Biết người

22/07/2019 8:16
Lợi sinh và truyền đạo cần ở chỗ được người. Nhưng biết người thật khó, thánh triết còn lo.

Nghe lời nói của họ nhưng chưa bảo đảm được việc làm của họ. Tìm thấy việc làm của họ nhưng sợ sơ sót tài năng của họ. Chỉ có tự mình thường giao du cùng họ, thấy rõ đầy đủ gốc ngọn, xét chí hạnh, xem khả năng, sau đó giữ vững đạo niệm và âm thầm trọng dụng mới có thể biết được.

Biết được thì những kẻ mua danh sửa dáng hẳn không dung được sự dối trá của họ và ngay cả sự tiềm ẩn bí mật của họ cũng thấy được uyên nguyên. Thực ra, về lẽ thực của sự xem xét hiểu rõ và nghe rõ về một người không phải một sớm một chiều mà có thể đạt tới được.

Vì vậy sau khi thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng yết kiến thiền sư Huệ Năng Đại Giám còn phải làm việc trong 15 năm. Và sau khi thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất yết kiến thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng cũng phải theo hầu thiền sư hơn 10 năm mới được trao truyền đại pháp.

Thế mới biết, khi các bậc tiên thánh trao và nhận đại pháp quyết không dám truyền trì cho những vị ít ỏi tài đức. Như một cái đồ đựng nước, muốn truyền sang một cái đồ đựng khác, cái đồ đựng ấy phải như thế nào mới truyền sang được. Như các vị đương gia chủng thảo phải như thế nào mới có thể nói được pháp quy rộng lớn của Phật giáo.

Đó là minh nghiệm về lẽ thực của sự xem xét hiểu rõ và nghe rõ về một người. Minh nghiệm rồi há lại còn dung dưỡng những kẻ nói giỏi, dáng khéo, giả dối, nịnh hót sung vào hàng tuyển chọn đại pháp khí ư.

Thế gian thường nói “Biết ta biết người, trăm trận trăm thắng”, ở đây nói biết người để sắp đặt, giao trách nhiệm truyền thừa Phật pháp. Nếu biết sơ sơ hoặc chỉ qua hình thức khéo vẽ bên ngoài mà trao nhầm sự nghiệp thì có hại lớn cho đạo pháp. Cho nên nghiệm biết người là một việc quan trọng của các bậc tông sư. Các vị lớn tuổi có đệ tử đông, thấy thân thể nhọc nhằn, dĩ nhiên phải chọn người kế thừa, thay mình bảo quản tự viện, giáo dưỡng tăng chúng. Vì vậy việc lựa chọn cần phải cân nhắc chính chắn kỹ lưỡng. Trong số đệ tử, mình biết người nào làm được việc, tâm tánh ra sao. Người thích danh thích lợi mà trao ngôi chùa cho họ thì dù nằm trong tháp, người ta cũng vẫn trách thầy ấy sao không sáng suốt, chọn đệ tử như vậy. Do vậy việc chọn người kế nhiệm trụ trì trong tùng lâm, trong một tập thể phải được xét soi kỹ và có thời gian dài. Vị thầy nghiệm xét đệ tử nhiều lần rồi mới dám giao trách nhiệm. Người kham nhận việc lớn phải tài đức vẹn toàn, công phu thâm hậu, từ tâm độ lượng. Nội lực vững chắc mới có thể lãnh thọ sứ mệnh trọng đại ấy.

Xưa ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng là người đứng đầu dưới pháp hội của Lục tổ Huệ Năng. Tuy nhiên như thế cũng phải trải qua thời gian mười mấy năm ở bên thầy, được thầy thử nghiệm và học được rất nhiều kinh nghiệm của thầy. Về sau mới dám rời thầy ra đi, gánh vác trách nhiệm, truyền nối mạng mạch Phật pháp, giáo hoá chúng sanh. Người xưa rất cẩn thận, dè dặt đối với đệ tử. Bởi vì trọng trách thay Phật tuyên dương chánh pháp không phải là việc thường. Chúng ta phải thấy trọn vẹn, hiểu cả tâm tình và khả năng của họ, sau đó mới giao trách nhiệm.

Nhiều ngôi chùa, vị thầy cả đời gầy dựng cực khổ, qua tới đời đệ tử chỉ một đôi năm thôi, tiêu tan hết. Đó là những việc trước mắt chúng ta thấy rõ ràng. Cho nên bình nhật, chúng ta thường xuyên xét nghiệm xem thói hư tật xấu của mình còn nhiều hay ít, mình có thật sự vì đạo, thật sự tu hành chưa? Nếu chưa thì phải cố gắng thực sự là người tu hành, xứng đáng là đệ tử của Phật, khả dĩ gánh vác trách nhiệm truyền thừa Phật pháp trong hiện tại và tương lai.

Trích Nghiêm Huấn Tùng Lâm - Lời dạy của ngài Diễn Tổ - HT. Thích Nhật Quang giảng giải (Thường Chiếu)


Các tin tức khác

Back to top