Vấn đề là ta có biết nó đang có mặt như thế nào và biết cách tiếp nhận hay không thôi.
Ta đã từng quan niệm hạnh phúc là gì? Có phải là được sống trong những điều kiện tiện nghi như ăn uống đầy đủ, tiêu xài thoải mái, nhà cửa khang trang, công việc thuận lợi, thương yêu chiều chuộng, con cái ngoan hiền, bạn bè thân thiện… Những tiện nghi đó đem lại cho ta một cảm giác thoải mái, dễ chịu, thích thú, sung sướng nên ta nghĩ rằng mình có hạnh phúc. Định nghĩa này hầu hết mọi người công nhận. Cái cảm giác mà ta vừa diễn đạt là hạnh phúc có tên gọi riêng là lạc thọ.
Nhưng có khi ta đang sống trong những điều kiện rất thuận lợi, không có vấn đề gì phải bận lòng sầu khổ, hoặc chỉ có chút đỉnh khó khăn thôi thì lẽ ra ta phải có hạnh phúc chứ, sao vẫn than van số phận hay kêu ca cuộc đời hoài vậy? Cho nên phải có ý thức về những gì ta đang có chính là điều kiện của hạnh phúc thì ta mới có hạnh phúc được.
Cũng như nhìn những đứa bé đang nô đùa rất hồn nhiên, không tiếc nuối quá khứ cũng không lo lắng chuyện tương lai, ta nghĩ chắc các em đó đang hạnh phúc lắm. Nhưng liệu các em có biết điều đó không, hay chỉ khi nào lớn lên và đánh mất cái thiên đường đó rồi các em mới nhận ra mình đã từng sống trong hạnh phúc?
Ta có đang ở trong thiên đường không? Thiên đường của ta là gì? Thiên đường hạnh phúc, cái cảm giác ngọt ngào và êm dịu ấy thì ai cũng có cả. Đó là một sự thật rất rõ ràng, chỉ cần một chút ý thức là ta có thể tiếp xúc ngay. Nhớ lại những lần bị đau bao tử, không ăn uống được hay không làm việc gì được đã đành, mà cảm giác đau thắt ấy thật khó chịu. Lúc ấy ta quả quyết rằng không có cái khổ nào bằng đau bao tử.
Nhưng trước đó vài giờ ta có biết mình rất hạnh phúc vì không bị chứng đau bao tử hành hạ không? Rõ ràng là không hề có, vì ta phải lo bao nhiêu chuyện to tát trên đời, hơi sức đâu mà nghĩ tới những cái cỏn con như vậy. Song chính những cái cỏn con ấy đã khiến ta phải khổ sở và gác lại bao điều to tát. Và khi trải qua từng giờ phúc trong cơn vật vã ấy ta mới nghiệm ra rằng không đau bao tử cũng là một điều kiện hạnh phúc.
Hãy thử suy ngẫm về những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có, phải chăng nhiều hơn ta tưởng tượng không? Chỉ cần liên tưởng tới hình ảnh của những em bé mồ côi, những em bé chết đói hay tật nguyền đang có mặt khắp nơi trên thế giới thì ta đã thấy mình hạnh phúc tới chừng nào rồi. Những em bé đó phải đi bằng đôi tay hay lấy thức ăn bằng đôi chân, hoặc chưa từng nhìn thấy bầu trời xanh hay tiếng chim hót, hoặc cũng chưa một lần nào được chăm sóc ân cần từ bàn tay của những người thân trong gia đình hay bạn bè.
Còn ta, ta đang sở hữu quá nhiều thứ. Ta có đôi mắt sáng ngời, đôi chân vững chắc, đôi tay tháo vát, giọng nói trong trẻo, trái tim khỏe mạnh, năng lượng sống tuôn tràn, tương lai rực rỡ chào đón… Ta không bị vướng vào chứng bệnh nan y nào về thể chất, cũng không lâm vào tình trạng khủng hoảng điên cuồng vì thiên tai hay tai nạn do con người gây ra. Ta đang có cơ ngơi ổn định, công việc thuận lợi, tài năng phát triển. Ta cũng đang đầm ấm với gia đình, được người thương quan tâm chìều chuộng.
