30/06/2019 8:13
Theo lịch sử tiến hóa của loài người, từ thời kỳ nguyên thủy, dân số trên trái đất này còn rất ít. Vì thế, sự ưu đãi của thiên nhiên mà con người được thừa hưởng rất lớn. Dĩ nhiên lúc đó, người ta không phải đặt vấn đề đói nghèo, hay vấn đề kinh tế, vì mọi người chỉ sống và hưởng thụ tài sản của thiên nhiên một cách đơn giản.
Nhưng đến giai đoạn dân số được phát triển với đời sống con người được tập hợp thành bộ tộc thì vấn đề bắt đầu xảy ra, vì đã xuất hiện sự tranh chấp về những nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên.
Và sang đến thời kỳ mà đời sống của bộ tộc phát triển, các bộ tộc mạnh bắt đầu đi thôn tính những bộ tộc yếu kém hơn để chiếm đoạt những nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên mà địa phương họ không có. Từ đó mới hình thành các quốc gia ở thời kỳ phong kiến, khi muốn thể hiện sức mạnh của họ, muốn làm bá chủ các nước khác thì vấn đề phát triển kinh tế quốc gia tất yếu được coi là quan trọng.
Đức Phật đã ra đời trong thời kỳ hình thành và phát triển của các quốc gia trên quả địa cầu này. Có thể nói vấn đề kinh tế ở thời kỳ đó đã được đặt lên hàng đầu, vì nước nào có tài nguyên thiên nhiên phong phú là nước đó giàu có, nước nào có dân số đông mới mạnh. Với sự giàu có và đông dân, nước đó mới có thể tổ chức những đoàn quân viễn chinh đi xâm chiếm các nước khác để cướp bóc tài sản của con người và tài sản thiên nhiên ở nước khác về làm giàu cho nước họ. Bấy giờ, sức mạnh về người và của đóng vai trò quyết định cho sự bành trướng lãnh thổ quốc gia về địa lý lẫn kinh tế, mà ngày nay chúng ta thường nói là sức người sức của. Vì thế, chúng ta thấy rõ mọi quốc gia lúc đó đều chủ trương phát triển dân số và phát triển kinh tế để phục vụ cho mục tiêu xâm lăng và làm cho nước họ trở thành giàu có, hùng mạnh.
Đức Phật sống trong thời kỳ này, Ngài nhận thấy tình trạng xã hội bất công như vậy, mới nói rằng chỉ vì miếng ăn mà các loài tranh giành, giết hại lẫn nhau. Vì vậy, Ngài luôn suy tư để tìm cách sống có thể đem lại sự an lành cho mọi người và tất cả các loài.
Chủ trương của Đức Phật là làm sao phát triển đời sống của cá nhân mà không làm tổn hại đến người khác, phát triển đời sống của con người mà không làm tổn hại đến các loài sinh vật khác, cho đến sự sống của các loài vô tình như hoa lá cỏ cây cũng cần được tôn trọng, bảo vệ. Đó chính là lý do mà Đức Phật của chúng ta đã xuất gia và dành hết thì giờ cùng tâm sức trong cuộc sống của Ngài để tìm ra phương thức hóa giải mọi sự xung đột, sát hại giữa con người với nhau và giữa con người với muôn loài sống chung trên trái đất này. Với mục tiêu đặt ra như vậy, sau khi thành đạo, Đức Phật đã đi khắp mọi nơi của miền Ngũ hà ở Ấn Độ để giảng dạy chân lý mà Ngài đã tìm ra. Những người may mắn gặp Phật và tiếp nhận được sự giáo hóa của Ngài, họ đã thay đổi được cuộc sống vật chất lẫn tinh thần ngày càng tốt đẹp, đồng thời giáo lý của Ngài cũng giúp họ quản lý được xã hội an lành và phát triển hơn.
