Loại phiền não thứ nhất đến do sự vướng mắc vào những cảm giác vui thú nhất thời và chán ghét những gì cảm thấy đáng chán, loại phiền não này người ta vẫn thường phải đối phó hàng ngày. Loại thứ hai là những phiền não được đón nhận không sợ hãi, không trốn lánh khi bạn tự mở rộng mình mỗi khi kinh nghiệm những chuyển biến không ngừng -- những lạc thú, những nỗi đau, niềm vui và cơn giận. Những phiền não do kinh nghiệm đem lại giúp người ta củng cố thêm nội tâm để có sự vô uý và niềm an lạc. Chúng ta thường thích những gì dễ dàng, nhưng nếu không có phiền não, ta sẽ không có được trí tuệ. Để có được trí tuệ chín mùi, bạn phải trải qua vài lần đau khổ và khóc đến hết nước mắt trong việc tu tập mới được.
Chúng ta tu không phải để mà ăn được, ngủ được cho tốt, để có một đời sống dễ chịu, nhưng để biết thế nào là đau khổ:
1. Làm sao để chấp nhận nó…
2. Làm sao để đoạn trừ nó…
3. Làm sao để đừng tạo ra nó.
Vậy chúng ta hãy tập để đừng làm những gì có thể gây đau khổ, như là buông lung trong lòng tham muốn, nếu không đau khổ sẽ không bao giờ xa rời chúng ta được.
Thật ra, hạnh phúc chính là đau khổ trá hình, nhưng trong một dạng rất tế nhị khiến chúng ta không thấy được. Nếu ta cố bám víu lấy hạnh phúc, thì cũng giống như là cố bám víu vào đau khổ, có điều là ta không nhận ra được thôi. Càng bám vào hạnh phúc là càng khó buông bỏ đi sự đau khổ có sẵn trong đó. Chúng đi với nhau như bóng với hình vậy. Cho nên Đức Phật dạy chúng ta phải thấy biết đau khổ như là sự bất hạnh tiềm ẩn trong hạnh phúc, xem chúng nó là bình đẳng với nhau. Cho nên phải cẩn thận! Khi hạnh phúc đến, đừng quá vui mừng mà bị đắm chìm trong đó. Khi đau khổ đến, đừng tuyệt vọng, đừng đánh mất mình trong đó. Hãy xem chúng như có giá trị giống nhau vậy. Khi đau khổ khởi lên, hãy hiểu rằng không có một người nào đang đón nhận nó. Nếu bạn nghĩ sự đau khổ là của bạn, hạnh phúc là của bạn, thì bạn sẽ không thể an lạc được.
Những người biết được đau khổ sẽ từ đó có được trí tuệ. Nếu chúng ta không đau khổ thì ta sẽ không biết quán chiếu mọi sự. Nếu chúng ta không quán chiếu mọi sự, thì không có trí tuệ phát sinh. Không có trí tuệ thì chúng ta vô minh. Vô minh thì sẽ không giải thoát được sự đau khổ -- mọi sự đều là như vậy. Vì thế chúng ta phải tập luyện kiên trì trong sự tu tập. Khi chúng ta nhìn vào thế giới này, ta sẽ không sợ hãi như trước kia. Đức Phật không giác ngộ những gì ở ngoài thế gian mà chính là ở trong thế gian này.
Buông lung trong dục lạc và tự ép xác là lối sống mà Đức Phật đều không khuyến khích. Đây chỉ là nói về hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta tưởng rằng chúng ta thoát ra được phiền não đau khổ, nhưng thực ra là không. Nếu chúng ta bám víu vào sự an lạc hạnh phúc, chúng ta sẽ lại đau khổ phiền não. Mọi sự là như vậy, nhưng người ta cứ nghĩ ngược lại.
Người ta đau khổ ở chỗ này, nên bèn đi kiếm chỗ khác. Khi đến chỗ khác phiền não lại nổi lên, họ lại chạy đi tìm chỗ khác nữa. Họ tưởng là họ chạy thoát được phiền não đau khổ, nhưng thật ra là không. Đau khổ vẫn đi liền với họ. Họ đem theo đau khổ đi khắp nơi khắp chốn mà không biết. Nếu chúng ta không thấy biết sự đau khổ, chúng ta không thể biết được căn nguyên của sự đau khổ ấy. Nếu chúng ta không biết được căn nguyên của sự đau khổ, chúng ta sẽ không biết làm sao chấm dứt được đau khổ. Không có cách gì có thể tránh thoát được. Người học đạo ngày nay có rất nhiều kiến thức hơn người ngày trước. Họ có đầy đủ phương tiện cần thiết, mọi thứ đều thật là tiện lợi hơn rất nhiều. Nhưng tại sao họ lại phiền não và hoang mang hơn người xưa rất nhiều? Tại sao vậy?
