20/06/2016 1:11
Sáng nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đều đặn sáu rưỡi sáng, hai mẹ con nhà bác Hinh – hàng xóm nhà tôi lại đẩy chiếc xe chờ rau lên con dốc nhỏ để bán. Chiếc xe cũ kĩ, già nua nên mỗi lần di chuyển lại phát ra những tiếng cọt kẹt.
Tôi không nhớ rõ bác bắt đầu bán hàng từ bao giờ, chỉ biết ngày tôi còn học cấp 2 lúc nào cũng bắt gặp hình ảnh một anh con trai âm thầm đi sau lưng đẩy xe phụ mẹ vào mỗi buổi sớm còn mờ hơi sương.
Sau này, khi hàng xóm thân thiết với nhau hơn tôi mới biết anh hơn tôi ba tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành toán cơ và đang làm việc ở công ty FPT. Anh không giống những chàng trai thành thị. Anh ít nói và sống khép mình. Bao nhiêu năm cùng sống trong con ngõ nhỏ, chạm mặt với nhau cũng nhiều nhưng anh chưa bao giờ bắt chuyện với tôi. Ngày trước tôi còn tưởng anh không nói được vì lúc nào gặp cũng thấy anh im lặng, chỉ cúi gằm mặt rồi rảo bước đi thật nhanh.
Có lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ chú ý đến người con trai bình dị ấy cho đến một ngày tôi tình cờ nhìn thấy hành động cũng như ánh mắt đầy thương yêu của anh dành cho mẹ của mình…
Ảnh minh họa |
Hà Nội sáng hôm ấy đang bước vào đông với cái lạnh se sắt, sương sớm vẫn còn vương đầy trên các nhành lá, ngọn cây. Bầu trời mờ tối vì ánh nắng ấm áp của mặt trời vẫn chưa hé rạng. Như thường lệ, anh lại đi sau đẩy xe lên dốc cùng mẹ. Sau khi giúp mẹ bày rau ra mẹt anh quay trở về nhà để chuẩn bị áo quần đi học.
Đột nhiên, trời đổ mưa rào. Mưa như trút, từng cơn nặng hạt mãi không dứt. Tôi thấy anh chạy vội từ nhà lên, vội đến nỗi chẳng kịp che ô hay mặc áo mưa. Anh vội vội vàng vàng đẩy xe lên dốc để cất rau cho khỏi nát. Vừa xếp rau vào xe anh vừa dúi chiếc áo mưa cho mẹ mặc. Người anh thì ướt sũng, nước mưa cứ xối xả rơi xuống khuôn mặt của anh. Bất chợt tôi thấy anh quay lại nhìn bác với ánh mắt đầy lo lắng. Có lẽ anh sợ bác ngấm mưa nên bị ốm.
Tôi đang đứng ở trên dốc để trú mưa nên tình cờ thấy được khoảnh khắc ấy. Đột nhiên trong tôi lúc đó trào dâng một nỗi niềm khó tả. Có chăng đó chính là sự kính trọng dành cho người con trai ấy. Ánh mắt anh nhìn mẹ đầy quan tâm, vội đưa áo mưa cho mẹ mặc rồi nhẹ nhàng lau những giọt nước mưa buốt lạnh trên khuôn mặt mẹ khiến lòng tôi thấy ấm áp và bình yên đến lạ kì. Hình ảnh ấy đối với tôi chính là một bức tranh hoàn mỹ và tuyệt vời nhất.
Hóa ra sự quan tâm của người con trai như người ta vẫn nói thường thầm lặng nhưng vô cùng cao cả là như vậy.
Ngày ấy tôi còn nghĩ anh lặng im vì xấu hổ với công việc của mẹ mình khi bác chỉ là một người phụ nữ bán rau giản dị. Lúc nào chân tay, quần áo cũng lấm lem bụi bẩn. Mỗi lần mua rau của bác tôi đều thấy đất ở kẽ các ngón tay. Đôi bàn tay bác đầy những vết chai sạn, chứ không phải đôi tay trắng nuột nà như mơ ước của mỗi cô gái. Có lẽ vì bác thường xuyên phải gọt khoai và nhặt rau cho khách nên sự vất vả in dấu hết trên đôi tay nhỏ bé ấy.
