Những sai lầm của cha mẹ để tạo nên một đứa trẻ hư

16/11/2016 2:22
Người ta nói “con hơn cha là nhà có phúc” để biểu đạt niềm hạnh phúc của bậc làm cha mẹ khi con cái được nuôi dạy nên người và thành đạt trong cuộc sống. Đó cũng là biểu hiện của phước báu trong một gia đình Phật tử. Thật vậy, trong cuộc sống gia đình bao đời nay, ai cũng mang tâm niệm “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, cho dù vất vả hay nhọc nhằn đến mấy cũng gắng công nuôi con thành người.

 


 
Thế nhưng không phải cứ “hy sinh” tất cả là con cái sẽ lớn khôn thành người như suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ. Để giáo dưỡng con cái, ngoài việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và phương pháp giáo dục từ các chuyên gia tâm lý, các Phật tử làm cha mẹ cũng cần lưu ý tránh 5 sai lầm thường gặp sau đây để uốn nắn con cái trở nên một con người hoàn thiện:

1. Chiều con cần có “giới hạn”

Theo Đức Phật, yêu thương, chăm sóc con cái là điều kiện tiên quyết để hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ. Trong kinh Mangala, Ngài cho rằng việc “chăm sóc con cái” là một “ân sủng” trong đời sống cư sĩ, đánh dấu cho sự phát triển tương lai của cả cha mẹ và con cái.

Tuy nhiên, thực tế nhiều bậc làm cha mẹ quá yêu thương con, nuông chiều con một cách “vô giới hạn”biến con thành đứa trẻ tự xem mình là “ông vua” trong gia đình và ngoài xã hội mà không nhận ra như vậy sẽ làm hại con; điều này đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp mà Phật đã dạy về trách nhiệm của bậc làm cha mẹ.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta gặp không ít trường hợp cha mẹ có điều kiện kinh tế sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu của con cái như cho con sử dụng điện thoại “xịn”, kích thích trí tò mò khiến chúng cứ dán mắt cả ngày vào điện thoại rồi xao lãng việc học; sau đó nói chúng không nghe lại quay ra than thở là con hư không chịu nghe lời cha mẹ.

Hoặc có gia đình yêu chiều con đến nỗi khi con đòi hỏi bất cứ thứ đồ chơi nào cho dù đắt tiền đến mấy cũng đáp ứng một cách vô điều kiện. Điều đó càng trở nên nguy hại nhất là trong thời buổi công nghệ hiện đại với nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em thông minh và đắt đỏ như hiện nay. Có thể nói để đáp ứng yêu cầu của một đứa trẻ thì nói khó mà dễ.

Vì vậy, các bậc làm cha mẹ hãy nhìn nhận một cách khách quan để biết cái gì nên đáp ứng theo yêu cầu của con và cái gì không nên; cái gì cần đáp ứng một cách “có điều kiện” để con cái biết trân trọng những món đồ chơi của mình dù nhỏ bé; giúp con có thời gian tập trung cho việc học và các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích khác.

2. Chưa chú ý dạy con làm việc lành

Một trong năm bổn phận của cha mẹ theo lời Phật dạy là giúp con cái kiềm chế, tránh xa những hành động bất thiện. Hay nói cách khác là các bậc cha mẹ cần giáo dục, hướng dẫn con làm việc lành ngay từ bé để sớm ươm mầm hướng thiện cho con. Các bậc làm cha mẹ thường mải mê, tất bật với công việc và suy nghĩ có tiền sẽ giúp con có tương lai tốt hơn mà quên dành thời gian dạy con những việc làm tốt đẹp, dễ thương và đạo đức mà phó mặc trách nhiệm đó cho thầy cô và xã hội.

