Sen nở trong tâm người

13/01/2021 7:50
Trong những mẩu chuyện Phật giáo, ta thấy có một vị bồ tát luôn tin tưởng vững chắc rằng mọi người đều có Phật tính. Vì vậy, bất cứ khi nào nhìn thấy người khác, ngài nói với họ rằng: “Tôi kính trọng ngài sâu sắc và không bao giờ dám khinh thường ngài. Bởi vì ngài đang thực hành Bồ-tát đạo và sẽ thành Phật”. Bồ-tát luôn lặp đi lặp lại những lời này, người ta đã gọi ngài là “Thường Bất Khinh”.

Người ta từng giận dữ và phỉ báng ngài. Họ nói rằng “Vị Tỳ-kheo vô trí này ở đâu đến, tự tin nói rằng ông ta không khinh khi chúng ta và còn thọ ký cho chúng ta thành Phật? Chúng ta không cần những lời thọ ký hão huyền đó!”. Một số người khác thì “lấy gậy và gạch đá đánh đập và ném ông”. 

Nhưng Bồ-tát Thường Bất Khinh không từ bỏ sự thực hành của mình và đạt được giác ngộ, đắc được công đức lục căn thanh tịnh. Còn những người nhục mạ ngài thì đọa vào địa ngục Vô gián. Và sau khi thọ tội xong, họ cuối cùng gặp lại Bồ-tát Thường Bất Khinh, được ngài giáo hóa và chứng đắc Phật quả.

Trong Kinh Pháp Hoa, còn có hình ảnh của Gã Cùng tử, lang thang làm kẻ ăn mày khắp chốn mà không biết mình có một viên minh châu trong chéo áo. Và một chi tiết nữa, tận cho đến hôm nay, dù trong kinh cũng đã nói, Đề Bà Đạt Đa từng là một vị Cổ Phật và được thọ ký thành Phật, người ta vẫn chưa đủ rộng lòng và hoan hỉ. Đó là bởi vì, Đề Bà Đạt Đa là một người cực ác, luôn mưu tính hại Phật và phạm vào ngũ nghịch trọng tội. Người luôn làm điều ác, điều sai trái cho đến cuối cuộc đời thì không thể có Phật tính. Sự giận dữ và hẹp lòng trước những việc ác ấy còn loang tràn cho mãi đến hôm nay.

Kinh Pháp Hoa cũng nhắc tới hình ảnh một cô bé cũng có thể hiện thành uy nghi của một trượng phu với đủ hạnh Bồ Tát, ngồi tòa sen thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Đó là con gái của Long Vương.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta nhắc tới nhân và quả như một trực quan đơn thuần: Cây lúa sinh hạt thóc, hạt thóc ấy được gieo xuống đất lại nảy mầm thành cây lúa, chỉ vậy thôi thì sự có mặt của Phật tính và sự vận hành của Nhân duyên, vạn pháp trên đời này trở nên vô nghĩa. Cây lúa có thể sinh ra hạt lúa, nhưng hạt lúa ấy có thể trở thành thức ăn cho những chú chim đủ sức tung cánh trên những khung trời cao rộng. Khi ấy, nó đã chuyển hóa phần nào thành máu thịt, thành đôi cánh và tiếng hót của chim nhỏ. 

Những hạt lúa ấy cũng có thể còn mang bao tình thương của mẹ cha để mỗi ngày nuôi dưỡng lý tưởng những tâm hồn người trẻ. Và một khi nào đó, nhìn vào mắt, vào môi cười của một em bé, ta có thể nhìn thấy những cánh đồng lúa vàng của quê hương mình, nhìn thấy những nụ cười rịn mồ hôi, nhìn thấy tình yêu thương của trời đất và của mẹ cha thầy bạn. 

