Hương vị của trà đã thấm sâu vào trong cuộc sống thường nhật, vị chát rồi ngọt của trà đã đi vào tâm thức của bao lớp người trong kiếp nhân sinh. Rồi trà như cam lộ nhuận thắm cửa thiền sâu lắng, gợi lên khúc đại từ sắc sắc không không.
Không biết từ khi nào mà trả trở thành một trong những thứ không thể thiếu trong các gia đình của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Như câu nói sau đây: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà”. Nghĩa là trong nhà lúc nào cũng phải có 7 thứ là: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Uống trà không chỉ là thói quen “Ăn xong uống một chén trà” mà còn là một truyền thống, một nét văn hóa “khách đến chơi nhà nhất định phải pha trà tiếp đãi” đã có từ lâu đời của người Việt ta. Và nhất là vào những dịp lễ quan trọng đến thì trà càng không thể thiếu trong mỗi câu chuyện hàn huyên.
Với nhiều dân tộc trên thế giới thì từ lâu trà đã trở thành một trong những thứ đồ uống rất phổ biến. Đặc biệt với những người dân Châu Á thì uống trà đã được nâng lên thành một nghệ thuật thưởng thức sành điệu mang đậm chất thơ và màu sắc tôn giáo. Những quốc gia có nền văn hóa trà nổi bật phải kể đến như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Nhật Bản và Trung Quốc có trà đạo nhưng Việt Nam thì giữ trà ở vị trí nghệ thuật.
Tích Phật giáo tương truyền lại, có một lần trong khi đang ngồi thiền, Tổ Bồ Đề Đạt Ma bỗng ngủ gục. Ngài bực quá liền cắt mí mắt cho tỉnh ngủ. Mí mắt ấy rơi xuống đất và mọc lên thành cây được gọi là trà. Lá của cây ấy có tác dụng chống buồn ngủ, làm cho tinh thần tỉnh táo. Từ đó những người ngồi thiền thường hái lá trà uống để được tỉnh táo khi ngồi thiền. Có lẽ đây chỉ là truyền thuyết để giải thích tính “tỉnh thức” của cây trà chứ các nhà khảo cổ học phát hiện trà đã có hàng ngàn năm trước rồi, ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.