Chúng ta còn nhớ lịch sử đã ghi lại cuộc hòa giải thành công một cách thật nhẹ nhàng của Đức Phật. Hai quốc gia tranh giành chủ quyền về con sông giữa hai nước và cuộc xung đột lên cao điểm đến độ cả hai nước đều dàn binh lính để sẵn sàng giết nhau. May thay, Đức Phật đã xuất hiện và bóng mát an lành của Ngài đã xóa tan ngọn lửa sân hận, cùng với những lời khuyên sáng suốt và tràn đầy từ ái của Ngài đã khiến cho hai đạo quân buông bỏ vũ khí, chiến tranh được dập tắt. Nghe theo lời Phật dạy, cả hai nước đều vui vẻ cùng sử dụng chung dòng nước của con sông.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, tư tưởng của Ngài được phân chia thành hai bộ phái là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Thượng tọa bộ đi theo con đường tiến tới Niết-bàn để thực hiện cho được lý tưởng của cuộc sống. Đó là nếp sống không làm tổn hại các vật khác và cũng khuyên mọi người nên thực hiện cuộc sống phát triển bản thân mà không xâm hại đến những người khác, đến các loài khác. Đây chính là quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Với nền tảng của nếp sống như vậy, những hành giả của Thượng tọa bộ hạn chế tối đa đời sống vật chất để có được niềm vui tinh thần và phát triển niềm an lạc cao nhất là Niết-bàn.
Bộ phái thứ hai là Đại chúng bộ với tư tưởng tiến bộ cho rằng nếu đời sống cá nhân của người tu đưa đến giải thoát theo phương cách như vậy, mà không quan tâm đến mọi sinh hoạt của những người xung quanh hoàn toàn khác với mình, thì giải thoát này mang tính cách tiêu cực và đôi khi còn bị tác động ngược lại của xã hội khiến cho họ không thể giải thoát được. Với lý giải này, tư tưởng Phật giáo phát triển đã chủ trương rằng giải thoát cho người là giải thoát cho mình, làm cho xã hội tốt đẹp là làm cho mình tốt đẹp. Từ đó, Phật giáo Đại thừa phát triển đời sống hành Bồ-tát đạo, tức lo phục vụ mọi người, giúp đỡ mọi người có đời sống vật chất phát triển và tinh thần thăng hoa mới chính là giải thoát thực sự và lâu dài của hành giả đi theo dấu chân Phật.
Thể hiện tư tưởng này là các bộ kinh như Bảo Tích, Duy Ma, Hoa nghiêm, Pháp hoa… đều đề cao Bồ-tát đạo, nghĩa là xây dựng một xã hội tốt đẹp. Nói cách khác, lý tưởng của Bồ-tát đạo bấy giờ là thiết lập cõi Tịnh độ ở nhân gian, tức phát triển đời sống vật chất và tinh thần đến mức độ cao nhất mà không gây tác hại cho mọi người và cũng không làm tổn hại sự sống của tất cả các loài cùng hiện hữu trên hành tinh này.
Nói theo ngày nay, mô hình Tịnh độ của Bồ-tát đề ra là xây dựng xã hội văn minh, giàu có, nhưng không gây ra ảnh hưởng độc hại đến mọi người và cũng không làm hư hại môi trường sống của con người, của muôn vật và của trái đất.
Một xã hội tốt đẹp cần có đủ bốn yếu tố quan trọng là không khí trong lành cho mọi người hít thở, không gây ra bệnh tật, đất đai sạch và nước sạch để con người sống khỏe mạnh và điều quan trọng không kém là tâm hồn con người cũng trong sạch.
Các Bồ-tát dấn thân thực hiện lý tưởng này, thì tất cả mọi người trong xã hội cũng phải đồng tâm hiệp lực trong việc xây dựng xã hội tốt đẹp, lành mạnh như vậy. Vì chỉ có một người xây dựng mà những người khác phá hại thì không có việc nào thành tựu được.
