phải phong trần, ai cho được phong lưu? Có một Ông Trời nào đó có quyền lực ban phúc giáng họa chăng?

Xin thưa, chẳng có ông trời nào ban phúc giáng họa cho ta cả. Cũng không phải được Chúa yêu mà có phước, bị Sa Tăng ghét nên gặp họa. Vậy Phật, thánh có thưởng phạt gì khi ta cầu cúng hay phạm thượng không? Tại sao chùa chiền lại có thờ các Ông Thiện, Ông Ác để răn đời?

Vậy ai mang phúc họa đến trong đời ta? Chính ta vậy! Phước hay họa là do tâm thức và dòng nghiệp lực chiêu cảm nên. Khi vui vẻ lạc quan, người ta tạo ra một dòng năng lượng tích cực thu hút những điều may mắn, bắt vào những sóng cùng tần số, tạo ra những duyên lành nghiệp tốt. Khi buồn khổ chán nản hay thất chí hận đời, người ta tạo ra dòng năng lượng tiêu cực chiêu cảm điều không may, rơi vào làn sóng ma mị giao thoa với những thành phần xấu xui khiến  người đó hành động đem lại sự bất lợi và đau khổ cho mình, cho người.

Trong đời sống có nhiều lựa chọn, mỗi quyết định đều có ảnh hưởng lên cuộc đời mình. Với tâm thức trong sáng tỉnh táo, ta làm quyết định đúng đắn, đưa ra những lựa chọn thích hợp để có được thành công & hạnh phúc trong từng thời điểm. Khi mê muội, giận dữ hay tham lam, ghanh ghét là cho mờ mắt, ta thiếu sang suốt nên đưa ra những quyết định sai lầm, hành động không khôn ngoan, có những lựa chọn ngu xuẩn khiến gây bất lợi cho mình và cho người và kết cục là khổ đau dằn vặt.

Khi thiếu tỉnh táo và nhận thức kém, người ta có thể biến phứơc thành họa. Câu chuyện sau đây là một thí dụ điển hình cho tiến trình này. Cách đây vài năm có một người đàn ông đứng tuổi ở Luân đôn trúng xổ số Jackpot với một số tiền khủng nhiều triệu bảng Anh. Ông có một người vợ, và vợ ông có hai người con riêng, một trai, một gái. Khi bỗng dưng có được một số tiền lớn, tính vốn hào phóng, ông tặng cho những người con riêng của vợ mỗi đứa vài triệu Bảng Anh. Cô chị 19 tuổi khi có tiền thì bỏ học, ăn chơi sa đọa cùng đám bạn chỉ ưa nhảy nhót và tiệc tùng trong các vũ trường và các hộp đêm. Chẳng bao lâu cô xài hết số tiền bố dượng cho, nhưng đã quen thói ăn chơi, cô không dừng bước được. Để có tiền tiếp tục ăn chơi thâu đêm suốt sáng, cô đã bán thân, và thậm chí ăn cắp và bị đưa vào trại cải tạo nhân phẩm. Người em trai 17 tuổi thì dùng số tiền bố dượng cho vào việc hút xách tiêm chích các chất cho cảm giác thiên đường trong chốc lát. Khi hết tiền, cậu ta đã vướng vào đường dây buôn bán ma túy để được tiếp tục cung cấp những chất cho cảm giác đê mê mà cậu đã quen dùng. Chẳng bao lâu, cậu cũng bị bắt khi đang vận chuyển ma túy, và kết quả là phải vào tù. Những người trẻ tuổi này có phước mới nhận được những số tiền “trên trời rơi xuống” như vậy, nhưng do nhận thức kém, lại sống trong môi trường nhiều cám dỗ, họ đã biến phước thành họa.

Khi nhân cách hướng thượng và tâm trí sắc bén, dày dạn kinh nghiệm và biết kiên nhẫn, người ta có thể biến họa thành phước. Thiền sư Guenkaji đã từng là một doanh nhân trẻ tuổi tài ba. Ở tuổi ba muơi, ông đã tạo dựng đuợc một cơ nghiệp khá lớn và một gia đình hạnh phúc theo truyền thống Ấn giáo, tại thành phố Yangoon, nước Myanmar. Nhưng rồi một điều không may đã xảy ra, ông bị chứng thiên đầu thống hành hạ khủng khiếp. Những đêm dài mất ngủ và chứng đau nửa đầu làm ông không còn lòng dạ nào vui hưởng những tiền bạc và tiện nghi đã tạo dựng trong những năm tháng trẻ tuổi của cuộc đời. Ông đi khắp nơi, đến những thành phố nổi tiếng là văn minh và có nền y học hiện đại và phát triển nhất trên thế giới để chữa bệnh, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau hơn ba năm tốn nhiều tiền của và hy vọng, ông trở lại quê nhà và tiếp tục chịu đựng những cơn đau đầu cho cảm giác như sống trong địa ngục.

Một hôm có người bạn đến cho ông hay là ngay trong cùng thành phố mà ông đang sống có một vị thiền sư Phật giáo dạy pháp thiền rất hay. Tu tập theo pháp thiền này có thể giúp nguời ta kham nhẫn được những cảm giác đau đớn trên thân mà tâm không bị ảnh hưởng như sân hận, oán trách hay trầm cảm. Thương nhân Guenka quyết định thử pháp thiền này một thời gian xem nó có giúp được gì cho mình không. Ông tìm đến gặp thiền sư U Ba Khin và xin thọ giáo tu tập dưới sự hướng dẫn của vị thiền sư này. Sau vài tuần thiền tập quán sát cảm thọ trên cơ thể, ông đã có thể kham nhẫn những cơn đau tốt hơn. Tiếp tục tu tập theo phương pháp đó, ông đã hoàn toàn làm chủ được những cơn đau trong đầu. Sau độ nửa năm, bệnh thiên đầu thống không còn hành hạ ông được nữa.

Không những vượt qua được những cảm giác khó kham nhẫn, ông còn vượt qua được tất cả nhửng cảm giác vui buồn yêu ghét vô thường của một con người bình thường. Ông vẫn sống với vợ con và tôi tớ trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của một thương nhân giàu có & thành đạt, nhưng tâm thức ông không còn bị ràng buộc bởi những thứ đó. Với cảm giác hoàn toàn buông xả & vô chấp, ông đã là một hành giả thành tựu trên con đường phát triển tâm linh.  Khi đã trở thành một thiền sư nổi tiếng, ông thường nhắc đến sự kiện bị đau đầu như một “tai nạn may mắn” trong đời. Vì  những cơn bệnh khổ đó đã đưa ông đến với đời sống đạo và con đường phát triển tâm linh kỳ diệu khiến cho cuộc đời ông có một bước rẽ rất ngoạn mục, thành tựu trong cả hai thế giới vật chất và tâm linh.

Nguồn: khemarama.com

Các tin tức khác

Back to top