Những điều đơn cử ra đây chỉ là một phần rất nhỏ so với những điều kiện hạnh phúc quá lớn mà ta đang sở hữu. Nếu không được nhắc nhở, ta cũng không ngờ mình giàu có như vậy, một gia tài hạnh phúc đã từng được ta nâng niu và cũng đã từng bị ta ném vào bóng tối lãng quên để tiếp tục đuổi theo những đối tượng hấp dẫn khác trong tương lai.
Hạnh phúc bị lãng quên
Có thế diễn đạt hành trình đi tìm hạnh phúc của chúng ta bằng cái trục ngang với rất nhiều điểm đến. Ta hãy chọn khởi điểm là A và điểm đến là B. B có thể là nguyện vọng lấy được chứng chỉ master. Nhưng đến B rồi cũng thấy thường thôi, chưa phải là hạnh phúc nên ta sốt ruột muốn đến thử C, lấy được người mình thương mới thật sự là hạnh phúc. Nhưng sau đó không lâu ta bỗng phát hiện hình như còn thiếu một vài điều kiện quan trọng nữa mới nắm được hạnh phúc, phải có một đứa con xinh xắn mới gọi là mái ấm gia đình, nên ta đã hy vọng ở D.
Rồi ta vẫn chưa an tâm, tiếp tục đặt ra những điều kiện hạnh phúc mà mình cần phải đạt cho bằng được như là sở hữu một căn nhà khang trang rộng lớn, một chiếc xe hơi đời mới nhất, một trương mục khá nhiều tiền, một địa vị có nhiều quyền lực mà bạn bè đều kính nể… thì mới bảo đảm cho hạnh phúc bền vững.
Cứ thế ta tiếp tục lao như điên đi về E, F, G… và ở mỗi điểm ta chỉ cảm nhận được giá trị hạnh phúc rất ngắn ngủi. Chừng vài tuần hoặc vài tháng sau ta lại khát khao đến những điều kiện hạnh phúc khác. Đôi khi ta còn nghĩ biết đâu hạnh phúc thật sự chỉ nằm ở cuối trục ngang này không chừng.
Ô hay, cuối trục ngang này là cuối cuộc đời ta rồi đây. Ai dám bảo đến đoạn cuối đời ta mới có thể chạm tay tới cái giá trị thiêng liêng của hạnh phúc kia chứ. Nhưng nếu quả thật như vậy thì uổng phí cho cả kiếp người không ngừng phấn đấu và tân tụy với cuộc sống mà chỉ hưởng hạnh phúc trong khoảnh khắc ngắn ngủi thế thôi sao?
Thật ra hạnh phúc đều có mặt ở A, B, C hay D, E, F cho đến X, Y, Z nữa, và giá trị hạnh phúc ở mọi nơi mọi lúc đều giống như nhau về phương diện bản chất, nghĩa là A=B=C…=Z. Nhưng làm sao ta biết được điều này khi động cơ bỏ hình bắt bóng luôn thúc đẩy ta lao tới trước như một thói quen truyền kiếp rất con người?
Chính vì kẹt vào những ước mơ chưa đạt được nên ta không thể thừa hưởng những hạnh phúc lớn lao mà ta đang có. Liệu ta có chắc khi những ước mơ kia thực hiện xong là ta sẽ hoàn toàn hạnh phúc không? Ta chỉ tiên đoán thôi, vì một năm nay hay hai năm về trước chẳng phải ta cũng đã từng có những điều ước, và hầu hết những điều ước ấy đều đã thành tựu sao ta vẫn không có hạnh phúc? Thế mà ta vẫn tiếp tục ước mơ, tiếp tục hy vọng như chưa từng biết gì về hạnh phúc.
Nếu ta không biết cái gì làm cho ta hạnh phúc trong hiện tại, thì làm sao ta có thể biết được cái gì làm cho ta hạnh phúc trong tương lai?
