Đứng giữa hai bờ

4/08/2019 8:05
Có thể thấy hai khái niệm đúng - sai, đẹp - xấu, hay - dở hay hợp pháp - bất hợp pháp cũng chỉ là quy ước, những quan điểm, cảm nhận, khái niệm mang tính tương đối; chúng có lẽ đúng với quốc gia này nhưng lại sai trái với quốc gia kia, hợp với người này nhưng không tương thích với người kia...

Nhìn chung, trong nhiều ngành nghề, việc làm hái ra nhiều tiền là luật sư, chuyên cãi cọ để giành phần đúng cho thân chủ của mình. Những người thắng kiện tất phải trả rất nhiều tiền cho luật sư và người thua cũng bỏ ra số tiền không ít. Âu đó là bản tính chung của con người, bản năng sinh tồn vì muốn bảo vệ cái bản ngã, cái tôi, cái của tôi. Ai cũng muốn mình đúng và ít khi chấp nhận mình sai.

Đâu là chân lý thật sự khi đứng giữa hai bờ (nhị nguyên)?

Xét về từ ngữ “phải” và “trái”. Từ “right” vừa có nghĩa là bên phải, vừa có nghĩa là điều phải, cái đúng. Từ “left” có nghĩa là bên trái cũng có nghĩa là điều sai trái. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào theo bên phải cũng đúng mà theo bên trái là sai.

Ví như, phần đông trên thế giới, chạy xe bên trái sẽ phạm luật nhưng ở một vài quốc gia như Anh Quốc, Hongkong… điều đó đúng luật. Ở một số nước, việc người ta ăn thịt chó, bò, heo... như một loại thực phẩm phổ biến, nhưng đối với luật pháp một số nước lại nghiêm cấm. Hoa hậu người Châu Phi da đen với tiêu chuẩn phái đẹp là da đen, môi dày, mông to..., với Châu Á thì hoàn toàn không đẹp. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng là một người tài hoa với các ca khúc rất nhiều người yêu thích, thế mà vẫn có người cho rằng tầm thường, chẳng hay. Vào thế kỷ XV, nhà bác học Galileo đã phản bác học thuyết “trái đất là trung tâm của vũ trụ, mặt trời và mặt trăng quay quanh trái đất”. Thay vào đó, ông đã phát hiện “mặt trời mới là trung tâm của vũ trụ và trái đất quay quanh mặt trời”. Ngay khi đưa ra học thuyết, ông đã bị giới khoa học và chế độ cầm quyền bác bỏ và Galileo đã bị xử chết. Mọi người thường lên án hành động phá thai nhi được xem là giết người, còn giết giặc trên xa trường thì được coi là hành động vinh quang.

Thế nào là đúng, đâu là sai?

Đứng về mặt quân sự là một khía cạnh mà đứng về phương diện chính trị, y học, đạo đức lại là một chuyện khác. Một triết gia Kant, người Đức cho rằng: “Nguyên tắc đạo đức là không di chuyển được. Đã xâm phạm đến tánh mạng con người, cho dù anh làm với bất cứ lý do gì cũng là sai trái. Nói dối là phi đạo đức, nói dối để cứu người cũng phi đạo đức, không thể chấp nhận”.

Về phía cái nhìn người học Phật ra sao?

Người học Phật đang đi trên con đường vô chấp, mang tinh thần vô ngã cùng với cái nhìn tương tức, không mắc kẹt vào nhị nguyên.

Trong năm nguyên tắc đạo đức căn bản thì không nói dối là giới thứ tư của người học Phật. Giả dụ, có một tên sát nhân tới hỏi mình có biết kẻ nó muốn giết đang trốn ở đâu, ngay lúc này ta nên xử trí ra sao? Nếu biết và thật thà chỉ chỗ người đó ẩn nấp thì họ sẽ bị giết. Cho nên, trong trường hợp này, nếu nói ra sự thật thì đã phạm giới sát sanh, còn bằng nói sai sự thật thì ta đã phạm giới nói dối mà cứu được tính mạng ai đó. Chủ yếu là việc gì mới là quan trọng: một lời nói thật hay mạng sống của một người. Người Phật tử đã thọ trì Tam quy và Ngũ giới thì không được uống rượu. Nhưng khi bệnh, phải cần thuốc rượu để chữa trị thì được phép dùng đến khi hết bệnh. Kế tiếp, chúng ta không được tự sát nhưng để thức tỉnh một chế độ, bảo vệ đạo pháp dưới sự đàn áp của chế độ cầm quyền và lấy thân mình ra làm ngọn đuốc sống. Hành động ấy được gọi là Bồ-tát cứu đời, đáng được tôn thờ, ca ngợi. Người xuất gia không quan hệ thể xác với người khác giới nhưng trong trường hợp bị cưỡng hiếp, tâm không thọ lạc thì không phạm giới.

Giới luật nhà Phật không cứng nhắc mà luôn linh động, uyển chuyển với từng hoàn cảnh, không gian, thời gian và phụ thuộc vào tâm thức của chủ thể.

Bài kinh Kalama, Nền Tảng Đức Tin (kinh Tăng Chi Bộ III, HT. Thích Minh Châu dịch), sẽ soi rọi cho ta thấy rõ hơn về những vấn đề trên.

 “Một thời Thế Tôn, trong lúc du hành trong xứ Kosala với đại chúng Tỳ-kheo, đi vào một thành phố của những người Kalama tên là Kesaputta.

- Bạch Thế Tôn, có một số Sa-môn, Bà-la-môn đến Kesaputta. Họ thuyết minh và phát huy giáo lý của mình mà bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Bạch Thế Tôn, chúng con có điều nghi ngờ, phân vân: “Trong những Sa-môn này, ai nói thật, ai nói dối?”.

- Này các người Kalama, đương nhiên phải nghi ngờ, đương nhiên phải phân vân. 

- Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình. 

- Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh khổ đau, thời này các người Kalama, các người hãy từ bỏ chúng đi.

- Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú”...

Như vậy, nội dung bài kinh Kalama là kim chỉ nam, là ngọn đèn sáng chỉ cho nhân loại biết lựa chọn, biết từ bỏ và chấp nhận. Loại bỏ những điều bất thiện gây ra đau khổ vì chúng phát xuất từ động cơ tham, sân, si. Chấp nhận và thực hiện những điều thiện mang đến hạnh phúc vì chúng phát xuất từ động cơ không tham, không sân, không si. Đừng vội đánh giá cho mình là đúng mà người khác là sai, mình đẹp mà người khác là xấu... bình tĩnh suy xét, hãy làm cho tâm mình vượt thoát cả hai bờ, thắng không kiêu, thua không nhục... được như thế cuộc sống thật bình an.

Tâm Thủ

Các tin tức khác

Back to top