Để tránh sai lầm này, các Phật tử có thể đưa con cùng đến chùa vào các ngày rằm, mùng 1 và để con tự tay cúng dường Chư Tăng hoặc tự tay phóng sanh đồng thời giải thích cho con hiểu ý nghĩa cao đẹp của việc làm đó. Hoặc các mẹ có thể nhân ngày lễ Vu Lan hằng năm đưa con lên chùa và kể cho con nghe nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ trọng đại này để “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên; giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… để các con hiểu biết bổn phận, trách nhiệm hiếu hạnh của mình.

Ngoài ra, chúng ta có thể dạy con thói quen làm việc lành từ những việc nhỏ hằng ngày như bố thí cho người ăn xin, cho bạn mượn bút, sách vở… trên lớp học hoặc cho bạn đi nhờ về nhà khi không có ai đưa đón… Những hành động nhỏ mà ý nghĩa lớn sẽ giúp cho các em từ từ thấm tinh thần hướng thiện, giúp trẻ mở tấm lòng bao dung, độ lượng, biết giúp đỡ đồng loại và phát triển nhân cách toàn diện.

3. Cha mẹ áp đặt lên con cái

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện bi thảm được báo điện tử Vietnamnet đăng tải hồi tháng 7 vừa qua kể về cô gái gốc Việt thuê sát thủ giết cha mẹ làm chấn động dư luận Canada. Nguyên nhân sâu xa của thảm kịch này là do sự kỳ vọng, áp đặt quá lớn từ phía cha mẹ khiến cô nảy sinh và thực hiện ý định giết cha mẹ để cuộc sống của mình “dễ thở” hơn. Đây là không phải là trường hợp phổ biến nhưng không phải là không có khả năng xảy ra trong cuộc sống gia đình người Phật tử, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.

Do vậy, các bậc làm cha làm mẹ cần lưu ý tránh sai lầm đáng tiếc là đặt quá nhiều hy vọng vào con hoặc giao phó ước mơ còn “dang dở” của mình hoặc ước mơ mà mình chưa có cơ hội thực hiện cho con cái khiến chúng cảm thấy áp lực, gò bó và mất dần nét ngây ngô, tự nhiên của đứa trẻ thơ. Hay chỉ vì ước mơ mang tính cầu toàn quá mức là “biến” con cái mình trở thành “thiên tài” mà nhiều bậc phụ huynh buộc con cái phải tham gia quá nhiều hoạt động từ học tập, thể thao cho đến nghệ thuật trong khi bản thân các em không thực sự có năng khiếu hoặc không đủ sức khỏe để tham gia hết.

Điều này sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị quá tải do phải đối diện với áp lực đến từ hai phía gia đình và xã hội; vô tình các bậc cha mẹ đã đánh cắp sự tự do của các em. Sống trong hoàn cảnh ngột ngạt, tù túng đó sẽ khiến các em nảy sinh việc làm chống đối lại ý muốn của cha mẹ nhằm “nổi loạn” đòi lại“quyền bình đẳng” cho bản thân cho dù chúng mới chỉ là đứa trẻ.

Tuy rằng thời gian đầu, sự phản ứng đó biểu hiện bằng một số việc làm đơn giản như: không hoàn thành bài vở ở trường; giả vờ mệt hoặc đau bụng không đi học vẽ, học múa… nhưng dần dần sẽ hình thành thói quen nói dối, làm điều giả dối sau lưng cha mẹ trong khi các bậc cha mẹ thì dường như tin tưởng tuyệt đối vào con cái.

Vì vậy, các Phật tử làm cha mẹ cần phải nhận biết đúng khả năng, sở trường của con, đồng thời lắng nghe, tâm sự thường xuyên với trẻ để biết rõ sở thích, ước mơ hay mong muốn có thể thầm kín mà không phải đứa trẻ nào cũng được cha mẹ mình tạo điều kiện phù hợp để giãi bày. Từ đó mà lựa chọn môn học phù hợp với khả năng của các em hoặc giảm tải chương trình học để các em có thời gian giải trí, rèn luyện sức khỏe.

