Phật dạy tham ăn uống làm con người khổ

19/12/2020 7:43
Người tham muốn ăn uống ngon hợp khẩu vị, thì suốt đời lân la bên cạnh những món ngon vật lạ, quanh quẩn bên những tiệc tùng, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ nên phải giết hại nhiều các loài vật để bồi bổ cho mình.

Chúng ta thử tìm hiểu xem, con người lúc vừa mới chào đời tuy chưa biết ăn nhưng ta biết khóc để đòi bú sữa mẹ, mà sữa mẹ là do đã ăn cơm uống nước cùng các loài sinh vật khác bị giết. Khi biết ăn ta đã ăn thịt cá từ bé đến giờ, nên gây đau khổ cho rất nhiều loài vật. 

Tại sao ta phải giết chết các loài vật để ăn trong khi ta không cần giết chúng, mà vẫn có sự sống nhờ các loài hoa màu bằng thảo mộc, chúng vẫn có thể giúp ta giữ được sức khỏe và hạn chế tối đa việc làm tổn thương các loài có tình thức? Nếu sự sống của con người vẫn được tồn tại mà không làm chết các sinh vật khác thì cuộc đời an vui, hạnh phúc biết bao.

Tại sao con người giết sinh vật để ăn? Từ khi loài người có mặt trên thế gian này họ chỉ ăn các loại cây trái và hoa màu thiên nhiên. Lúc đầu, loài người chỉ ăn các loại nấm, hạt, hoa, lá, củ, quả, cây, nghĩa là chỉ ăn thức ăn bằng thực vật mà thôi, nhưng dần dần con người ăn thịt cá là do bắt chước các loài dã thú ăn nuốt lẫn nhau.

Ăn uống, tiệc tùng như thế lâu ngày đã trở thành văn hóa tín ngưỡng trong dân gian mà "phép vua cũng thua lệ làng". Nói cho cùng, ăn uống là một nhu cầu cần thiết và cũng là phương tiện để bày tỏ tình thân hữu hay mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội, nhưng do lối văn hóa ăn uống của người Việt đã ăn thì phải ăn cho đã, đã uống thì phải uống cho say, ăn với uống phải no say. 

Người đàn ông thường hay mắc phải thói quen rượu bia, mới đầu vì nhu cầu quan hệ đối tác làm ăn sau riết rồi trở thành thói quen, thành nghiệp nghiện rượu bia. Bữa nào lỡ không có chiến hữu tiệc tùng, thì sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu, bồn chồn trong người, đêm đó thế nào cũng ngủ không yên vì cơn thèm khát.

Con ma rượu bia này chính do mình tạo ra, nuôi dưỡng nên nó âm thầm phát triển cho đến khi ngày nào không có nó, ta cảm thấy khổ sở khó chịu là biết mình bị ma men xâm nhập. Khi chúng ta đã bị con ma men này xâm nhập rồi thì tai hại sẽ bắt đầu ụp đến, làm cho ta có thể tán gia bại sản, thân tàn ma dại. Khi cơn nghiện rượu nổi lên rồi thì mất tự chủ, cuối cùng có thể cướp của hay lường gạt của người khác để có tiền uống rượu.

Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy mọi người không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể. Cách thức ăn uống của người Việt tương đối lành mạnh nhưng chế độ ăn uống thường mang tính cách theo thói quen, ngon miệng, hợp khẩu vị mà có thể thiếu các chất bổ dưỡng cần thiết hoặc dư chất bổ dưỡng. 

Trong cuộc sống chúng ta thường chỉ lo ăn với uống cho đó là vấn đề chính yếu. Tối ngày chúng ta làm lụng vất vả chỉ để ăn với uống sao cho ngon miệng nên ta phải giết hại các sinh vật rồi tham đắm, dính mắc vào đó mà chịu quả báo xấu khi đủ nhân duyên. Ăn thì phải món ngon vật lạ hoặc cao lương mỹ vị. 

