Phật dạy: Không làm ác thì việc gì phải sợ

14/12/2020 6:09
Muốn không sợ hãi, cần phải thấy rõ “Các pháp ác, bất thiện thì tự hại mình, nếu không có điều này thì không có nhiễu loạn, không có sầu lo”. Nên muốn bình an thực sự thì hãy quay về điều phục và chuyển hóa tham sân si nơi chính mình.

Sợ hãi là một thuộc tính cố hữu của tâm lý con người. Chúng ta thường lo sợ về mọi thứ, từ cái chưa được đến cái đã được, từ điều chưa tới cho đến điều đã qua, nhất là lo sợ về cái chết của những người tuổi đã xế chiều. Dĩ nhiên biết sợ hãi cũng có lợi ích riêng, như khi sợ về quả báo của các việc xấu ác thì mình sẽ sống thiện lành hơn. Điều quan trọng là biết sợ những gì đáng sợ, và không sợ những gì không đáng sợ.

Người biết soi chiếu nội tâm và tu sửa bản thân thường quan tâm đến tương lai và đời sau của mình. Họ thường tự hỏi mình hay hỏi người về những nỗ lực sống thiện của bản thân trong hiện tại có bảo đảm một tương lai tốt đẹp hay không. Từ đây, không ít người tin vào những hứa hẹn, bảo chứng của thần linh hoặc các đấng tạo hóa thiêng liêng. Với Thế Tôn, Ngài không hứa hẹn cứu vớt hay phán xét ai mà chỉ rõ mỗi người hãy nhìn lại thật kỹ về mình trong hiện tại để thấy và biết chắc kết quả ở tương lai.

“Một thời Phật ở trong vườn Ni-câu-lũ, nước Thích sĩ Ca-tỳ-la-vệ.

Khi ấy Thích sĩ Ma-ha-nam đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy chân Phật rồi ngồi một bên. Thích sĩ Ma-ha-nam bạch Thế Tôn:

- Con theo Như Lai được dạy rằng: ‘Nếu có thiện nam, thiện nữ đoạn được ba kiết sử, được quả Tu-đà-hoàn, gọi là bất thối chuyển, chắc chắn sẽ thành đạo quả, chẳng tìm cầu các ngoại đạo dị học nữa, cũng không cần quán sát người khác nói nữa’. Nếu phải như vậy thì việc này không đúng. Còn nếu gặp trâu, ngựa, lạc đà hung dữ thì khiếp sợ, lông tóc dựng đứng. Rồi con nghĩ rằng: ‘Nếu hôm nay ta ôm lòng khiếp sợ này mà mạng chung thì không biết sanh về đâu?’.

Thế Tôn bảo Ma-ha-nam:

- Chớ khởi tâm sợ hãi. Nếu thầy có mạng chung cũng không đọa vào ba đường ác. Vì sao thế? Nay có ba nghĩa tiêu diệt. Thế nào là ba? Như có đắm trước dâm dục thì khởi loạn tưởng, rồi khởi tâm hại đối với người khác, nếu không có dục này thì không khởi tâm sát hại, trong hiện tại không khởi khổ não. Các pháp ác, bất thiện thì tự hại mình, nếu không có điều này thì không có nhiễu loạn, không có sầu lo. Này Ma-ha-nam, đó là ba nghĩa của các pháp ác, bất thiện khiến phải đọa xuống, còn các pháp thiện thì ở trên. Cũng như bình bơ (tô) ở trong nước bị bể, khi ấy ngói đá thì chìm xuống dưới, còn bơ thì nổi ở trên. Đây cũng như thế, các pháp ác bất thiện thì chìm xuống, các pháp thiện thì nổi ở trên.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 41, Mạc úy [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.63)

Nhân quả thật rõ ràng. Nếu xét tự thân trong hiện tại tâm không vướng các dục, ý không khởi loạn tưởng, không khởi tâm hại người khác thì chắc chắn người ấy có một đời sống bình an. Không chỉ trong hiện tại an lành mà tương lai cũng an lành. Ai thiết lập được đời sống thiện lành như vậy thì cứ an nhiên mà sống, “nay vui đời sau vui”, không có gì phải sợ hãi cả.

Có điều, hầu hết chúng ta “tâm vướng các dục, ý khởi loạn tưởng, khởi tâm hại người khác” mà luôn cầu xin ơn trên cho mình được an ổn. Không ai có thể giúp cho người cầu xin được như ý mà trái với quy luật nhân quả. Nhân không an thì làm sao có quả bình an! Nếu chúng ta chỉ có cái bình (chất liệu chìm, pháp bất thiện) mà không có bơ (chất liệu nổi, pháp thiện) thì khi bị quăng xuống nước, chìm là cái chắc.

Muốn không sợ hãi, cần phải thấy rõ “Các pháp ác, bất thiện thì tự hại mình, nếu không có điều này thì không có nhiễu loạn, không có sầu lo”. Nên muốn bình an thực sự thì hãy quay về điều phục và chuyển hóa tham sân si nơi chính mình. Tham sân si và sợ hãi luôn tương ứng với nhau. Cái này nhiều thì cái kia nhiều, và ngược lại. Người không sợ hãi, vô úy là người đã điều phục được tham sân si.


Các tin tức khác

Back to top