Vậy ta có cần ước thêm nữa hay không hay nên quay về tiếp nhận những gì mình đang có và bằng lòng với nó, như thế may ra ta mới biết được hương vị thật sự của hạnh phúc. Khi nhận ra được giá trị hạnh phúc của mình đã sẵn có thì ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để hết lòng giữ gìn, không vì chút cảm xúc nhất thời đam mê mà đánh đổi giá trị hạnh phúc.
Chỉ khi nào nắm được hạnh phúc thật sự trong tầm tay, ta mới có thể làm cho người khác hạnh phúc một cách chín chắn được. Hãy thử lấy ra một tờ giấy để ghi xuống những điều kiện hạnh phúc mà ta đang sở hữu. Chắn chắn một tờ giấy sẽ không đủ, vì càng nhìn lại thì ta càng phát hiện có tới trăm ngàn thứ quý giá trong ta mà từ lâu ta đã bỏ quên. Hạnh phúc có sẵn mà không cảm nhận được là một loại cảm xúc trung tính, một trạng thái bình thường hóa những phẩm chất cảm xúc khi thiếu đi sự mạnh mẽ của nhận thức. Ta thường gọi nó là xả thọ.
Chính cái cảm xúc bị bão hòa ấy khiến cho ta mau nhàm chán những gì mình đang có, đánh mất niềm tin những thứ có thể mang lại hạnh phúc như nó đã từng thể hiện trong quá khứ. Ta lại tiếp tục giẫm đạp lên hạnh phúc để đi tìm hạnh phúc. Tuy bị bỏ rơi những khả năng linh động của những điều kiện hạnh phúc vẫn còn đó, chỉ cần trở về tiếp xúc và nuôi dưỡng thì nó sẽ bừng dậy và tràn lan trên tâm hồn ta.
Do lãng quên mà ta đã để cho “lạc thọ” biến thành “xả thọ”, nhưng nhờ ánh sáng tỉnh thức đã khiến cho chúng phục hồi trở lại chức năng “lạc thọ” của mình. Và khi phát hiện ra những điều kiện hạnh phúc của ta thật quá nhiều và quá gần gũi, thế nào ta cũng ngỡ ngàng thốt lên: Trời ơi, tôi là kẻ hạnh phúc nhất trên đời!
Nhưng trong chúng ta có mấy kẻ thốt lên được câu nói đó, hầu hết mọi người chỉ biết mình hạnh phúc sau một cơn nguy biến, một tai nạn chạm mặt với tử thần, hay một cuộc phân kỳ tưởng chừng không bao giờ gặp lại, còn không, họ vẫn miệt mài rong ruổi đi tìm hạnh phúc như chú ngựa hoang phi nước đại hướng về dãy đồi hấp dẫn xa tít tận chân trời.
Để đến khi mỏi vó chùn chân, ngựa hoang đang dừng lại trên thảm cỏ xanh non và dòng suối mát trong, chợt nghe lòng dâng lên một cảm giác bình an và ấm áp quen thuộc. Ngựa hoang giật mình nhận ra hương vị của hạnh phúc chính là đây, sao mình khờ dại giẫm đạp lên nó mỗi ngày để đi tìm trong viễn cảnh?
Nhưng ngựa hoang sẽ dừng bước giang hồ để chấp nhận sống sâu sắc trong hiện tại, hay sẽ ngậm ngùi tiếc nuối khi nhìn lại đoạn đường hoang phí đã qua, hoặc sẽ tiếp tục hăng hái lao tới tương lai để đi tìm hạnh phúc sau khi đã hồi phục?
Ý thức được điều kiện hạnh phúc chỉ có trong giây phút hiện tại nên không còn chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm đã là một bước đi đáng kể, nhưng giữ vững ý thức đó không để cho mãnh lực hấp dẫn phía trước lôi kéo thì không phải dễ, phải có khả năng và phương pháp nuôi dưỡng cụ thể, chứ chỉ có mỗi ý chí thôi thì không đủ.