Nhìn từ góc độ triết lý học Phật giáo, chúng ta thấy vô vàn, vô số địa ngục khác như các bệnh viện phòng cấp cứu, các nhà bếp của mỗi gia đình, các quán nhậu, các lò sát sanh, các chợ bán thịt cá, heo, bò, gà, vịt, các loài hải sản và cuối cùng là các nhà lưới bẫy đánh bắt. 

Mỗi một ngày, vô số các loài bị phanh da xẻ thịt để cung cấp phục vụ cho loài người. Nhìn ở góc độ địa ngục trần gian, chúng ta còn có thể hình dung địa ngục trong tâm thức mỗi người, đó là tâm toan tính hại người, hại vật hoặc bị phiền não chi phối gọi là địangục tâm thức. Người tu nếu đạt đến giác ngộ giải thoát thì tâm sẽ an nhiên, tự tại dù thân có bị hành hạ, đau nhức chi phối.

Chúng ta ăn chay để tránh nghiệp báo bệnh tật và chết yểu, nhưng cũng có người cho rằng “cỏ cây cũng có sự sống”. Đúng! Cây cỏ cũng có sự sống, nhưng cây cỏ không có cảm giác, không có ý thức tham sống sợ chết, lo lắng sợ hãi, vui buồn khổ đau như các loài vật.

Con người là một sinh vật có hiểu biết cao nhờ biết suy nghĩ và nghiệm xét, con người là vật tối linh trong các loài sinh vật.

Ăn chay đúng cách sẽ tránh được nhiều bệnh tật, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu chất dinh dưỡng đều xác định rằng: “Không chỉ trong thịt cá mới có chất dinh dưỡng mà trong các loại rau đậu, củ quả cũng có rất nhiều”. Con người cần phải có ăn uống mới bảo tồn mạng sống, nếu ăn không đúng cách dễ sinh ra nhiều bệnh tật, do tâm tham muốn quá độ.

Ăn rau đậu, củ quả thì trong người cảm thấy nhẹ nhàng, còn ăn thịt cá thấy hôi tanh và cơ thể nặng nề. Chính vì thế, khi nấu nướng người ta thường cho gia vị thật nhiều để làm át mùi tanh hôi của thịt cá và tạo nên sự hấp dẫn, nhằm kích thích khẩu vị của mọi người.

Một bằng chứng cho thấy một số động vật chỉ ăn cỏ cây, hoa lá có thân hình thật to lớn, lại khoẻ như voi, trâu, bò, ngựa, dê,… Chúng chẳng bao giờ ăn thịt cá nhưng lại to lớn, khoẻ mạnh và có thể giúp nhiều cho con người.

Ăn chay là thể hiện lòng từ bi đối với các loài vật nên người Phật tử phải tập ăn chay từ một hai ngày mỗi tháng, đến khi đủ nhân duyên thì ăn chay hoàn toàn. Khi ăn chay chúng ta nên thay đổi thức ăn cho đỡ ngán, tất cả có thể cùng ăn với cơm, bánh mì, bún, hủ tiếu...

Nếu không biết nấu sẽ mất chất bổ, làm hại bộ máy tiêu hóa, lại không ngon miệng. Khi nấu luộc nên đậy nắp, không nấu luộc quá chín hoặc chỉ luộc sơ qua, chúng ta nấu luộc vừa chín tới để đảm bảo đầy đủ chất bổ dưỡng.

Tóm lại, vấn đề ăn mặn và ăn chay còn khá nhiều khía cạnh tế nhị khác, trong phạm vi hạn hẹp và có giới hạn chúng tôi không dám luận bàn nhiều, chỉ nhắc lại lời cổ nhân dạy: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn". Nghĩa là, con người sinh ra trên trái đất này, ngoài chuyện ăn uống để bảo tồn mạng sống, thì chúng ta còn phải làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

Phật nói: "Chúng sinh sở dĩ đi không cách đất, không khỏi cỏ cây, ra vào không rời khỏi không khí, là bởi ăn những món do gieo trồng từ đất, nên thân thể rất nặng nề và chậm chạp.

Các tin tức khác

Back to top