Đôi tay bác thoăn thoắt nhặt rồi bó rau, chọn từng trái cà chua cho khách. Lúc nào bác cũng nở nụ cười hiền hậu với mọi người. Chưa bao giờ tôi thấy bác tức giận với khách dù nhiều khi gặp phải những vị khách rất khó tính. Có người nhấc lên nhấc xuống đến nát cả bó rau rồi quyết định không mua và chê rau không tươi.
Đôi tay bác thoăn thoắt nhặt rồi bó rau, chọn từng trái cà chua cho khách. Lúc nào bác cũng nở nụ cười hiền hậu với mọi người. Chưa bao giờ tôi thấy bác tức giận với khách dù nhiều khi gặp phải những vị khách rất khó tính. Có người nhấc lên nhấc xuống đến nát cả bó rau rồi quyết định không mua và chê rau không tươi.
Trong mắt tôi, anh luôn dành cho mẹ một sự quan tâm đặc biệt. Tôi để ý, mỗi khi đẩy xe rau anh luôn chọn phần nặng nhất. Đó là đứng ở phía sau xe để tất cả trọng lượng của xe đổ dồn về phía mình mỗi khi chiếc xe “già” lên dốc. Còn mẹ anh chỉ cần đứng phía trên, điều chỉnh cho xe đi thẳng là được.
Bây giờ ngõ được sửa lại nên đường bằng phẳng hơn chứ ngày trước dốc vừa cao, vừa gồ ghề nên đẩy được chiếc xe nặng thế lên được dốc thì hẳn anh phải nhọc công lắm! Vậy mà tôi chưa bao giờ nghe thấy anh than thở kêu ca lấy một câu.
Với tôi, anh luôn là một tấm gương sáng ngời đức hạnh của sự hiếu nghĩa. Bởi không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận mẹ mình là một người bán rau. Vì con người ai cũng có lòng tự trọng rất cao. Là một người con trai thì lòng tự trọng ấy càng lớn hơn bao giờ hết.
Tôi học với nhiều cậu bạn có mẹ làm nghề bán nước, bán báo hay bán thẻ điện thoại là giấu nhẹm các bạn trong lớp. Bạn tôi xấu hổ mỗi khi có ai bắt gặp mẹ bạn ở gần trường. Nhiều lúc tôi còn thấy bạn tôi cáu gắt trong điện thoại khi mẹ gọi điện hỏi giờ về khi chúng tôi có lớp học muộn.
Những lúc như vậy, tôi càng thấy người con trai sáng sớm đẩy xe rau cùng mẹ thật đáng kính trọng biết bao. Dường như đối với anh, tình yêu thương vẹn đầy nhất là khi ta sẵn sàng vứt bỏ đi cái tôi vị kỷ để hết lòng vì người mà ta thương mến!
Ai chẳng muốn mình được sinh ra trong một gia đình giàu sang, có cha mẹ là tiến sĩ, giáo sư, luôn được ăn mặc sang trọng rồi có người đưa kẻ đón. Nhưng cuộc sống vốn muôn màu, không ai có thể chọn được xuất thân cũng như nghề nghiệp cho chính mình. Tuy anh sinh ra trong một gia đình không khá giả về vật chất, nhưng với tôi, nhân cách của anh còn đẹp và đáng quý hơn tất cả những chàng quý tử mà tôi biết.
Không ít người dù được sống trong nhung lụa nhưng họ không được rèn luyện về đạo đức, tối ngày chỉ biết ăn chơi đàn đúm và coi tiền bạc như cỏ rác. Đáng trách hơn khi họ không hề biết trân trọng và hiếu kính với cha mẹ của mình. Đối với họ, sự chu cấp tiền bạc hay sự quan tâm của cha mẹ với con cái như một điều hiển nhiên và họ chỉ việc hưởng thụ điều ấy.