Cho nên không phải bất kỳ ai đến đoạn cuối cuộc đời cũng chưa hề biết được bộ mặt của hạnh phúc. Có thể họ đã từng sống trong hạnh phúc, nhưng không giữ nó được bao lâu. Tại vì họ bất lực trước bản năng đón nhận hạnh phúc bằng cảm xúc hời hợt của mình. Cái bản năng mau chóng bình thường hóa mọi thứ dù là những hạnh phúc lớn lao nhất, cái mà người ta vẫn thường nghi ngờ và cho rằng đó là sự trêu đùa của số phận.
Hạnh phúc tương đối
Khi sống trong những điều kiện thuận lợi như thưởng thức món ăn khoái khẩu trong một nhà hàng danh tiếng, mua được chiếc xe mơ ước bấy lâu, vừa ký một hợp đồng rất béo bở, du lịch đến một xứ sở cảnh đẹp như cõi thần tiên, được nghe những lời khen tặng hết lòng của người thương, chia sẻ những ước mơ thầm kín với người mình tin tưởng… thì phần lớn ai cũng có cảm giác sung sướng, dễ chịu và kết luận là mình đang có hạnh phúc.
Trong khi những người sống trong hoàn cảnh rất khó khăn như phải làm việc quần quật để lấy tiền nuôi con ăn học, hay dầm mình trong mưa bão để kịp thời cứu hộ người thân đang mắc kẹt trong tai nạn, hay chịu những đòn tra tấn để giữ bí mật quân sự và tinh thần bất khuất của dân tộc… Tuy không có được những cảm giác sung sướng, dễ chịu trên bề mặt cảm xúc, nhưng tận sâu kín trong tâm hồn vẫn có sự hài lòng, thỏa mãn vì đã thực hiện được ước mơ, nguyện vọng hay lý tưởng của mình. Trong trường hợp này, ý chí và tình thương đã làm nên hạnh phúc.
Như vậy có hai loại hạnh phúc, một loại hạnh phúc vì được thỏa mãn cảm xúc và một loại hạnh phúc vì được thỏa mãn ý chí. Loại hạnh phúc thứ nhất thiên về sự hưởng thụ bằng các giác quan, mặc dù phải thông qua sự chọn lựa yêu thích của ý thức. Loại hạnh phúc thứ hai không cần thông qua sự hưởng thụ, thậm chí chấp nhận luôn những cảm xúc xấu, chỉ cần thực hiện được nguyện vọng sâu sắc của mình.
Nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy hạnh phúc thứ hai là loại hạnh phúc lớn hơn và bền vững hơn. Những người trải nghiệm trong cuộc đời thường giảm bớt hoặc lẩn tránh những loại hạnh phúc được xây dựng trên cảm xúc vì bản chất của nó tan biến rất nhanh và để lại hậu quả là sự xuống cấp thân tâm và cả sự nghiện ngập.
Họ chấp nhận một đời sống tri túc, ít hưởng thụ, nhưng ngược lại tâm hồn lúc nào cũng thanh thản và bình an. Tại vì họ đã ý thức được rằng cái lạc phải luôn gắn liền với cái an, an lạc mới là thứ hạnh phúc lâu bền.
Tiền bạc, quyền lực, danh dự, sắc dục… cũng chỉ đem lại một cảm xúc thỏa mãn, nhưng để có được một cảm xúc thỏa mãn, nhưng để có được nó ta phải nếm trải qua rất nhiều cảm xúc xấu như hồi hộp, lo lắng, sợ hãi, bực tức, hờn ghen hay phải kích động và tập dợt cho những hạt giống xấu trong tâm hồn như gian dối, nghi ngờ, cố chấp, lợi dụng, thù hận. Rốt cuộc để mưu cầu hạnh phúc thì ta lại gieo rắc cho chính mình những mầm mống khổ đau.
