Bàn về Tâm

16/10/2013 1:43
Chỉ có một quyển sách đáng đọc nhất: đó là Tâm của chúng ta.

Tu tập để biết đến những gì có thể làm cho tâm phiền não là điều chánh yếu trong Phật pháp. Những vọng động u mê là phiền não, chứ không phải tâm là phiền não! Chúng ta thường không biết rõ tâm là gì, và vọng động là gì. Những gì làm cho ta không hài lòng, ta thường không muốn dính dáng tới. Cách sống trong đời không khó, nhưng khó là vì ta không hài lòng, không thoả mãn với nó. Vọng động chính là cái làm cho ta khó sống trong cuộc đời.

Thế gian này đang ở trong một tình trạng rất sôi động. Tâm chúng ta cũng thay đổi, biến chuyển từ tâm trạng này sang tâm trạng khác, từ yêu sang ghét theo với sự sôi động của ngoại cảnh. Nếu chúng ta có thể tập làm cho tâm yên tĩnh lại, đó sẽ là điều lợi ích lớn nhất cho thế gian này.

Khi tâm ta an lạc, dù đến bất cứ nơi nào ta cũng sẽ thấy an lạc. Khi trí tuệ khai mở, ta sẽ thấy chân lý trong tất cả mọi sự. Chân lý ở đâu cũng là như vậy. Cũng tựa như khi ta đã biết đọc rồi, thì dù đi đâu ta cũng sẽ có thể đọc được.

Khi ta cảm thấy khó chịu với một chỗ nào đó, ta sẽ thấy khó chịu với tất cả mọi chỗ. Nhưng không phải là nơi chốn bên ngoài đó làm ta khó chịu, mà chính là nơi chốn « bên trong » của ta làm cho ta như vậy.

Hãy thử nhìn vào tâm ta. Người đang mang sách đồ vật cứ tưởng là đang lấy được những đồ vật đó, nhưng người ở ngoài nhìn vào chỉ thấy đó là sự nặng nề. Hãy xả bớt đi, làm cho nó mất đi, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.
V Tâm chúng ta bản chất là yên tĩnh. Nhưng từ sự yên tĩnh đó, có những vọng động nổi lên. Nếu ta thấy được những vọng động này, tâm sẽ tự nhiên yên tĩnh lại.

Đạo Phật là đạo của tâm, và chỉ như vậy mà thôi. Người nào thực tập sự khai mở tâm tức là người ấy thực hành đạo Phật.

Khi trong phòng thiếu ánh sáng, khó mà thấy được những mạng nhện giăng tùm lum nơi các góc phòng. Nhưng khi có ánh sáng tỏa chiếu, ta sẽ thấy được rõ ràng và có thể quét dọn nó đi. Khi tâm ta sáng, ta sẽ thấy được những vọng động làm vẩn đục tâm, và có thể thanh lọc chúng đi.

Làm cho tâm mạnh không phải bằng cách chuyển động nó như là tập thể dục thân thể vậy, mà là làm cho nó đứng yên, ở trong trạng thái an nghỉ tĩnh lặng.

Bởi vì con người không thấy được mình, cho nên họ làm đủ thứ điều xấu, gieo tạo ác nghiệp. Họ không biết nhìn vào tâm mình. Một người khi sắp làm một điều xấu thường hay nhìn quanh xem có ai thấy mình không, tự hỏi : « Không biết mẹ tôi có thấy tôi không ? » hay là « Không biết chồng tôi có thấy tôi không ? », « Con tôi có thấy tôi không ? » v.v… Nếu không có ai thấy, người đó sẽ yên tâm tiến tới làm việc đó. Đây chính là tự sỉ nhục mình. Họ bảo là không có ai thấy, nên vội vàng làm việc xấu trước khi có ai phát giác ra được. Nhưng còn chính họ thì sao ? Họ không phải là « ai đó » đang nhìn thấy hay sao?

Hãy nghe Giáo lý Đức Phật bằng tâm của mình, mà không bằng tai.

Có những người đã chiến đấu thắng được những vọng động vẩn đục trong tâm và chế ngự được chúng. Đây là sự chiến đấu bên trong nội tâm. Những kẻ chiến đấu ở ngoài làm nổ bom, bắn súng để đi chinh phục người khác và rồi bị chinh phục lại. Chinh phục người khác là việc làm của thế gian. Thực hành đạo Phật là không chiến đấu với người khác, mà chiến đấu với chính mình, chinh phục chính tâm mình, nhẫn nại theo dõi và điều ngự mọi trạng thái trong tâm.

Mưa từ đâu tới ? Mưa là từ những giòng nước chứa đầy những ô uế trên mặt đất bốc hơi lên, như nước tiểu và nước rửa chân chúng ta đã xả đi. Chẳng phải đó là điều kỳ diệu sao, khi những giòng nước bẩn ấy khi bốc hơi lên đến trời lại được chuyển hóa thành những giọt mưa trong sạch, thuần khiết ? Tâm của ta cũng vậy, cũng có thể thanh lọc, chuyển hóa những cấu uế vọng động, nếu ta để cho nó làm như thế.

Đức Phật nói hãy chỉ phán đoán chính mình, không nên phán đoán người khác dù cho họ có tốt hay xấu như thế nào chăng nữa. Đức Phật cho ta thấy con đường, và chỉ nói là « Chân lý là Như Thị, là như thế đó. ». Cũng thế, khi nhìn tâm, ta cũng thấy « Tâm là Như Thị, là như thế đó ».

Thiền sư Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top