Người thấy tiền bạc không tham đắm, dính mắc quả thật là điều khó vì tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình. Người đối với mọi hình sắc, vừa thấy liền khởi niệm say mê, rồi tác ý ưa thích nghĩ tưởng hình sắc, thế là lòng tham chìm đắm trong cảm thọ thấy đẹp xấu và dính mắc vào đó. Nếu tâm dính mắc càng lớn mạnh thì tâm bồ đề bị lu mờ, do đó dấy khởi phiền não làm tâm không an định.
Không những đối với sắc, đắm mê sắc có những cái hại như thế, mà đuổi theo tiếng hay êm ái dính mắc vào đó, đuổi theo hương vị thơm tho tham đắm vào đó, bám theo vị ngon ngọt thích thú khen ngợi, thân xúc chạm thích êm ái nhẹ nhàng và ý tác động vào đó, cũng có những cái hại tương tự như thế.
Người thấy sắc không nhiểm sắc, tuy mắt thấy sắc mà tâm vẫn an trú trong chánh niệm nên không chạy theo cảm thọ lạc hay cảm thọ khổ. Đã không chạy theo cảm thọ thì tâm không dính mắc nơi sắc. Thấy sắc như thế nào thì thọ nhận như thế ấy. Không khởi tâm phân biệt thủ xả chấp trước, hằng ở trong chánh niệm, tỉnh giác thì phiền não trần lao khổ không dấy khởi. Một hôm Tôn giả Phú Lâu Na đến đảnh lễ đức Phật, thưa :
Bạch Thế Tôn, con muốn đến một chỗ vắng vẻ để tu. Xin Thế Tôn dạy cho con phương pháp tu đơn giản dễ nhớ, để con đến đó tu hành chóng đạt được đạo.
Phật dạy :
Mắt thấy sắc không nhiễm trước, không dính mắc thì thành tựu đạo pháp, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm không nhiễm trước, không dính mắc thì thành tựu đạo pháp. Ngược lại, nếu nhiễm trước, nếu dính mắc thì quên mình theo vật.
Phật dạy tu rất là đơn giản.
Tại sao mắt thấy sắc nhiễm trước dính mắc thì đồng với người thế gian? Mắt của chúng ta hiện thấy hình sắc, cái thấy đó có giống nhau không? Nếu có sự quán chiếu vào bên trong thì thấy chỉ là thấy, sự vật như thế nào thì thấy rõ như thế nấy, còn nếu có phân biệt đẹp xấu thì tâm dính mắc dấy khởi.
Ví dụ như có bốn người vào tiệm mua vải, có nhiều xấp vải cùng loại mà khác màu: nào trắng, xanh, vàng, đỏ, đen, tím, lam, hồng... Khi chọn hàng mua, kẻ thì chọn màu trắng, ngưòi thì chọn màu xanh, kẻ thì chọn màu vàng, người thì chọn màu hồng mỗi người tùy theo sở thích của mình mà chọn mỗi màu khác nhau. Người chọn màu trắng cho màu trắng đẹp, người chọn màu xanh cho màu xanh đẹp, người chọn màu vàng cho màu vàng đẹp, người chọn màu hồng cho màu hồng đẹp. Mỗi người có mỗi nhận định, sở thích khác nhau. Vậy màu nào đẹp thật ? Nếu ai cũng cho rằng màu mình thích là đẹp nhất, thì chắc chắn sẽ có cãi lộn.
Như vậy nếu thấy sắc bám víu vào đó thì sanh nhiễm trước, rồi bảo vệ cái thấy của mình. Do bảo vệ cái thấy của mình, ai nói khác đi thì mình chống đối lại. Từ đó sinh phiền não giận hờn, mà gây ra nhiều đau khổ cho nhau. Cho nên đối cảnh tâm không lay động là khó, vì chúng ta còn cái thấy của phàm phu.
Cái nghe cũng vậy, nhiều người cùng nghe một bản nhạc, người thì khen hay, kẻ thì chê dỡ. Nếu hai nguời khen chê cùng tranh chấp thì sẽ cải lộn nhau!
Đến cái ngửi, thông thường hương thơm thì mũi ai cũng ghi nhận thơm, mùi hôi thì mũi ai cũng biết hôi. Tuy nhiên có cái người này khen thơm, người khác lại chê hôi. Chẳng hạn như người chưa từng ăn sầu riêng thì chê sầu riêng hôi; còn người quen ăn sầu riêng thì khen sầu riêng thơm. Thơm hay hôi tùy theo sở thích của mỗi nguời, nó không cố định.
Kế đến là lưỡi nếm vị, vị nếm có giống nhau không ? Cùng ăn một món mà người khen ngon kẻ chê dở. Chẳng hạn cô đầu bếp quen ăn mặn, nấu thức ăn cô nấu vừa với khẩu vị của cô. Khi dọn cơm lên người khách xa ăn thấy mặn. Người nói mặn, người nói vừa ăn, vậy ai đúng?
Bây giờ tới thân xúc chạm. Thân xúc chạm cũng không giống nhau nữa. Ví dụ vào mùa Đông người có thân hình mập mạp và người có thân hình gầy yếu cùng ở chung một phòng.
Người có thân mập mạp cảm thấy vừa mát, còn người gầy cảm thấy lạnh lẽo. Trong phòng có bao nhiêu cửa sổ người ốm đều đóng lại để giữ hơi ấm. Khi đóng cửa thì người mập cảm thấy nóng nực khó chịu. Để chúng ta thấy rằng xúc chạm cũng không giống nhau, cho nên tuỳ theo cơ địa của mỗi người mà sự xúc chạm cảm nhận khác nhau.
Tóm lại, đối duyên xúc cảnh tâm không lay động là khó đối với người chưa biết tu, người có chút công phu dễ dàng làm chủ cảnh duyên, nhưng vẫn có những lúc bất giác bị vọng tưởng làm cho tâm Bồ đề mờ tối.
Trích "Phật dạy 20 điều khó" - Thích Đạt Ma Phổ Giác
Các tin tức khác
- Công Vinh - Thủy Tiên làm lễ cưới trang trọng ở chùa (28/12/2014 3:22)
- Diệu dụng của thiền (26/12/2014 11:17)
- Lưới ái (26/12/2014 12:51)
- Thế nào cho phải đạo (21/12/2014 1:44)
- Sự sống quý giá của con người (18/12/2014 2:13)
- Mong cầu ( 9/12/2014 11:58)
- Những câu hỏi ... ( 8/12/2014 5:45)
- Tu trong lúc đi học ( 7/12/2014 12:19)
- Làm sao cho con tự nguyện đi chùa một cách vui vẻ? ( 6/12/2014 12:44)
- Công chúa bong bóng ( 1/12/2014 10:01)