Tinh thần Bồ-tát đạo theo hướng tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp như vậy đã thể hiện chiều hướng ngược lại với tư tưởng tiêu cực nghĩ rằng chỉ lo giải thoát cho riêng mình thôi, còn ai làm gì cũng được. Nhưng thực tế cuộc sống ngày nay cho thấy rõ sự ảnh hưởng cộng tồn mật thiết giữa con người với nhau, giữa con người với các loài và giữa con người với môi trường. Nếu để cho những người nhân danh phát triển kinh tế toàn quyền khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng trục lợi, ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của cá nhân, của phe nhóm, của quốc gia họ mà gây tác hại cho không khí, đất đai, sông biển bị dơ bẩn, ô nhiễm bởi các chất độc hại của nhà máy thải ra, hoặc khai thác cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên gây ảnh hưởng tệ hại đến môi sinh, thì chắc chắn sự sống của chúng ta cũng bị đe dọa trầm trọng.
Thấm nhuần tinh hoa của Phật dạy rằng muôn sự muôn vật trên hành tinh này có mối tương quan tương duyên sâu xa, có sự cộng tồn hỗ tương mật thiết, chúng ta hiểu loài người hay bất cứ loài nào đều không thể sống tách biệt mà an ổn được. Vì thế, Phật giáo Đại thừa luôn để tâm đến sự phát triển môi trường, phát triển thiên nhiên, phát triển xã hội để giúp cho đời sống kinh tế của mọi người, của đất nước được nâng cao.
Điển hình là kinh Đại Bảo Tích đã giới thiệu Pháp hội Vô Lượng Thọ nói về công hạnh của Đức Phật A Di Đà và mô hình tốt đẹp tuyệt đối của thế giới Cực lạc ở Tây phương do Ngài xây dựng và điều hành. Đức Phật A Di Đà đã thiết kế thế giới Cực lạc có đầy đủ những tiện nghi hoàn hảo nhất cho cư dân sống ở đó. Thật vậy, với hệ thống Liên hoa hóa sinh, không phải thai sinh, người dân ở Cực lạc sinh ra từ hoa sen đều có thân thể khỏe mạnh, tinh khiết, vô nhiễm. Ngoài ra, người dân ở Cực lạc được nuôi dưỡng bằng nước bát công đức, nghĩa là tâm đại bi thuần tịnh của Phật A Di Đà tẩy sạch trần tâm của họ và nuôi lớn tâm Bồ-đề của họ, tác động cho họ được an lạc, thanh tịnh. Đến khi họ chứng được Vô sinh Pháp nhẫn, tức đã chuyển hóa từ thể xác đến tâm lý hoàn toàn tốt lành, thì họ sinh ra với đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và được sinh hoạt với Thánh chúng là những người có hiểu biết cao tột, có đạo đức vô cùng.
Ngoài ra, Phật A Di Đà cũng tạo môi trường sống trong lành cho người dân ở Cực lạc, ở đó đất bằng lưu ly, bảy hàng cây báu, bảy màng lưới giăng… tiêu biểu cho sự thuần khiết với đất sạch, không khí sạch và nước sạch… Cũng có các loài chim như bạch hạc, khổng tước, ca lăng tần già… nói được pháp Phật, giúp cho người dân nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng, nghĩa là làm cho họ phát chí hướng thượng, nỗ lực phát huy trí tuệ và đức hạnh như Phật, có hiểu biết chính xác và sống hòa hợp thanh tịnh, làm việc lợi ích cho tập thể. Ngày đêm ở Cực lạc chỉ nghe nhạc trời, thấy hoa trời, bất cứ âm thanh và hình ảnh nào ở Cực lạc cũng tác động cho người dân phấn đấu thăng hoa.