Khi ta có đủ bản lĩnh vượt qua bản năng hưởng thụ rất con người của mình thì ta sẽ tìm thấy thứ hạnh phúc được nuôi dưỡng bằng ý chí và tình thương đó mới thật sự là hạnh phúc cao đẹp và xứng đáng để ta bỏ công sức đi tìm. Một tách trà nóng, một bữa cơm đơn sơ, một rừng thu là chín, một chiếc thuyền nhẹ trôi… sẽ là thiên đường cho những khách phong trần muốn tìm lại chính mình sau những ngày tháng sống trong phiêu lãng.
Hạnh phúc chân thật
Ta như đứa trẻ được sinh ra trong gia đình tỉ phúc mà lại lang thang vất vưởng đi tìm một tương lai. Một đứa trẻ bỏ nhà đi hoang theo tiếng gọi cháy bỏng của con tim thì không dễ gì chịu quay về khi chưa thấy được sự phũ phàng sau những khát khao cuồng dại. Trong một may mắn tình cờ được một người tốt bụng chỉ điểm và nâng đỡ, đứa trẻ giác ngộ và chấp nhận quay về để chính thức tiếp nhận gia tài mà bấy lâu không hề nhớ tới.
Còn hạnh phúc nào hơn khi một kẻ khốn cùng bỗng dưng được sở hữu một gia tài đồ sộc của một tỉ phú. Nhưng nỗi mừng này sẽ tồn tại bao lâu khi những thói hư tật xấu mà đứa bé đã tích lũy trong những lần đánh mất bản thân để mưu cầu hạnh phúc cứ không ngừng lên tiếng, những hạt giống đi hoang năm xưa vẫn luôn thúc giục bên lòng.
Làm một chuyến đi hoang nữa thì khiếp lắm vì ta đã quá thấm thía sự bạc bẽo của tình đời, phía sau những hào quang hạnh phúc mong manh kia luôn giăng đầy những cạm bẫy. Vậy ta nên lờ đi những phiền não đang chế ngự trong lòng để cố hết sức tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc tương đối mà mình đang có, hay phải cố gắng giải phóng triệt để những năng lượng độc hại ấy thì ta mới thật sự là kẻ có hạnh phúc chân thật?
Tách trà thơm, bữa cơm ngon, hơi thở dịu êm, bước chân thong thả, nụ cười tươi mát… đều là những giá trị của hạnh phúc. Nhưng khi những hạt giống xấu trong chiều sâu tâm hồn như sân hận, thèm khát, hận thù, tuyệt vọng… biến thành những nguồn năng lượng hắc ám cả thâm thắc thì ta đâu còn khả năng để tiếp xúc với những giá trị mầu nhiệm của hạnh phúc trong hiện tại được nữa. Cái khổ đau bây giờ đã lấn át cái hạnh phúc.
Cũng may là tâm thức của ta có khả năng tiếp nhận và biểu hiện nguồn năng lượng nào mạnh nhất, nghĩa là nếu ta dồn hết sức để phát huy những năng lượng tích cực có tính chất nuôi dưỡng giá trị hạnh phúc thì nó sẽ lấn áp trở lại những phiền não khổ đau. Cũng giống truyền hình có nhiều kênh, nếu chương trình của kênh này có nhiều bạo động nặng nề thì ta có thể mở sang kênh khác thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
Điều này ta cũng đã từng áp dụng. Mỗi khi bị căng thẳng hay có nỗi buồn xâm chiếm thì ta lập tức tìm nguồn vui khác để thay thế như gọi điện thoại, lên internet, nghe nhạc, đi shopping hay tìm đến những cuộc vui. Những cách đó cũng đem lại kết quả nhanh chóng, nhưng khi cuộc vui tan biến thì khổ đau lại tiếp tục trỗi dậy như cũ.
Người hiểu biết hơn thì không tìm những điều kiện bên ngoài, họ dùng ngay những chất liệu nơi chính bản thân để chế phục phiền não. Phương pháp mà những nhà luyện tâm thường dùng đó là theo dõi hơi thở. Chỉ cần đem hết tâm ý chuyên chú vào hơi thở và quan sát phẩm chất của chúng khoảng chừng năm mười phút là phiền não tan biến ngay.