Đừng cố làm Bồ Tát, đừng cố làm A la hán, đừng cố làm gì hết cả. Nếu bạn cố làm Bồ tát, bạn sẽ đau khổ; nếu bạn cố làm A la hán, bạn sẽ đau khổ; nếu bạn cố làm một người nào đó, bạn sẽ đau khổ. Yêu và ghét đều là đau khổ bởi vì có sự ham muốn trong đó. Muốn có là đau khổ, muốn không có cũng là đau khổ. Ngay cả khi bạn đã có được điều bạn muốn, đó cũng là đau khổ bởi vì khi bạn đã có rồi thì bạn lại lo sợ sẽ bị mất đi. Làm sao bạn có thể sống hạnh phúc trong sự sợ hãi được?
Khi bạn giận dữ, bạn cảm thấy tốt hay là xấu? Nếu cảm thấy đó là xấu thì tại sao không buông bỏ nó đi? Tại sao cứ giữ lấy nó? Làm sao bạn có thể nói được là bạn thông minh trí tuệ nếu bạn cứ nắm giữ lấy những điều đó? Có những ngày tâm đó của bạn có thể gây ra những cuộc cãi vã trong gia đình và làm cho bạn khóc hết nước mắt. Tuy thế, người ta cứ vẫn tiếp tục giận dữ và đau khổ. Nếu bạn thấy biết được sự đau khổ trong sự giận dữ, bạn hãy buông bỏ nó đi. Nếu bạn không buông, nó sẽ còn tiếp tục gây đau khổ vô tận, không có cách gì vơi bớt được. Thế giới hiện hữu trong sự bất toại ý của chúng sinh này là như vậy. Nếu chúng ta nhìn thấy được như vậy, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề.
Một người đàn bà đến hỏi tôi làm sao đối phó với cơn giận. Tôi hỏi bà khi cơn giận khởi lên thì nó là của ai. Bà bảo nó của bà. Nếu nó thực sự là của bà, sao bà không bảo nó đi chỗ khác đi, đó là điều bà nên làm, có phải không? Nhưng thực ra cơn giận không phải là của bà để bà ra lệnh cho nó được. Nếu nắm giữ lấy cơn giận như là một vật sở hữu cá nhân thì chỉ làm cho đau khổ thôi. Nếu cơn giận thực sự là thuộc về chúng ta, nó sẽ phải nghe lời chúng ta. Nếu nó không nghe lời, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã tưởng lầm về nó. Đừng có theo nó. Khi nào trong tâm cảm thấy vui hay buồn, đừng có theo những cảm giác đó. Tất cả chỉ là sự tưởng lầm mà thôi.
Nếu bạn tưởng là chắc chắn một điều không chắc chắn, bạn sẽ bị đau khổ.
Đức Phật vẫn luôn luôn thuyết pháp cho chúng ta. Hãy tự mình nhận biết lấy cho mình. Đây là hạnh phúc, và kia là không hạnh phúc. Đây là lạc thú, và kia là đau khổ. Chúng luôn luôn ở đây. Và khi bạn hiểu được bản chất của lạc thú và đau khổ, bạn sẽ thấy được Phật, bạn sẽ thấy được Pháp ở trong đó. Phật không ở ngoài những điều đó. Quán chiếu chúng với nhau, ta thấy hạnh phúc và đau khổ đều bình đẳng với nhau, giống như là nóng với lạnh vậy. Sức nóng từ lửa có thể làm cho chúng ta bị chết cháy, trong khi cái lạnh từ băng giá có thể làm cho chúng ta bị đông lạnh mà chết. Không có cái nào lớn hơn cái nào. Hạnh phúc và đau khổ cũng vậy. Trên thế gian này, người ta ước muốn hạnh phúc và không có ai ước muốn đau khổ. Niết Bàn không có những ước muốn. Ở đó chỉ là sự an bình tuyệt đối.
Thiền sư Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung (16/10/2013 5:55)
- Bàn về Tâm (16/10/2013 1:43)
- Tâm thư vân động cứu trợ miền trung (15/10/2013 2:42)
- Bên trong bạn không có gì cả (15/10/2013 12:02)
- Bao giờ mới ngừng phá thai (13/10/2013 12:52)
- Thực hành thiền trong đời sống hằng ngày (12/10/2013 12:29)
- Con sơn dương khôn ngoan và chó sói (10/10/2013 10:29)
- Bánh nào ngon? (10/10/2013 3:21)
- Phương pháp thuyết giảng và kỹ năng của một vị giảng sư ( 9/10/2013 5:00)
- Nước ngầm ( 8/10/2013 11:50)