4. “Dạy một đằng mà làm một nẻo”

Dân gian có câu: “nhà dột từ nóc” hoặc “giỏ nhà ai quai ai nhà nấy” để nói tầm ảnh hưởng về nhân cách, tính cách của cha mẹ đến con cái. Nhưng một số bậc làm cha mẹ lại mắc sai lầm là dạy con một đằng, còn mình thì làm một nẻo. Thí dụ, cha mẹ dạy con phải nói năng lễ phép với mình nhưng trong cuộc sống gia đình có đôi lúc chúng ta cãi lại cha mẹ bằng lời lẽ không mấy dễ nghe ngay khi có mặt con cái ở đó. Điều đó vô tình tạo sơ hở để sau đó chúng bắt bẻ lại cha mẹ hoặc bắt chước lại hành động đó.

an trọng nhất là cha mẹ phải làm gương cho con noi theo trong tất cả các việc làm, hành động, lời nói; vì bản chất quá trình phát triển nhân cách của trẻ là quá trình “bắt chước” việc làm của người lớn mà cụ thể và thường xuyên nhất đó là cha mẹ chúng.

Khổng tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thị ư nhân”: Đừng làm những gì mình không muốn người khác làm lại cho mình.

Các bậc làm cha mẹ nếu muốn con hiếu thảo với mình cần phải hiếu kính cha mẹ để các con học tập theo; muốn con cái hướng thiện thì cha mẹ trước hết phải là Phật tử chân chính; muốn con lễ phép với người trên thì cha mẹ cần phải lễ độ với người trên… Quá trình dạy con trẻ cũng là quá trình sửa mình nên người Phật tử rất cần chú ý sửa đổi việc làm, hành động chưa đúng của mình trong cuộc sống hằng ngày để làm gương cho con noi theo.

5. Tạo “điều kiện” để con sống trong thế giới ảo

Thời buổi công nghệ hiện đại giúp con người thu hẹp khoảng cách địa lý nhưng cũng vô tình tạo ra sự xa cách của các thành viên trong gia đình mặc dù cùng chung sống dưới một mái nhà. Không hiếm gặp nếu như không nói là “nhan nhản” các ông bố, bà mẹ khi ở nhà cũng như khi ra đường đều “dán mắt” vào điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng…và để mặc con cái làm gì tùy thích, thậm chí có cả gia đình gồm bố mẹ, con cái cùng thi nhau “trò chuyện” cả buổi tối với chiếc điện thoại.

Điều này tạo một khoảng cách vô hình mà rất nguy hiểm trong cuộc sống gia đình làm cho trẻ ít giao tiếp, tâm sự với cha mẹ và dần chìm đắm trong thế giới ảo. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ hãy sử dụng điện thoại đúng lúc hoặc vào các trang mạng đúng chỗ để dành thời gian quan tâm đến con, lắng nghe tâm tư tình cảm của con. Có như vậy mới mong trở thành người bạn để con cái chia sẻ.

Đức Phật đã dạy rằng “tâm hồn của tuổi ấu thơ giống như tờ giấy trắng, nếu như tờ giấy ấy, được nhà họa sĩ tài hoa vẽ lên ấy những bông hoa tươi đẹp, thì nó sẽ tô điểm cho cuộc đời thêm sắc. Ngược lại, tờ giấy ấy nếu kẻ bất tài vô dụng bôi lên đó những vết mực đen vô nghĩa thì nó trở thành cái vô dụng và làm xấu xã hội”.

Điều đó có nghĩa là cha mẹ - người nghệ tài hoa sẽ hoàn toàn có thể vẽ lên trang giấy cuộc đời con mình những bông hoa tương lai đẹp rạng ngời bằng cách luôn sửa mình để con cái noi theo, luôn học hỏi kinh nghiệm để có phương thức giáo dục con nên người và đặc biệt là luôn trau dồi điều hay lẽ phải từ lời đức Phật đã dạy.
 
Theo VHPG

Các tin tức khác

Back to top