Có người cho rằng, hiếu thảo đơn giản là luôn luôn làm vui lòng cha mẹ – nhưng đây lại là điều không phải ai cũng làm được.
Nếu bạn may mắn vẫn còn cha còn mẹ, vậy thì đừng quên khắc dạ ghi tâm một chữ “Hiếu” trong lòng. Người ta thường nói, gặp khó nạn thì than trời than đất, khi đau đớn thì gọi mẹ gọi cha. Vì thế ca dao mới có câu rằng: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Mẹ nhọc nhằn chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau, rồi cũng đến ngày chúng ta đến thế giới này. Cha mẹ đã cho ta sự sống, cho ta cất tiếng khóc đầu đời, dắt ta qua những bước chập chững đầu tiên, để ta có được nụ cười, rồi lại dạy ta bập bẹ từng từ từng câu. Đây cũng chính là điều mà bao nhiêu năm qua cha mẹ vẫn hạnh phúc kể lại cho chúng ta.
Cha mẹ vất vả nuôi chúng ta khôn lớn, cho chúng ta ăn học thành người, âm thầm dõi theo công việc, chuyện kết hôn, chuyện nuôi con v.v. Cho đến trọn cuộc đời, chúng ta vẫn luôn ở trong trái tim của cha mẹ.
Nhưng khi còn trẻ, bạn có biết chúng ta thường nói câu gì với cha mẹ mình không? Đó chính là: “Cha mẹ không hiểu con chút nào cả!”
Trên thực tế, có bao giờ bạn nghĩ mình đã hiểu tấm lòng của mẹ cha?
Khi công việc không thuận lợi, một số người rất dễ cáu kỉnh, ở nhà luôn luôn giận dữ, thậm chí còn quát tháo cha mẹ. Nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại xem, chúng ta lo cho cha mẹ có cơm ăn áo mặc, sắp xếp cho cha mẹ đi du lịch đó đây, cho cha mẹ đến bệnh viện tốt nhất để chữa bệnh, vậy đã tính là hiếu thảo chưa?
Nhiều người nghĩ rằng họ đối xử rất tốt với cha mẹ, như vậy cũng có thể tự hào là người con hiếu thảo. Giống như “Lễ kí – tế nghĩa” có viết:“Người con hiếu thảo là người biết yêu thương sâu sắc, người biết yêu thương thường biết giữ hòa khí, là một người biết giữ hòa khí thì nội tâm, sắc mặt đều tốt, và lời nói ra rất điềm đạm nhu mì.”
Vậy, nếu không thể dùng sắc mặt ôn hòa để đối đãi với cha mẹ, thì những việc bạn cho là hiếu thảo đó có bao nhiêu phần trăm là xuất phát từ nội tâm?
Trong “Tử du vấn hiếu” Khổng tử có nói: “Ngày nay, người ta gọi người nuôi được bố mẹ là có hiếu. Phận làm con chỉ “nuôi” mà bất kính với cha mẹ thì không thể gọi là có hiếu”.
Điều này có thể hiểu là: Ngày nay, nhiều người cho rằng hiếu thảo là chăm nuôi cha mẹ, nhưng nếu bạn không tôn trọng cha mẹ, vậy thì chăm nuôi cha mẹ và chăm nuôi gà ngựa có gì là khác nhau?
Vì vậy, một người có hiếu và bất hiếu, thì qua từng lời nói cử chỉ đều có thể nhận ra. Còn những người luôn luôn cáu gắt với cha mẹ, không có biểu hiện điềm đạm ôn hòa, sắc mặt cau có thì chính là tự mình “bẻ gãy chữ hiếu” rồi.
Điềm đạm ôn hòa cũng là xuất từ nội tâm, ngay cả sắc mặt cũng không thể tươi tỉnh với cha mẹ, thì ai dám tin bạn là người biết phấn đấu và có lề lối trong sự nghiệp?
Mỗi khi vấp phải chuyện đại sự đều có thể giữ tâm an hòa bình tĩnh, chính là từ cách đối xử hiếu thuận với cha mẹ mà tu xuất ra.
Hơn nữa, “hiếu” thực sự là phải chân thành, không phải chỉ là bề ngoài. Lòng hiếu thuận của bạn lớn nhường nào, thì thể hiện ra bên ngoài cũng lớn nhường đó, tất cả những điều trong lòng đều sẽ phản ánh lên sắc mặt của bạn.
Mỗi ngày về đến nhà, bạn nên mỉm cười với cha mẹ. Điều cha mẹ hạnh phúc và yên tâm nhất là nhìn thấy con cái luôn tươi cười.
Thiếu Kỳ - Theo GC
Các tin tức khác
- 9 thói quen của người phương Tây mà chúng ta rất cần học hỏi ( 2/10/2016 12:05)
- May mắn của cuộc đời (30/09/2016 11:42)
- Ông chủ chỉ có thể cấp cho bạn cơ hội chứ không thể cho bạn vinh hoa phú quý (28/09/2016 12:06)
- Khi bạn tuyệt vọng, 8 điều sau sẽ là động lực để bạn đi tiếp (27/09/2016 12:05)
- Nghệ thuật sống cho giới trẻ (25/09/2016 3:30)
- Dừng lại mới thấy mình đi đâu (24/09/2016 1:52)
- Có một thế hệ trẻ làm ra tiền, nhưng vẫn đói ăn mỗi ngày (17/09/2016 12:36)
- Câu chuyện về ba vị thần và bông hoa Hiếu Thảo ( 9/09/2016 12:24)
- Giới luật & Cũng một chuyện ấy ( 2/09/2016 1:19)
- Vì sao vợ càng dịu dàng, chồng càng thành công? (31/08/2016 11:15)