Bây giờ cậu bé đã trở thành một chàng trai khỏe mạnh.
- "Kính bạch thầy, con đã sống với thầy trong rừng xanh này cũng đã trên hai mươi năm rồi ạ. Nay con muốn xin thầy cho phép con ngày mai được xuống núi phụng sự chút ít cho chúng sinh.
- "Trần gian là nơi chốn lòng người đa phần hiểm ác. Ta thật sự muốn con tiếp tục ở lại đây tu học. Nếu sau này có cơ hội xuống núi ta nhất định sẽ cho con theo...".
Người học trò nhìn thầy với đôi mắt tôn kính rồi thưa rằng:
- "Kính bạch thầy, con nay cũng đã trưởng thành nên cũng không thể dựa mãi vào thầy được và thầy tuổi cũng đã cao. Nên nhân nhịp này mong thầy cho con xuống núi một phen xem như là một dịp có cơ hội để thực hành những gì con đã học được. Con xin hứa chỉ một thời gian ngắn con sẽ quay về với thầy".
Thấy người học trò cứ quyết tâm nài nỉ mài nên cuối cùng vị Thiền sư đành phải chấp thuận. Thế là ngày hôm sau người học trò khăn gói từ biệt thầy xuống núi.
Vừa xuống núi vào một thị trấn nhỏ. Chàng thanh niên ngẫng ngơ với sự khác lạ của nơi đô thị. Bỗng chàng thanh niên thấy một cụ già đang tìm cách băng qua đường.
Nhớ lời Thầy dạy về tình thương. Chàng thanh niên vội vã chạy đến:
- "Thưa Cụ. Để cháu giúp đưa Cụ qua đường nhé...".
- "Thôi đi cậu. Tôi tự qua được rồi. Định lừa tôi hả...?
Tôi từng bị gạt mất sạch hết tiền rồi. Không dễ gạt tôi lần nữa đâu...".
Chàng thanh niên mặt đỏ bừng vì bị hiểu nhầm. Xấu hổ chàng hứa từ nay về sau sẽ không đụng vào người khác.
Ít hôm sau có một lần khi sắp băng qua đường, chàng thấy một viên gạch lớn nằm giữa lộ. Bỗng nghĩ rằng có lẽ việc này mình có thể làm được vì chẳng chạm vào ai.
Khi chàng vừa cúi xuống. Chàng bỗng thấy toàn thân mình chúi hẳn về phía trước. Hình như có ai đó vừa đạp vào lưng thì phải.
- "Ê. Bộ mày định phá chổ làm ăn của tao hả. Mày không thấy tao bán xăng sao?...
- "Nhưng mà tui chỉ dẹp cục gạch thôi. Tôi đâu có động gì tới anh đâu...?".
- "Đó là vật làm dấu của tao để bán xăng chui mày biết chưa? Thôi làm ơn biến khỏi nơi đây cho tao nhờ. Rõ chưa...?"
Buồn bã và ngán ngẫm chàng thanh niên rời chỗ và bỏ đi. Đến một đoạn đường vắng, chàng bỗng thấy trên đường không rõ ai đã làm vung vãi đinh sắt rất nhiều. Nhìn quanh không thấy ai, chàng nghĩ rằng ít ra mình cũng có thể làm chút công đức cho việc này.
Nhưng vừa cúi xuống nhặt được ít đinh. Thì chàng bỗng thấy lưng mình đau nhói. Có ai đó đang tiếp tục ném đá về phía chàng.
- "Biến đi...!Mày không thấy chỗ vá xe của tao sao...?".
Tiếp theo lời nói là những viên đá lớn tiếp tục bay về phía chàng. Sợ quá chàng thanh niên ù té chạy gấp một mạch về núi.
- "Sao, con thương yêu của ta. Con đã học hỏi được gì ở chuyến đi này vậy...?".
Người học trò cúi đầu lặng lẽ trước mặt thầy và xòe tay ra. Trong tay vẫn còn vài chiếc đinh sắt. Rồi kể hết đầu đuôi câu chuyện.
Sau khi nghe xong. Vị Thiền sư nhìn người học trò rồi nhẹ nhàng nói:
- Này con, nghịch cảnh và sự gai góc của lòng người chính là thước đo tình thương ở trong con bao lớn. Nơi nào có sự chịu đựng và kiên nhẫn, nơi đó có mặt của tình thương thật sự. Như một bà mẹ thương yêu đứa con mình thì dù đứa con đó như thế nào chăng nữa bà ấy vẫn hết dạ thương con...
Thứ đến, muốn thương thì phải hiểu, cụ thể là phải quan sát trước khi hành động mà đặt tình thương đúng chỗ. Quan sát đó là trí tuệ và hành động đó là từ bi.
Tình thương của người con Phật luôn song hành với trí tuệ, chứ không phải là hành động theo cảm tính. Một việc làm mang lại thiệt hại cho mình và không ích lợi gì cho người khác, thì đó chưa trọn nghĩa từ bi...
Điều then chốt, con hãy nhớ luôn mặc chiếc áo giáp ''từ, bi, hỷ, xả'' khi muốn phụng sự cuộc đời...
Tuệ Nhiên