Mỗi con người khi sinh ra, đều có mặt tốt và mặt xấu. Trong mặt tốt, một phần chính là đức hạnh của mỗi người. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy về “đức hạnh” ở bài kệ thứ 54.
“Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”.
Đức hạnh được hiểu là đạo đức, là phẩm chất, là những đức tính tốt đẹp của con người, có sẵn hay phải trải qua quá trình rèn luyện mới có được. Hành động là những việc làm được cụ thể hóa, được bộc lộ hằng ngày, và quan trọng hơn đó là sự thể hiện của đức hạnh. Đó cũng chính là phần còn lại của mặt tốt trong mỗi người.
Một người không phải tự nhiên được biết đến là có đức hạnh, mà điều đó còn phụ thuộc vào những việc làm ý nghĩa mà người ấy đã làm. Đơn giản hơn, đó chỉ là những công việc bình thường, như giúp đỡ người già qua đường, nhường chỗ cho phụ nữ và trẻ em trên xe buýt hay biết quan tâm đến người khác và đối xử tốt với mọi người xung quanh v.v… Đó chỉ là những công việc nhỏ hằng ngày được xuất phát từ một tâm hồn trong sáng, luôn hướng về cái đẹp, cái thiện. Điều đó chính là sự thể hiện của đức hạnh.
Người ta thường nói rằng:
“Ý nghĩ là nụ
Lời nói là bông hoa
Việc làm mới là quả ngọt”.
Khi ta có ý nghĩ về một việc làm tốt, ta cần nói ra để xem xét. Nhưng không phải là nói suông, ta cần phải thực hiện. Chúng ta làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, biến những suy nghĩ, lời nói thành việc làm cụ thể, như vậy mới tạo thành “quả ngọt”.
Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có những con người làm nhiều việc tốt, biết tu dưỡng bản thân, hoàn thiện tâm hồn, làm lợi ích cho nhiều người. Điều đó được xuất phát từ đức hạnh của họ.
Như câu nói: “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Hạnh phúc chính là cuộc sống tốt đẹp, niềm vui, sự thỏa mãn về mặt tinh thần, tình cảm của con người… Còn “cao quý” và “tốt đẹp” là những cụm từ có ý tôn vinh ca ngợi quan niệm sống đẹp, khẳng định quan niệm sống hướng về sự vị tha, cống hiến.
Ở đời, ai cũng tìm kiếm hạnh phúc, nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người coi sự thỏa mãn vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ, cuộc sống chỉ có nghĩa khi con người biết hy sinh cho nhân loại được hạnh phúc. Những người biết sống vì người khác, đem lại hạnh phúc cho nhiều người là những người có tấm lòng nhân hậu; có cuộc sống đầy ý nghĩa, cao cả, đáng trân trọng. Thật vậy, trong cuộc sống, nếu chúng ta đem lại được hạnh phúc cho nhiều người khác thì quả là tuyệt vời.
Việc đem hạnh phúc cho người khác thật đơn giản nhưng cũng rất cao quý. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều người ngay cả việc nhỏ nhất họ cũng không làm. Một số họ chỉ biết có bản thân, toàn đem lại bất hạnh cho người khác. Trong gia đình, chúng ta cần lên án những người chồng vũ phu, đánh đập vợ con; hoặc những đứa con bất hiếu chỉ ăn chơi, thoả mãn nhu cầu cá nhân, làm đau lòng cha mẹ. Tại sao những con người ấy lại nhẫn tâm đem lại sự bất hạnh cho chính những người thân yêu nhất của mình? Ngoài xã hội, hiện có một lớp thanh niên, thay vì giúp đỡ người già yếu, tàn tật, họ lại lợi dụng để cướp giật, móc túi. Những kẻ ấy lấy sự bất hạnh của người khác làm hạnh phúc của mình. “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Đó là một quan điểm sống mang tính nhân văn.
Để được vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người hãy cố gắng làm thật nhiều điều tốt, dù lớn, dù nhỏ, miễn làm hạnh phúc cho nhiều người, cho gia đình và cũng cho chính bản thân chúng ta.
Các tin tức khác
- Vì sao tu thiền định? (25/06/2019 5:57)
- Tiêu thụ quá mức tạo ra các vấn đề sức khỏe (25/06/2019 5:34)
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức (24/06/2019 8:32)
- Xả oán hờn (22/06/2019 5:46)
- Khiêm cung mới tiến đạo (22/06/2019 5:39)
- Thực hành bình an mỗi ngày (21/06/2019 6:09)
- Hướng đến chân trời mới (21/06/2019 5:41)
- Chế ngự tâm sân hận để hưởng hạnh phúc (20/06/2019 8:26)
- Không lầm thân mộng (20/06/2019 8:25)
- Sanh ra đã mù (19/06/2019 8:22)