Dạy con tìm hiểu phật pháp

13/10/2016 12:09
Trẻ em như búp trên cành, các bé như những tờ giấy trắng tinh khôi chưa bị hoen ố bởi lớp bụi thời gian và những nét vẽ thăng trầm vinh nhục của cuộc đời. Chúng ta hãy chủ động viết lên đó những yêu thương và giúp cho các con có cái nhìn một cách đúng đắn về đạo Phật thông qua những câu chuyện, những bài học gần gũi mà dễ hiểu.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội có không ít thông tin, bài viết về những hành động chưa được đẹp mắt và đúng chuẩn mực của những người phật tử; do "tin Phật" mà chưa "hiểu Phật" gây nên như: Đốt vàng mã, tiền giấy một cách lãng phí; phóng sinh tạo phước nhưng lại gây tội; hay tình trạng lạy Phật như bổ củi... vẫn còn diễn ra ở chốn thiền môn.

Làm như thế nào mới có thể cải thiện được những niềm tin kiên cố đã ăn sâu bén rễ vào tâm thức của một bộ phận người dân như hiện nay? Làm sao để mọi người không còn quan niệm rằng đạo Phật là đạo chỉ dành riêng cho: Các bậc già nua tuổi tác, nhờ câu kinh tiếng kệ an ủi những ngày tàn; cho những kẻ bị tình đời đen bạc hay người đã mấy phen vấp ngã trên bước đường công danh quay về nương tựa cửa Thiền, nhờ giọt nước cành dương rưới dịu đôi phần sầu hận... 

Làm thế nào để mọi người hiểu rằng: Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ; Phật không phải là một vị thần linh có thể ban phước giáng họa mà Người là vị thầy dẫn đường, chỉ cho chúng ta hướng đi để có thể chấm dứt sinh tử và đạt đến bến bờ giải thoát, giác ngộ.

Thiết nghĩ rằng, thay đổi suy nghĩ của một lớp người là rất khó khăn. Vậy thì để tránh tình trạng "tin Phật" mà không "hiểu Phật" sẽ gây ra những hành động sai lầm tương tự. Ngay từ hôm nay, chúng ta hãy chủ động dạy cho trẻ, những mầm non, chủ nhân tương lai hiểu được rằng:

1. Bái lạy không phải chỉ là khom lưng cúi người xuống mà là buông bỏ ngạo mạn. 
 
2. Niệm Phật không phải là thể hiện ở số lượng thanh âm mà là thể hiện ở sự thanh tịnh của tâm địa.

3. Chắp tay không phải chỉ là khép hai tay lại mà còn thể hiện sự cung kính. 
 
4. Thiền định không phải là ngồi lâu đến mức không dậy nổi mà là trong tâm không bị dao động bởi bên ngoài. 
 
5. Vui mừng không phải là ở khuôn mặt rạng rỡ mà là ở sự khoan khoái, dễ chịu trong lòng. 
 
6. Thanh tịnh không phải là ở sự vứt bỏ dục vọng mà là thể hiện ở tâm địa không mưu cầu cái lợi. 

7. Bố thí quyên tặng không phải chỉ là cho đi hết vật chất mà là chia sẻ tấm lòng yêu thương. 

8. Tín Phật không phải là học tập tri thức mà là thực hiện vô ngã.

Những trang giấy trắng tinh khôi cần được viết nên những điều đúng đắn nhất của hiểu biết và yêu thương. Xin hãy kể con nghe câu chuyện về cuộc đời đức Phật - Người từ bỏ cung vàng, điện ngọc; địa vị, uy quyền; vợ đẹp con ngoan để đi tìm con đường cứu khổ cho muôn loài.
 
Bằng những câu chuyện nhỏ, chúng ta sẽ dạy cho trẻ những bài học lớn, bài học làm người, bài học của hiểu biết và yêu thương.
 
Thay vì van xin hay cầu khẩn, chúng ta có thể tìm thấy phương thuốc màu nhiệm để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thông qua những lời Phật dạy. Nếu hiểu và biết áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều có thể tìm thấy được hạnh phúc và an vui. 

Trẻ em như búp trên cành, các bé như những tờ giấy trắng tinh khôi chưa bị hoen ố bởi lớp bụi thời gian và những nét vẽ thăng trầm vinh nhục của cuộc đời. 

Chúng ta hãy chủ động viết lên đó những yêu thương và giúp cho các con có cái nhìn một cách đúng đắn về đạo Phật thông qua những câu chuyện, những bài học gần gũi mà dễ hiểu. 
 
 
Hồng Yến - Theo GHPGVN

Các tin tức khác

Back to top