Khi mới tập yoga, bạn có thể thấy đau nhức khi phải bắt đầu với những bài tập và tư thế truyền thống. Ngồi thẳng trong một thời gian dài là điều khó khăn vì chỉ một lúc thôi bạn sẽ muốn cựa quậy và cử động. Với tâm cũng vậy. Thoạt đầu bạn sẽ thấy thật khó để định tâm; chúng ta có cố gắng bao nhiêu thì tâm vẫn lăng xăng, xao động, chất đầy những vọng tưởng, băn khoăn, thắc mắc về cuộc sống. Sẽ phải rất cố gắng bạn mới có thể ngồi tĩnh lặng và hướng tâm quay trở lại bên trong.
Tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra các pháp thực hành từ xa xưa lại có những bài tập thiền quán vô cùng phù hợp với cuộc sống hiện tại. Chẳng hạn, lúc đầu bạn chỉ cần phát khởi động cơ: Tự nhắc mình về mục đích sống, cơ bản là nỗ lực hết sức để giúp đỡ thật nhiều người và muôn loài chúng sinh hữu tình. Đối với chư tăng ni thì điều này rất thuận lợi và hiển nhiên, nhưng với những người tại gia trong đời sống thế tục thì sao? Nếu bạn nghĩ kỹ, chẳng phải mục đích sống của mỗi người suy cho cùng đều là cố gắng hết sức để góp phần khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn? Để mang lại hạnh phúc và bình an cho những người thân yêu? Để lan tỏa tình yêu thương và bao dung? Để tự tại, hạnh phúc và thấy mình viên mãn?
Chúng ta thực hành thiền để quán chiếu trí tuệ bên trong và nhận ra tự tính tâm của mình. Có những pháp thiền chỉ đơn giản là quán niệm về giá trị quý báu của cuộc sống và của tâm tự tại. Điều này có thể giải phóng chúng ta khỏi những thăng trầm hạn cuộc của tinh thần như kỳ vọng quá mức, hoặc mắc kẹt trong than phiền vì những gì mình không có được hay những điều bất như ý mà quên hẳn những điều tuyệt diệu mình đang có trong cuộc sống hay những điều tốt đẹp đã đến với mình hôm nay.
Chúng ta cũng thực hành thiền để quán niệm về bản chất vô thường vốn có của vạn pháp. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy những bất hạnh trong tâm đều bắt nguồn từ chính chúng ta - hoặc do sợ phải thay đổi, hoặc vì cố gắng muốn giữ mọi thứ ở nguyên trạng. Cách này rất tốt để giúp chúng ta tìm thấy nguồn động lực, tập trung ý chí và từ đó chỉ cần một vài bước nhỏ nữa là tiến tới việc trưởng dưỡng trí tuệ trong tâm hay còn gọi là hạnh phúc tại tâm. Điều này giúp chúng ta bắt đầu tỉnh thức hơn trong cách dùng ý nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày.
Thông thường, thậm chí chúng ta còn chẳng nhận thức được sự kết nối liên thông giữa thân, khẩu và ý của chính mình, không nhận ra rằng nếu suy nghĩ tích cực sẽ dẫn tới lời nói và việc làm tích cực. Chỉ cần đơn giản điều chỉnh lại định hướng cho một ngày mới là có thể thay đổi toàn bộ những thói quen vô thức thường lệ - hoặc nếu chưa thay đổi thì ít nhất chúng ta cũng bắt đầu nhận ra chúng. Như thế đã là một bước tiến đáng kể, và phải thực hành mới đạt được. Chúng ta chỉ có thể vượt qua chướng ngại ngăn cách mình với hạnh phúc nếu nhận ra những chướng ngại trên con đường này.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Các tin tức khác
- Lời tức giận ( 2/11/2020 6:18)
- Sự cấp thiết phải thoát vòng luân hồi sinh tử ( 1/11/2020 7:51)
- Ở đời vui đạo hãy tùy duyên ( 1/11/2020 7:49)
- Cộng nghiệp có thể tịnh hoá nương sức cầu nguyện của cả cộng đồng (31/10/2020 6:10)
- 9 ân Đức Phật (30/10/2020 8:25)
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ tiền cho dân sửa nhà sập, hư hỏng nặng (30/10/2020 8:21)
- Chọn pháp môn tu để giải thoát (30/10/2020 8:15)
- Ta chỉ là những vị khách qua đường của tháng năm (30/10/2020 8:06)
- Thứ khó kiểm soát nhất đời người là gì? (28/10/2020 6:12)
- Phật là gì? (28/10/2020 6:04)