Không nhầm lẫn từ bi tâm với cảm xúc luyến ái

31/01/2021 8:49
Từ bi tâm là gì? Chúng ta thường nhầm lẫn từ bi tâm với ham muốn, tham ái và sự bám chấp. Chúng ta nghĩ rằng từ bi tâm giống như thương yêu một đối tượng rồi cho đối tượng sở hữu “của tôi”. Bởi tâm bám chấp, chúng ta khổ đau rất nhiều. Chúng ta sợ hãi mình sẽ mất đi những gì mong muốn và phải chịu đau khổ trước những mất mát đó. Hãy quán xét kỹ càng về điều này. Chúng ta thường nhầm lẫn sự bám chấp là từ bi tâm. Đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới khổ đau. Đức Phật dạy về chân lý khổ và nhân của khổ. Nhân của khổ đau là do tâm tham. Chúng ta bám chấp quá chặt mà không biết làm thế nào để xả ly.

Nhưng vạn pháp vô thường. Chúng ta không thể khư khư bám giữ bất cứ thứ gì. Nếu chúng ta cứ cố gắng bám giữ chặt, chúng ta sẽ đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Và điều đó mang lại nhiều khổ đau; nó gây ra những nỗi sợ hãi trong đời sống. Đó không phải từ bi tâm. Từ bi tâm là một trái tim bao la, rộng mở. Đó là một trái tim luôn biết suy nghĩ: “Mong nguyện mọi người được khỏe mạnh và an lạc”, chứ không phải là: “Mong nguyện mọi người có thể mang lại cho tôi khỏe mạnh và an lạc”.

Để nuôi dưỡng một trái tim luôn mong nguyện sự an lạc tới cho mọi người, có thể bắt đầu từ gia đình của mình. Hãy cởi mở và ban trải niềm an lạc tới họ. Nhưng không được luyến ái hay chấp thủ – hãy hiện diện ở đó và chỉ cho mọi người thấy tình thương yêu, tình cảm chân thành, bởi vì họ là những người đầu tiên cần tới tình thương yêu.

Một trái tim nồng ấm không phải là một điều gì đó xa vời. Một niềm hoan hỷ khi mang lại an lạc cho mọi người, trong suy nghĩ làm thế nào để có thể mang lại một chút an vui cho những người mà ta gặp gỡ, thông qua một lời nói thương yêu, một nụ cười, một món quà hay bất cứ điều gì. Không bao giờ được suy nghĩ “Ồ, nhưng họ chưa bao giờ cho tôi thứ gì, vậy tại sao tôi phải mang lại cho họ chứ?”, hoặc “họ chẳng bao giờ mỉm cười với tôi, vậy tội gì tôi phải mỉm cười với họ.” Đó là một ví dụ về tâm thức nhỏ hẹp, tràn đầy sự ích kỷ. Hãy suy nghĩ về xã hội mà tất cả mọi người tốt đẹp với nhau. Đó sẽ là thiên đường, có phải vậy không?


Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo 


Các tin tức khác

Back to top