Thì được lợi, an lạc
Lớn mạnh trong Phật giáo
Hãy không bệnh, an lạc
Cùng tất cả bà con”.
(ÐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Cát tường, phần Buổi sáng tốt đẹp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.540)
Lời bàn:
Trong tâm thức người Á Ðông nói chung và trong đó có không ít những Phật tử sơ cơ đều tín niệm về ngày giờ tốt xấu, cát hung, nhất là trong việc xuất hành, khai trương đầu năm mới.
Vì thế những liên hệ về tuổi tác, ngày giờ tốt xấu để khởi sự công việc làm ăn hay bất cứ việc hệ trọng nào, đối với họ là một trong những mối quan tâm lớn, được ưu tiên hàng đầu.
Chuyện có ngày tốt đích thực hay không đến nay vẫn là cảm nghiệm riêng của mỗi người. Thực sự thì không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người, bởi có thể có ngày tốt đối với người này nhưng ngày ấy lại là ngày xấu đối với người kia. Chuyện hai người bán áo mưa và bán quạt ở cạnh nhau nhận xét về ngày tốt xấu là một điển hình. Vì ngày mưa sẽ tốt đối với người bán áo mưa nhưng không tốt với người bán quạt và ngược lại.
Theo tuệ giác Thế Tôn, ngày nào chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như suy nghĩ điều thiện, nói lời nói thiện và làm những việc thiện thì ngày đó chính là ngày tốt. Và như thế, ngày tốt phải do chúng ta tạo ra, làm nên chứ không phải do tạo hóa hay bất cứ sự vận hành nào tác thành. Vậy nên, thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài, người con Phật chủ động tạo ngày tốt cho chính mình và mọi người bằng cách tịnh hóa ba nghiệp.
Trong một ngày, nếu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều và từ chiều đến tối mà ta không làm bất cứ điều gì sai trái, xấu ác đồng thời còn làm được nhiều điều tốt đẹp, lợi ích thì chắc chắn đó là một ngày tràn ngập hạnh phúc, an vui. Thì ra, ngày tốt vốn có hàng ngày và không cần nhờ cậy bất kỳ ai coi ngày, ta vẫn có được ngày tốt lành cho mình, nếu biết tu dưỡng và chuyển hóa thân tâm.