Rõ ràng, hóa thân của những hạt lúa không đơn thuần nữa. Cũng như nhân quả đúng sai tốt xấu trong cõi nhân sinh. Thiện và ác, đúng và không đúng không nằm nơi phán xét và lý luận của xã hội. Bởi nếu vậy, tất cả sẽ chỉ là một ước lệ có ranh giới mỏng manh và được xác định bởi những tri giác của con người đương thời tại nơi đó. Tri giác thường vẫn sai lầm và thay đổi. Thiện ác, tốt xấu, đúng hay sai là ở nơi Tâm mình. Nên biết ngàn vạn kho sách thánh hiền không bằng tự biết mình là vì vậy!

Đề Bà Đạt Đa đọa địa ngục nhưng trong khoảnh khắc tâm sinh hối hận, lòng không vướng bận sân si. Sau này Ngài được trải qua hiền kiếp và cuối cùng thành Phật. Tất cả mọi sự duyên xảy ra trong cuộc đời mỗi chúng ta đều không có đúng sai. Nên chăng, nếu có thể gieo nhân tốt, có thể vun tưới cho một cây non, có thể nâng đỡ, hướng người còn vụng về bước đi những bước chân lành thiện và an ổn trong đời... Đó mới là những việc thật đẹp, thật lành lẽ và đáng trân quý.

Nhắc tới những cụm từ thường gặp thời gian gần đây trên các báo và mạng xã hội, ta thường thấy những chữ như “rối ren”, “giá trị đảo lộn”... Có lẽ, chúng ta nên chăng đảo chiều những dòng suy nghĩ của mình để nhìn nhận sự việc. Thời này mới là thời cần những con người đi vào cuộc đời và học theo hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh, biết khiêm nhu cung kính trước đúng và sai của người. Thời này mới là thời để con người cần nhớ rằng mình có hạt giống của giác tính, của từ bi lành thiện, của Phật ở trong tâm. Điều cần thiết là những khoảng lặng, lắng nghe lòng mình.

“Lắng nghe” có nghĩa là phải lắng lại những lao xao trong tâm thì mới có thể nghe một cách thấu đáo, sâu sắc chính mình. Từ đó mới “thể nhận được giác tính” nơi bản tâm thanh tịnh của mình. Nếu có thể lắng lại, có thể gạn đục khơi trong, có thể lắng nghe chính từ niềm đau, từ nỗi khổ của mình và của người, hẳn sẽ không còn những tham lam vị kỷ, những hành xử nông cạn.

Vạn vật luân chuyển. Muôn vàn những chuyện xảy ra của “thế sự”, bao nhiêu cái khổ từ nơi thân mình. Đau bệnh, đói rét, mệt mỏi và áp lực. Tất cả mọi sự mỗi ngày mỗi giờ vẫn ập đến chẳng chờ nội tâm của ta vững vàng thêm, chẳng chờ lòng ta an ổn lại sau mỗi vết thương, chẳng chờ một bậc trí nào tới đúng thời điểm và khai ngộ cho ta. 

Nhưng “thế sự” ấy cũng là một cơ hội để ta nhìn lại lòng mình đã đủ bao dung hay còn chật hẹp với những kỳ vọng và oán trách? Để ta nhìn lại ta đang nuôi dưỡng cho hạt giống của Phật tính trong ta lớn lên hay nuỗi dưỡng cho hạt giống của tham - sân - si lớn lên.

Bồ tát Thường Bất Khinh là vị Bồ tát của lòng tin tưởng không lay chuyển vào giác tính nơi mọi người. Ngài là vị Bồ Tát của sự khiêm cung và trọng thị!

Đôi khi, người xấu nên tốt hơn, người vụng về biết sửa mình và cố gắng, người mang nặng nghiệp nợ biết lẽ chu toàn và dọn lòng cho nết hạnh đẹp thiện lành được biểu hiện. Ấy là bởi họ từng được gặp trong đời mình, một con người cũng đang sống theo hạnh của một vị Phật, một vị Bồ Tát - Bồ Tát Thường Bất Khinh!

(*) Dịch từ phiên âm: 

“Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lí trình”

(Bài kệ Núi số 1 - Trần Thái Tông)

(Nguồn: reatimes.vn)


Các tin tức khác

Back to top