Thật ra phiền não không bao giờ biến mất, nó chỉ có thể chuyển từ dạng năng lượng như một cơn giận trở về dạng hạt giống như hạt giống giận. Phương pháp nương tựa hơi thở tuy rất hữu hiệu để giúp ta trở về an trú trong giây phút hiện tại và lấy lại sự tỉnh táo sáng suốt, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Rất tiếc, ta không phải là cái truyền hình có thể giữ mãi một kênh nào theo ý mình muốn.
Dù cách gì đi nữa, nếu ta cứ tránh né phiền não hoài thì muôn đời ta sẽ không bao giờ hiểu biết về chính mình cả. Chỉ khi nào ta hiểu được những gốc rễ, ngõ ngách và năng lực tàn phá của phiền não, hiểu được sự vận hành và mối liên kết sâu xa của phiền não với bản ngã rất kiểu cách và luôn che đậy trong chính ta, thì ta mới tìm ra được cách thoát khỏi sự thao túng và hành hạ của nó.
Bởi hạnh phúc chân thật không bao giờ bị điều kiện hóa, nó không cần kèm theo điều kiện phải được thỏa mãn cảm xúc hay ý chí thì nó mới biểu hiện. Nó là trạng thái vượt ra khỏi sự giam hãm tù đày của những phiên não sâu kín trong tâm hồn, và cả sự vay mượn hạnh phúc tạm thời từ những thứ khác. Nó là một nguồn ánh sáng tinh anh kỳ diệu xưa nay vẫn tồn tại trong trái tim thuần khiết của mỗi con người. Đặc tính của nó là tự do, an ổn, bình đẳng và đầy tình thương.
Lẽ dĩ nhiên tùy vào nhu yếu và trình độ của mỗi người mà hạnh phúc sẽ có nhiều cung bậc khác nhau, dù vậy, ta cũng đừng quên rằng càng bớt đi những điều kiện bên ngoài thì hạnh phúc trong ta sẽ càng lớn. Nghĩa là hoàn cảnh như ý không phải là thứ hạnh phúc mà ta đang đi tìm, mà chính nó là kẻ dung dưỡng cho sự yếu đuối và hèn nhát của con người, không dám tự khơi dậy hạnh phúc chân thật từ nơi chính mình.
Ta phải cho phép mình đối đầu với hoàn cảnh khổ đau, đối đầu với những khó khăn trở ngại lớn nhất trong tâm hồn, vì chỉ có như thế ta mới tìm được toàn bộ con người chân thật của mình mà bấy lâu nay bản ngã yếu hèn đã cố tình che đậy bằng những hạnh phúc mong manh giả tạm. Hạnh phúc có từ nơi ấy là hạnh phúc của kẻ giàu sang bậc nhất trên đời, không có bất cứ trở lực nào có thể phá nổi.
Này kẻ giàu bậc nhất
Đừng chịu kiếp van nài
Hãy quay về tiếp nhận
Bảo vật trong tầm tay.
Thích Minh Niệm - Theo Vẻ Đẹp Phật Pháp
Các tin tức khác
- Chân lý trong hận thù (24/10/2014 12:29)
- Giữa những vội vã (17/10/2014 12:00)
- Phương pháp thư giãn nơi làm việc (14/10/2014 10:14)
- Thiền Sư Động Sơn Và Thư Gửi Mẹ ( 2/10/2014 9:32)
- Chiến thắng chính mình ( 1/10/2014 5:59)
- Nghệ thuật thả bò ( 1/10/2014 5:17)
- Khiêm tốn & ngạo mạn (18/09/2014 10:05)
- Chợt tỉnh vô thường (14/09/2014 2:46)
- Bài ngữ pháp dành cho bạn trẻ (12/09/2014 9:31)
- Bình yên giữa dông bão và lửa hận ( 3/09/2014 9:42)