Trong khi ngành công nghệ phim ảnh và ca nhạc của một số nước văn minh giàu có ngày nay được khai thác theo hướng xấu. Họ thu được lợi nhuận rất nhiều và dĩ nhiên sự phát triển sức mạnh kinh tế của lãnh vực hoạt động giải trí này rất lớn. Nhưng sự phát triển đời sống vật chất và sự hưởng thụ tinh thần theo hướng không lành mạnh, sa đọa như vậy đã gây tác hại nguy hiểm vô cùng cho giới thanh thiếu niên và cũng tạo ra sự bất an cho xã hội. Thực tế cho thấy phim ảnh và ca nhạc, múa hát đồi trụy đã gây kích động, bạo lực, bạo hành cho người nghe, người xem, đã tạo thành một lớp người hung ác thường sát hại người khác, thích tàn phá mọi thứ, thích gây rối loạn, bạo động trong xã hội. Rõ ràng một sự phát triển chỉ nghiêng về việc thu lợi nhuận thì kết quả của nó luôn luôn song hành với sự tác hại, một sự tác hại lâu dài và rộng lớn cho cả cộng đồng xã hội, nhất là lớp thế hệ trẻ. Những người chủ tương lai của đất nước mà sống cuồng loạn thì cái giá phải trả cho sự phát triển đời sống vật chất theo cách đó thật là quá đắt, quá bi đát.
Thiết nghĩ từ thời kỳ xa xưa, Đức Phật đã xây dựng được một thế giới văn minh thực sự hoàn hảo, với cách nuôi dạy từ trong thai sen, công dân nước Cực lạc sinh ra là đã có thân tâm toàn thiện. Kế đến, được sống trong môi trường trong sạch hoàn toàn, nên tuổi thọ của người dân ở đó nhất định phải lâu dài và quan trọng hơn nữa là được sinh hoạt với thầy bạn đều là những bậc thượng thiện nhân hoàn toàn tốt, giỏi thì tri thức và đạo đức chắc chắn phải được thăng hoa tối đa.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng Cực lạc là mô hình thế giới phát triển tuyệt vời nhất, ở đó chỉ có cuộc sống tốt đẹp, thánh thiện, mọi bóng dáng của nghèo đói, ngu dốt, sa đọa, tranh chấp, thù hận, khổ đau, tội ác, trộm cướp, giết chóc, chiến tranh… còn không có cái tên, chứ nói chi đến hiện diện, tàn phá. Vì thế, chư Phật mười phương đều khen ngợi công đức của Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc.
Tóm lại, Phật giáo không hề tiêu cực; trái lại theo dòng chảy miên viễn của tâm từ bi và trí tuệ từ nghìn xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau, Phật giáo đã, đang và sẽ mãi mãi tích cực xây dựng một cộng đồng xã hội phát triển lành mạnh, bền vững cho mọi người, xây dựng một cộng đồng thế giới hòa bình, hòa hợp, an vui cho tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, xây dựng một ngôi nhà chung thân thương, hiểu biết, nối kết cuộc sống của loài người và muôn loài cùng cộng tồn, cùng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp nhất.
Tất cả mọi sự xung đột, thù hận, sát hại, tàn phá, chiến tranh đều được hóa giải bởi đôi tay tình thương, trái tim nhân ái và khối óc minh mẫn vì lợi ích của mọi người, mọi loài. Và từ đó, muôn người, muôn loài đều được hưởng thụ hợp lý của cải do chính họ làm ra và tận hưởng một cách công bằng mọi của cải mà thiên nhiên đã hào phóng để đặt trên hành tinh này.
Xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp cho mọi người, mọi loài ở khắp mọi nơi trên quả địa cầu này luôn luôn là mục tiêu hướng đến trong mọi sinh hoạt của hành giả Phật giáo Đại thừa. Đó chính là mở cửa Cực lạc tại chốn Ta-bà, xây dựng thế giới Cực lạc cho mọi người ngay tại cuộc sống nhân gian này.
HT.Thích Trí Quảng
Các tin tức khác
- Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường (29/06/2019 5:49)
- Năm triền cái (28/06/2019 9:05)
- Bán trầm hương (28/06/2019 9:02)
- Tư tưởng (28/06/2019 9:00)
- Mặt tốt trong mỗi người (26/06/2019 8:08)
- Vì sao tu thiền định? (25/06/2019 5:57)
- Tiêu thụ quá mức tạo ra các vấn đề sức khỏe (25/06/2019 5:34)
- Đức Phật là thầy dẫn đường bậc mô phạm đạo đức (24/06/2019 8:32)
- Xả oán hờn (22/06/2019 5:46)
- Khiêm cung mới tiến đạo (22/06/2019 5:39)