Tôi thấy họ vừa đáng giận lại vừa đáng thương. Bởi tôi biết những ai quen có được sự chở che của cha mẹ thì khi gặp phải một bất trắc nào đó, dù nhỏ thôi họ cũng dễ dàng bị gục ngã. Và nếu vô thường có tìm đến và đưa cha mẹ “đi” thì họ chắc chắn sẽ trống trải và hoàn toàn mất phương hướng trước cuộc đời đầy rẫy những khó khăn, thử thách.
Thế mới nói, có ngọc trong tay chúng ta thường không biết giữ. Chỉ đến khi mất nó rồi chúng ta mới thấy hối tiếc. Cái hối tiếc đầy day dứt, ân hận và khắc khoải không nguôi theo ta suốt cả một đời.
Thế mới nói, có ngọc trong tay chúng ta thường không biết giữ. Chỉ đến khi mất nó rồi chúng ta mới thấy hối tiếc. Cái hối tiếc đầy day dứt, ân hận và khắc khoải không nguôi theo ta suốt cả một đời.
Từ những đồng tiền nhăn nhúm, chứa đầy những giọt mồ hôi của mẹ, với từng củ khoai mớ rau; chàng trai ngày ngày đi sau lưng mẹ đã chăm chỉ học tập và nỗ lực không ngừng để vươn lên. Cuối cùng anh đã vào được một trường đại học lớn và có một việc làm với mức lương ổn định. Kết quả anh có được ngày hôm nay thật sự là quả ngọt từ những nhân lành mẹ và anh đã gieo trong suốt thời gian qua.
Giờ đây, trong mắt tôi anh không còn là một người lầm lì, ít nói nữa. Mà đó là một người con sáng ngời đức hạnh của sự hiếu nghĩa, một tấm gương sáng mà tôi phải noi theo.
Anh chính là người đã giúp tôi tỉnh thức để biết trân quý công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha:
“Công cha như núi ngất trời
Tình mẹ như nước biển khơi tràn đầy
Dù cho dâng hết thân này
Cũng không trả được công người dưỡng sinh”
Và trên tất cả, anh đã làm thay đổi suy nghĩ trong tôi, giúp tôi trưởng thành hơn trong cuộc sống. Tôi nhận ra rằng một người dù có rất nhiều tiền, làm trong một công ty danh tiếng với một chức vụ trăm người mong ước đôi khi lại không bằng một người làm một công việc bình dị.
Địa vị con người có thể phân thấp cao nhưng nhân cách con người không nên có sự phân biệt giàu nghèo. Sự kính trọng không nằm ở những giá trị vật chất bên ngoài mà nó ẩn trong đạo đức, phẩm hạnh và nhân cách bên trong của mỗi người.
Diệu Âm Minh Tâm Quận Ba Đình – Hà Nội
Các tin tức khác
- Chuyện tình ly trà chanh và bài học làm người (19/06/2016 1:53)
- 10 lời khuyên cần thiết để có được hôn nhân hạnh phúc (18/06/2016 1:25)
- Dạy trẻ biết cho đi (16/06/2016 1:46)
- 18 lời Phật dạy về tình yêu đáng suy ngẫm (15/06/2016 2:06)
- Lý do nào khiến cô gái Hà Nội dừng xe mang áo mưa cho bà cụ không quen biết? ( 7/06/2016 1:05)
- Làng Đại học & thông điệp từ những bữa cơm chay ( 2/06/2016 11:36)
- Cha mẹ dạy con biết hoan hỷ ( 2/06/2016 11:26)
- Câu chuyện cuộc sống: Cuốc xe ôm nhớ đời ( 2/06/2016 12:20)
- Học sinh Nhật học đạo đức như thế nào (25/05/2016 1:04)
- Chín ân đức của cha mẹ (18/05/2016 11:45)